Khẳng định vị thế cửa chính ra biển các tỉnh phía Bắc
Với khát vọng vươn mình mạnh mẽ, trở thành cửa chính ra biển của các tỉnh, TP phía Bắc, năm 2020, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị về phát triển Hải Phòng trong thời kỳ CNH - HĐH, hơn một năm thực hiện Nghị quyết 45 chuyên đề của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Hải Phòng tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết Đại hộ XII và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hải Phòng nhiệm kỳ XV, Hải Phòng đã thực sự “thay da, đổi thịt” với quy mô nền kinh tế của Hải Phòng có giá trị gần 300 nghìn tỷ đồng, tương đương 12,72 tỷ USD, lớn gấp 2,3 lần quy mô kinh tế năm 2015, đưa quy mô nền kinh tế Hải Phòng chiếm 12,4% quy mô vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Hàng năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng luôn duy trì mức tăng 14,94%/năm, gấp 1,4% mục tiêu đề ra là tăng trưởng 10,5%/năm, gấp 2,1 lần giai đoạn 2011 – 2015 và gấp 2,2 lần mức tăng trưởng trung bình 6,78% của cả nước. Kinh tế của Hải Phòng cũng có những chuyển dịch theo hướng tích cực khi tỷ trọng sản xuất công nghiệp, dịch vụ của Hải Phòng chiếm 95,68% quy mô nền kinh tế. Trong khi đó, tỷ trọng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm hơn 4% giá trị nền kinh tế.
Cùng với thay đổi cơ cấu nền kinh tế theo hướng CNH – HĐH, các lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Hải Phòng cũng phát triển theo hướng công nghiệp công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường; công nghiệp chế biến, chế tạo.
Thu hút được nhiều tập đoàn, công ty lớn hàng đầu thế giới đầu tư, tham gia mạng sản xuất toàn cầu, thúc đẩy phát triển nhanh các ngành công nghiệp phụ trợ như các Tập đoàn LG, Bridgestone, Nipro Pharma Corporation, Daiwa House, Fujita, Sujitsu, Minato, Chyoda của thế giới đến đầu tư tại Hải Phòng với tổng vốn đầu tư FDI trong giai đoạn này đạt 9,66 tỷ USD, bằng 44,5% số vốn FDI đầu tư vào Hải Phòng từ trước đến nay.
Đặc biệt, Tổ hợp sản xuất, chế tạo ô tô Vinfast đi vào hoạt động đánh dấu sự chuyển biến về chất của nền công nghiệp, đưa tỷ trọng công nghiệp công nghệ cao, chế biến từ 16,5% năm 2015 lên 45,5% trong ngành công nghiệp năm 2020.
Đặc biệt, nhờ số thu ngân sách nội địa tăng trưởng vượt bậc, trong 5 năm (2016 – 2020) đạt 408.498 tỷ đồng, gấp 1,6 lần giai đoạn 2011 – 2015 (256.119 tỷ đồng). Trong đó, thu nội địa tăng đột biến, năm 2017 đã đạt 21.777 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Đại hội XV trước 3 năm. Tổng thu nội địa trong 5 năm 2016 – 2020 đạt 120.698 tỷ đồng, gấp 2.65 lần giai đoạn 2011 – 2015 (45.570 tỷ đồng).
Hải Phòng đã chủ động hơn trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, kết cấu hạ tầng giao thông đã có bước phát triển vượt bậc. Sau khi đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đi vào vận hành, thành phố tiếp tục khánh thành, đưa vào sử dụng cầu vượt biển Tân Vũ – Lạch Huyện, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, đường trục World Bank, Quốc lộ 10, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng được mở rộng.
Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2016 – 2020 đạt 43.886 tỷ đồng, gấp 1,82 lần giai đoạn 2011 – 2015, trong đó vốn ngân sách thành phố 24.653 tỷ đồng, gấp 3 lần giai đoạn 2011 -2015 (8.211 tỷ đồng).
Điểm nổi bật nhất, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã hoàn thành hàng chục tuyến đường liên tỉnh, liên huyện, cùng với gần 50 cây cầu, trong đó có nhiều cây cầu lớn, với tổng chiều dài 23 km… Giao thông được chú trọng xây dựng cải tạo, hình thành lên mạng lưới giao thông đồng bộ, liên hoàn, hiện đại, thông suốt, kết nối thuận lợi Cảng Hải Phòng với các khu vực phía Bắc.
Đặc biệt, tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, tàu biển có trọng tải đến 100.000 tấn, tàu containe sức chở từ 8.000 đến 12.500 Teus, những tàu containe “mẹ” chuyên chạy tuyến viễn dương có thể trực tiếp cập cầu cảng, Từ đây, hàng hóa XNK khu vực phía Bắc có thể hành trình thẳng từ Việt Nam đi các cảng Châu Âu, Châu Mỹ không phải trung chuyển qua các cảng Hồng Kông (Trung Quốc), Cao Hùng (Đài Loan - Trung Quốc), rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí vận tải hàng hóa giữa Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ…
Không gian đô thị đã được mở rộng
Hải Phòng cũng thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm với diện tích hơn 1.445 ha, có vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng từ ngân sách TP. Dự án được quy hoạch gồm 4 khu chức năng, Khu hành chính - chính trị, khu đa chức năng, khu thương mại, khu cảnh quan mặt nước Dự kiến, trước 2025, Hải Phòng sẽ hoàn thành việc di chuyển Khu hành chính TP về khu đô thị mới.
Khu đô thị mới Bắc sông Cấm cùng với Khu đô thị VSIP, khu đô thị sinh thái ven sông Lạch Tray, khu du lịch cao cấp tại Đồ Sơn, đảo thông minh Cát Hải hình thành nên các khu công nghiệp lấn biển, hệ thống cảng biển, logistics, du lịch tầm cỡ quốc gia, quốc tế…
Hải Phòng cũng là địa phương đi đầu trong việc cải tạo chung cư cũ dưới hình thức BOT để từng bước thay thế hơn 200 căn chung cư cũ sập sệ, xuống cấp nguy hiểm - nơi sinh sống của hơn chục nghìn cư dân đô thị.
Hải Phòng đã hoàn thành đầu tư xây dựng khu chung cư U19 Lam Sơn với quy mô 5 tầng, với 56 căn hộ do Tổng Công ty Xây dựng Bạch Đằng thực hiện; chung cư N1, N2 Lê Lợi với quy mô 6 tầng gồm 126 căn hộ do Cty Cổ phần đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy thực hiện. Mới đây nhất, tòa chung cư HH4 Đồng Quốc Bình với chiều cao 29 tầng, có 728 căn hộ đã được hoàn thiện bàn giao cho thành phố.
Hàng trăm hộ dân đã được nhận nhà mới. Hiện nay 3 tòa chung cư HH1, HH2, HH3… đang được khẩn trương xây mới, thành phố đang quyết liệt thay mới 35 chung cư cũ nát Đồng Quốc Bình để thay vào đó là 4 tòa chung cư hiện đại với 2.486 căn hộ, đáp ứng cho nhu cầu của 1.883 hộ dân tại các chung cư cũ Đồng Quốc Bình mà còn có thêm các căn hộ đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội của thành phố.
Điều quan trọng nhất được người dân ghi nhận và đánh giá cao khi chung cư cũ phá đi, chung cư cũ hiện đại được xây dựng mới, thành phố dư ra quỹ đất 18 ha để làm hạ tầng giao thông và công viên cây xanh phục vụ nhân dân trong khu vực, điều mà bấy lâu nay người dân ước ao giờ đã thành hiện thực.
Trong thời gian qua, TP đã chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách để hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM. Theo chủ trương của Thành ủy, HDND TP đã ban hành cơ chế hỗ trợ xi măng để nhân dân xây dựng đường thôn xóm, đường nội đồng, hỗ trợ gạch, xi măng để xây mới, sửa chữa nhà ở cho các gia đình chính sách.
Nhờ có cơ chế sáng tạo này, thành phố đã huy động được một nguồn lực rất lớn từ sự đóng góp tự nguyện của nhân dân, đã hoàn thành 5.000 km đường nông thôn, xây dựng mới hàng nghìn ngôi nhà cho các gia đình chính sách.
Tổng vốn huy động xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020 đạt 40.396 tỷ đồng, gấp 2,5 lần giai đoạn 2010 – 2015 (15.857 tỷ đồng), trong đó, nhân dân đóng góp 5.865 tỷ đồng. Đến năm 2019, đã có 100% số xã (139/139 xã) đạt chuẩn NTM, hoàn thành mục tiêu Đại hội XV đề ra trước một năm…
Cầu Hoàng Văn Thụ kết nối hạ tầng giao thông mới cho Hải Phòng. |
Xác định các Khu công nghiệp (KCN) đóng góp tới 60% giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố, là nhân tố chủ chốt giúp cho Hải Phòng có bước chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện định hướng phát triển thành TP công nghiệp, hiện đại, giai đoạn này, Hải Phòng đã thực hiện lấn ra biển hơn 1.163 ha để phát triển các Khu phí thuế quan và KCN Nam Đình Vũ 1, KCN Nam Đình Vũ 2, KCN và dịch vụ Hàng Hải, dự án Tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô Vinfast; đưa 13 KCN của TP với diện tích hơn 6.556 ha được đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về không gian quy hoạch.
Tập trung phát triển ba trụ cột kinh tế của thành phố
Ủy viên TW Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành cho biết, mặc dù thu ngân sách của Hải Phòng đã tăng trưởng cao nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; môi trường kinh doanh được cải thiện như chỉ số PCI đứng trong Top 20 cả nước, chỉ số cải cách hành chính – Par Index xếp Top 5 các tỉnh, thành nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển chung của Hải Phòng; Hệ thống hạ tầng cảng biển chưa được đầu tư, nâng cấp so với yêu cầu phát triển cảng biển hiện đại, chưa có khu dịch vụ Logistics quy mô lớn hỗ trợ khai thác hệ thống cảng biển; hệ thống đường sắt cũ, lạc hậu, chưa kết nối với hệ thống cảng biển mới; đường thủy nội địa chưa phát huy vai trò hỗ trợ vận tải biển là những thách thức để xây dựng Hải Phòng thành TP công nghiệp theo hướng hiện đại, là động lực phát triển vùng Bắc Bộ; là trọng điểm phát triển kinh tế biển, trung tâm dịch vụ Logistics; trung tâm đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ biển của cả nước…
Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, với mục tiêu cụ thể như duy trì, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng giai đoạn 2020 - 2025 đạt bình quân tối thiểu 16%/năm, GRDP của Hải Phòng đạt 6,4% GDP cả nước, đạt 23,7% GDP của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, thu nhập bình quân đầu người đạt 14.700 USD; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến năm 2025 đạt 145.000 tỷ đồng, trong đó thu ngân sách nội địa đạt 65.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đạt 1.200 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đến năm 2025 đạt 35 tỷ USD; Sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 350 triệu tấn … đòi hỏi Hải Phòng phải có những đột phá mạnh mẽ ngay từ việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học – công nghệ, các ngành kinh tế chủ lực có lợi thế để phát triển bứt phá.
Theo đó, Hải Phòng sẽ đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, tập trung xây dựng chính quyền điện tử, cải cách thủ tục hành chính, nhất là các lĩnh vực cấp phép đầu tư, tiếp cận đất đai, quy hoạch, thủ tục thuế và hải quan, đưa Hải Phòng trở thành một trong 10 địa phương đạt thứ hạng cao nhất về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số cải cách hành chính.
TP cũng sẽ tăng tỷ trọng đầu tư lên mức 60% trong tổng nguồn chi hàng năm cho đầu tư phát triển. Trong đó, ưu tiên nguồn vốn cho các dự án phát triển hạ tầng giao thông, xác định là nguồn vốn “mồi” để thu hút mạnh mẽ nguồn vốn ngoài ngân sách cho phát triển hạ tầng như phối hợp cùng Bộ GTVT hoàn thành giai đoạn 2 Dự án nhà ga hành khách số 2, xây dựng cảng hàng hóa, khu hậu cần cho Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; xây mới thêm từ 6 – 8 bến Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, đưa vào khai thác tuyến đường bộ ven biển; xây dựng các tuyến đường vành đai 2, vành đai 3, …
Bên cạnh đó, Hải Phòng sẽ đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển ba trụ cột chủ yếu: công nghiệp công nghệ cao; cảng biển – logistics; du lịch – thương mại. TP sẽ tập trung huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng KCN công nghệ cao; các khu, cụm công nghiệp để đến năm 2025, Hải Phòng có 15 KCN với tổng diện tích 6.418 ha; 23 cụm công nghiệp với diện tích 973 ha.
Thúc đẩy triển khai các dự án hạ tầng phát triển khu du lịch Cát Bà, Đồ Sơn; Hoàn thành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu đô thị mới Bắc sông Cấm, xây dựng và di chuyển Trung tâm hành chính TP sang phía Bắc sông Cấm trước năm 2025 nhằm phát huy được lợi thế của TP là “điểm sáng” về tăng trưởng nhanh, bền vững, từng bước khẳng định Hải Phòng là trung tâm lớn của cả nước về dịch vụ cảng biển, hàng hải, logistics.
Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi phát triển các DN cung cấp dịch vụ logistics, bố trí quỹ đất phù hợp thu hút đầu tư hệ thống trung tâm logistics đạt tầm cỡ quốc gia và quốc tế, kêu gọi đầu tư dịch vụ vận tải và logictics đường hàng không…