Theo Reuters, đúng như dự đoán, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật với tỉ lệ gần như nhất trí hoàn toàn 419/3. Dự luật nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cả các nghị sỹ thuộc đảng Cộng hòa lẫn phe Dân chủ, bất chấp sự phản đối của Tổng thống Mỹ - người muốn có quyền lớn hơn trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt với các nước.
Trước đó, Thượng viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát cũng đã thông qua phiên bản trước của dự luật với tỉ lệ ủng hộ cũng gần như tuyệt đối. Ngoài việc áp các biện pháp trừng phạt mới với Nga, dự luật cũng đưa ra các biện pháp trừng phạt với Iran và Triều Tiên.
Ông Ed Royce – Chủ tịch Ủy ban các vấn đề đối ngoại của Hạ viện Mỹ - nói rằng 3 nước Nga, Iran và Triều Tiên bị trừng phạt vì “đang đe dọa những lợi ích chiến lược của Mỹ và gây bất ổn cho các nước láng giềng”. “Đã đến lúc chúng ta phải phản ứng mạnh mẽ”, ông Royce tuyên bố. Tới đây, dự luật sẽ được chuyển tới để Thượng viện Mỹ xem xét thông qua.
Hiện, các lãnh đạo tại Thượng viện Mỹ chưa cho biết sẽ tiến hành bỏ phiếu với dự luật vào thời điểm nào. Ngoài ra, cũng có một số người tỏ ý không hài lòng vì dự luật đã bổ sung Triều Tiên vào. “Chúng tôi đã đồng ý trừng phạt Iran và Nga nên tôi vẫn chưa biết chúng tôi sẽ xử lý việc bổ sung thêm Triều Tiên vào ra sao”, ông Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban quan hệ đối ngoại Thượng viện Mỹ nói.
Nếu được Thượng viện Mỹ thông qua, dự luật sẽ được đưa tới để ông Trump quyết định ký thành luật hoặc phủ quyết. Nhà Trắng cho đến nay cho biết Tổng thống vẫn chưa quyết định có ký đồng ý với dự luật hay không. Dự luật đang đặt ông Trump vào thế khó: nếu ông bác bỏ dự luật, quyền phủ quyết của ông có thể bị Quốc hội Mỹ bác bỏ đồng thời còn có thể khiến nhiều nghị sĩ tức giận, cho rằng ông đang nhượng bộ Nga.
Về phía Nga, theo AFP, phát biểu ngày 26/7, Thứ trưởng ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố động thái của Mỹ là một “bước đi vô cùng nghiêm trọng” có thể triệt tiêu khả năng bình thường hóa quan hệ giữa 2 nước.
Ông Ryabkov để ngỏ khả năng Nga sẽ trả đũa nếu ông Trump ký ban hành dự luật vì Moscow đã “hàng chục lần” cảnh báo Washington rằng Nga sẽ không im lặng nếu Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào nước này. Còn ông Konstantin Kosachyov – một thành viên nổi bật trong Thượng viện Nga – trên trang facebook cá nhân ngày 26/7 tuyên bố Nga cần chuẩn bị cho phản ứng đáp trả “gây đau đớn” đối với các lệnh trừng phạt mới của Mỹ.
Thứ trưởng ngoại giao Iran Abbas Araghchi cùng ngày cũng tuyên bố các biện pháp trừng phạt mới vừa được Hạ viện Mỹ thông qua là “một biện pháp thù địch”, vi phạm các cam kết mà Mỹ đã đưa ra theo thỏa thuận hạt nhân đạt được năm 2015. “Hành động đang diễn ra ở Quốc hội Mỹ rõ ràng là một biện pháp thù địch nhằm vào Cộng hòa Hồi giáo Iran”, hãng tin ISNA của Iran dẫn lời ông Araghchi nói.
Ông Araghchi cho rằng dự luật về các biện pháp trừng phạt mới vừa được Hạ viện Mỹ thông qua chỉ gần như là sự tổng hợp những biện pháp trừng phạt trước đó của Mỹ trên các lĩnh vực phi hạt nhân. “Nhưng nó có thể ảnh hưởng tới việc thực thi thành công thỏa thuận hạt nhân JCPOA và làm suy giảm những lợi ích của Iran theo các điều khoản của JCPOA. Việc mà Quốc hội Mỹ đang làm đi ngược lại các cam kết của nước này và chắc chắn sẽ gặp phải phản ứng từ Iran”, ông Araghchi nói thêm.
Ủy ban các vấn đề đối ngoại và an ninh quốc gia của Quốc hội Iran thông báo sẽ tiến hành một phiên họp đặc biệt vào ngày 29/7 tới để thảo luận về phản ứng của nước này trước động thái của phía Mỹ.