Quyết định này cho phép ông Lee trở về nhà ngay lập tức đồng thời cho thấy các công tố viên vẫn chưa đủ bằng chứng để định tội lãnh đạo tập đoàn Samsung.
Không cần bắt giữ
Bên cạnh đó, quyết định này đã giải tỏa gánh nặng cho cả Samsung lẫn ông Lee - người đã phải cố gắng lấp chỗ trống trong ban lãnh đạo của tập đoàn sản xuất điện thoại hàng đầu thế giới, kể từ sau khi cha ông không thể lãnh đạo tập đoàn do lên cơn đau tim hồi năm 2014. Trong một thông báo bằng thư điện tử, tập đoàn điện tử khổng lồ của Hàn Quốc cho biết: "Chúng tôi hiểu rõ rằng những chi tiết trong vụ việc này có thể được làm rõ mà không cần bắt giữ".
Trong khi đó, Văn phòng Công tố viên đặc biệt "rất lấy làm tiếc" về quyết định của Tòa án quận Trung tâm Seoul đã bác bỏ lệnh bắt giữ ông Lee Jae-yong được đưa ra hôm 16/1 với các cáo buộc phạm tội hối lộ, tham ô và khai man. Tuy nhiên, văn phòng trên khẳng định sẽ cân nhắc các biện pháp cần thiết và tiếp tục điều tra vụ bê bối tham nhũng liên quan đến Tổng thống Park.
Trước đó, ngày 13/1, ông Lee đã phải trả lời thẩm vấn 22 giờ với tư cách là nghi phạm trong vụ bê bối. Ông đã khai nhận Tổng thống Park ép tập đoàn phải cung cấp hàng tỷ won cho nhiều tổ chức có liên quan đến bà Choi, nhân vật trung tâm của vụ bê bối hiện nay.
Lời khai nhận này trái với những gì ông Lee đã tuyên bố trong một cuộc điều trần tại Quốc hội hồi tháng trước, trong đó ông nói rằng Tổng thống Park chỉ nói về các vấn đề liên quan đến tập đoàn Samsung và kế hoạch đầu tư của họ trong một cuộc gặp riêng diễn ra năm 2015.
Ủy ban của Quốc hội điều tra vụ bê bối đã cáo buộc ông khai man trong cuộc điều trần. Theo luật hiện hành của Hàn Quốc, những người phạm tội khai man như vậy có thể bị phạt tới 10 năm tù.
Tập đoàn Samsung bị nghi ngờ hỗ trợ tài chính quá mức cho bà Choi để đổi lấy những ưu ái chính sách cho hoạt động của tập đoàn này. Cụ thể, Samsung bị cho là đã ký kết một hợp đồng trị giá 22 tỷ won (18,3 triệu USD) với một công ty ở Đức do bà Choi và con gái sở hữu, dưới danh nghĩa một thỏa thuận tư vấn nhằm trang trải cho khóa huấn luyện tập đua ngựa của con gái bà Choi.
Các nhà điều tra đang xem xét những nghi ngờ rằng hợp đồng trên được ký kết để đổi lấy việc Cơ quan Hưu trí Hàn Quốc, dưới sức ép của Phủ Tổng thống, hậu thuẫn vụ sáp nhập giữa 2 chi nhánh của Samsung trong năm 2015.
Công tố viên độc lập Park Young-su |
Đề nghị bắt giam bộ trưởng
Ngày 18/1, Công tố viên độc lập Park Young-su đã đề nghị tòa ra lệnh bắt giữ đối với Bộ trưởng Văn hóa, thể thao và du lịch Jo Yoon-son và cựu Chánh Văn phòng phủ Tổng thống Kim Ki-chun do nghi ngờ lập và quản lý “danh sách đen” đối với gần 10.000 người.
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc cũng cho biết đây, cũng là lần đầu tiên nhóm điều tra độc lập đề nghị bắt giam đối với một bộ trưởng đương nhiệm. Việc bà Jo và ông Park có bị bắt giam hay không sẽ được quyết định vào ngày 20/1 tới.
Theo các điều tra viên, “Danh sách đen” này được lập sau thảm họa chìm phà Sewon hồi tháng 4/2014. Danh sách này liên tục được cập nhật đến khi đạt khoảng 10.000 người, gồm những nhân vật trong giới văn hóa và nghệ thuật có lập trường phản đối chính phủ nhằm ngăn họ nhận được sự hỗ trợ của nhà nước.
Trong một diễn biến có liên quan, nhân vật trung tâm trong vụ bê bối chính trị tại Hàn Quốc Choi Soon-sil khai nhận tập đoàn Samsung đã hỗ trợ tích cực trong quá trình nhân vật này thành lập công ty giấy tại Đức vào hồi tháng 8/2016.
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời Công tố viên Park Young - su cho biết, việc Samsung hỗ trợ bà Choi thành lập Công ty giấy tại Đức là chứng cứ quan trọng phá vỡ lập luận cho rằng họ là “người bị hại, bị cưỡng bức” khi hỗ trợ tài chính cho bà Choi./.