Vào thời điểm này, dự án nói trên mới đang thi công phần cọc và chưa làm móng. Trong khi đó, quy định của Bộ Xây dựng nêu rõ, những dự án xây xong phần móng mới được cấp phép mở bán.
Theo tìm hiểu của PV, chủ đầu tư Hải Đăng City là Công ty Cổ phần Đầu tư địa ốc Hải Đăng (trụ sở tại phố Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội). Chủ đầu tư Hải Đăng Mon City đã sử dụng văn bản có tên là Đảm bảo ký kết thỏa thuận đặt mua căn hộ. Khi ký kết, khách hàng buộc phải nộp tới 30% giá trị căn hộ.
Như vậy với những văn bản với tính pháp lý hết sức lỏng lẻo kiểu này, phần thiệt thòi chắc chắn sẽ thuộc về khách hàng bởi không có bất cứ ràng buộc nào về tiến độ cũng như chất lượng căn hộ.
Dự án Hải Đăng Mon City |
Bên cạnh đó, nhiều khách hàng không hề biết rằng đây là một trong những chiêu huy động vốn của chủ đầu tư. Bởi lẽ, một dự án mà chưa xây xong phần móng mà đã phải thu tiền từ phía khách hàng thì dư luận hoàn toàn có quyền đặt ra câu hỏi: Tình hình tài chính của chủ đầu tư có vấn đề gì khi mới thi công đã phải huy động vốn từ khách hàng?
Trong buổi làm việc với PV, ông Ngô Huy Ngọc (Phó Tổng giám đốc công ty Cổ phần Địa ốc Hải Đăng) cho rằng văn bản Đảm bảo ký kết thỏa thuận đặt mua căn hộ là một giao dịch dân sự, chủ đầu tư thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Việc thu 30% giá trị căn hộ theo ông Ngọc đây cũng là một thỏa thuận dân sự theo hợp đồng đặt cọc và bên chủ đầu tư không vi phạm pháp luật. “Đến thời điểm hiện tại, toàn bộ những văn bản Đảm bảo ký kết thỏa thuận đặt mua căn hộ đã được chúng tôi chuyển thành hợp đồng mua bán…”, ông Ngọc cho biết thêm.
Một chuyên gia về bất động sản bày tỏ quan điểm: “Vào thời điểm tháng 10/2015, việc khách ký hợp đồng đảm bảo với căn hộ của dự án Hải Đăng Mon City là điều rất đáng lo ngại bởi tính pháp lý hết sức mù mờ. Nếu như dự án không bàn giao đúng tiến độ, khách hàng khi đó cũng không có đủ chứng cứ để kiện chủ đầu tư vì đó chỉ là hợp đồng đảm bảo chứ không phải hợp đồng giao dịch mua căn hộ chính thức”.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này!