Theo kết quả điều tra của Cơ quan CSĐT Công an huyện, lúc 20h ngày 24/4/2019, do tranh chấp giành khách nên giữa anh Nguyễn Xuân Kỳ (SN 1983, chủ nhà hàng Gia Long) và chị Nguyễn Thị Ngọc Diễm (SN 1991, chủ nhà hàng Bình Nguyên) xảy ra tranh chấp, cãi vã.
Sau khi hai người trở về quán thì chị Diễm tiếp tục cùng một số người thân và nhân viên trong quán, trong đó có bà Nguyễn Thị Hợp (SN 1965) tiếp tục qua cãi vã với vợ chồng anh Kỳ và xảy ra xô đẩy.
Tại đây, bà Hợp nói bị ai đánh và ôm đầu đi về quán Bình Nguyên. Thấy vậy, con trai bà Hợp là Nguyễn Trọng Bình (SN 1990) cùng một số người khác gồm: Trần Hữu Nhân (SN 2000), Lê Thành Nhân (SN 2002), Nguyễn Hạo Đông (SN 1994), Nguyễn Ngọc Dũng (SN 2003), Đỗ Trường Như (SN 1999), Nguyễn Phát Lợi (SN 1999), Đào Thị Thúy (SN 1973) chạy qua quán Gia Long và có hành vi chửi bới, đập phá tài sản, gây mất an ninh trật tự công cộng.
Hiện trường nơi xảy ra vụ việc. |
Cuối năm 2019, Cơ quan CSĐT Công an huyện đã khởi tố bị can một số về tội “Gây rối trật tự công cộng”, đồng thời liên tiếp ra các lệnh bắt tạm giam và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Tháng 12/2019, Kiểm sát viên (KSV) Bùi Hữu Sỹ đã ký thông báo truy tố bị can. Ngày 11/3/2020, TAND huyện tổ chức phiên sơ thẩm vụ án.
Tuy nhiên, tại phiên tòa xét xử, Luật sư Nguyễn Đức Nam thuộc Đoàn Luật sư TP HCM đã yêu cầu thay đổi KSV, đồng thời cũng chỉ ra nhiều thiếu sót trong quá trình hoàn tất thủ tục tố tụng của VKSND huyện Côn Đảo. Đặc biệt, trong đó còn có nhiều vấn đề nghiêm trọng có thể ảnh hưởng tới bản chất và kết quả vụ án.
Cụ thể, hồ sơ vụ án thể hiện: Ngay sau khi sự việc xảy ra, Cơ quan CSĐT Công an huyện Côn Đảo đã khám nghiệm hiện trường vụ án, có sự tham gia của đại diện VKSND huyện. CQĐT có lập biên bản khám nghiệm hiện trường và bản ảnh hiện trường, biên bản khám nghiệm hiện trường thể hiện vụ án là “cố ý làm hư hỏng tài sản”; bản ảnh hiện trường thể hiện vụ án là vụ “phá hoại tài sản”.
Nhiều đồ đạc tài sản bị đập phá. |
Tuy nhiên, sau khi kết thúc điều tra vụ án thì Cơ quan CSĐT Công an huyện Côn Đảo lại đề nghị truy tố các bị can về tội “Gây rối trật tự công cộng” và VKSND huyện Côn Đảo cũng ban hành bản cáo trạng truy tố các bị cáo về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Việc truy tố này của VKSND huyện Côn Đảo bị cho là hoàn toàn không đúng tội danh được điều tra.
Ngoài ra, theo lời khai của các bị cáo, các đương sự thì tại thời điểm lúc 20h ngày 24/4/2019, bị cáo Phan Thị Anh Thư và Đào Thị Thúy không có mặt tại hiện trường. Thư đang bán hàng cho khách cách đó khoảng 50m và Thúy đang phục vụ khách hàng trong quán thì không thể tham gia chửi vợ chồng anh Kỳ; nhưng CQĐT và VKSND huyện đều nhận định Thư, Thúy cùng tham gia chửi vợ chồng anh Kỳ là không đúng sự thật khách quan, làm sai bản chất sự việc.
LS Nguyễn Đức Nam đã đề nghị HĐXX thay đổi KSV thực hành quyền công tố tại toà là ông Bùi Hữu Sỹ. Tại tòa, LS đã cung cấp chứng cứ là đoạn ghi âm giữa ông Sỹ và bà Nguyễn Thị Xa (mẹ bị can Lê Thành Nhân) và chị Tiên (vợ sắp cưới của bị can Nguyễn Phát Lợi). Nội dung đoạn ghi âm yêu cầu bà Tiên vào trong trại tạm giam gặp Lợi, động viên Lợi khai là bà Thúy (bị can Đào Thị Thúy) có hành vi xúi giục, sau đó Lợi sẽ được tại ngoại và giảm nhẹ hình phạt.
Tại tòa, ông Sỹ đã khẳng định giọng nói trong đoạn gặp gỡ và nói chuyện với nhân chứng Xa là của mình. Việc làm này đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc làm việc của KSV, vi phạm tố tụng, có dấu hiệu của hành vi cố ý làm thay đổi lời khai ảnh hưởng tới bản chất vụ án. Gia đình bị cáo đã gửi đơn tố cáo ông Sỹ tới CQĐT VKSND Tối cao.
Nói về hành vi của KSV Bùi Hữu Sỹ, trả lời PV, ông Trần Thanh Tâm, Viện trưởng VKSND huyện Côn Đảo xác nhận sự việc trên và cho biết: “Hiện VKSND huyện Côn Đảo đang xem xét, xử lý vì ông Sỹ đã vi phạm các quy định của ngành”.