Thoát nghèo nhờ nghề nuôi hươu
Những ngày cuối tháng 3, chúng tôi có mặt tại xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn, nơi được xem là cái “nôi” của nghề nuôi hươu lấy nhung, quy tụ nhiều mô hình nhất nhì huyện Hương Sơn. Từ một vài người theo nghề nuôi hươu lấy nhung, đến nay Sơn Lâm có tới 95% hộ dân nuôi và sống nhờ con hươu.
Vui vẻ kể với chúng tôi về nghề nuôi hươu lấy nhung, ông Phạm Văn Luật (SN 1964), trú tại xóm Lâm Đồng, xã Sơn Lâm chia sẻ: Nuôi hươu lấy nhung là nghề chăm sóc hươu để lấy sừng (lộc). Ở Hương Sơn là loại hươu hoang dã được người dân nơi đây thuần chủng, trải qua nhiều thời gian phát triển bây giờ cả huyện có hàng chục ngàn con. Mùa cắt nhung được tính từ Tết Nguyên đán đến tháng 7 âm lịch, nhưng rộ nhất là vào khoảng tháng giêng, tháng 2 âm lịch.
Gia đình ông Luật nuôi 60 con hươu, mỗi năm cắt khoảng 12 - 15kg nhung hươu cộng thêm tiền bán hươu giống cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Trước kia, người chăn nuôi hươu mỗi năm chỉ lấy được một lứa nhung, nhưng nhờ cách chăm sóc nên hươu có thể thu mỗi năm 2 lứa, với mỗi cặp bình quân 0,6 – 0,8kg, những chú hươu khoẻ có thể cho “lộc” nặng đến 1,7kg, mỗi kg có giá 10 triệu đồng, thời điểm trái mùa (tức khoảng tháng 7, tháng 8) mỗi kg nhung có giá 15 – 20 triệu đồng, xã Sơn Lâm giàu lên là nhờ nghề nuôi hươu lấy nhung.
Rời nhà ông Lâm, chúng tôi đến nhà ông Trần Văn Sáng (xã Sơn Lâm) là người có thâm niên trong nghề nuôi hươu. Kể với chúng tôi về thăng trầm của nghề nuôi hươu lấy nhung, ông Sáng chậm rãi nói: Vào những năm 90 của thế kỷ trước, hươu trải qua thời kỳ ảo giá với một cặp hươu giống lên tới mười cây vàng, những người có tiền khắp nơi đổ về Hương Sơn “săn” hươu. Từ đó, nhà nhà nuôi hươu, người người buôn hươu, nhà ít cũng có vài ba con, nhiều thì hàng chục con.
Thế nhưng, sau một thời gian ngắn, “cơn sốt” ấy cũng hạ nhiệt, mỗi con hươu trở về mức giá chỉ còn mấy trăm ngàn khiến nhiều người nuôi hươu điêu đứng, nợ nần chồng chất. Gần chục năm nay giá hươu mới dần ổn định, nghề nuôi hươu phát triển cực thịnh khắp huyện Hương Sơn. Nhờ nuôi hươu lấy nhung, nhiều nông dân thoát nghèo, giàu lên nhanh chóng và có của ăn, của để.
Trước đây, vùng đất Hương Sơn này quanh năm hết rét lại đến nóng của gió Lào lại kèm theo thổ nhưỡng không thuận lợi cho cây trồng nên cuộc sống của bà con vô cùng khó khăn, thậm chí còn phải chạy ăn từng bữa, nhiều nhà thoát nghèo trở nên khá giả trở nên giàu có từ nghề nuôi hươu. “Bản thân tôi đã quyết định lựa chọn nghề nuôi hươu là hướng đi để lập nghiệp từ lúc trẻ. Thời gian đầu, đàn hươu của gia đình chỉ có vài con, về sau tôi mạnh dạn vay vốn, từng bước phát triển đàn hươu đến nay đã con số đã lên đến hàng chục con”, ông Sáng chia sẻ.
Đưa nhung hươu ra thị trường quốc tế
Theo thống kê, toàn tỉnh Hà Tĩnh có khoảng hơn 40.000 con hươu, tập trung nhiều nhất là ở Hương Sơn với khoảng 30.000 con với sản lượng nhung trên 12 tấn, tập trung nhiều ở một số xã như: Sơn Lâm, Sơn Giang, Sơn Quang, Sơn Trung. Cả huyện Hương Sơn đã phát triển được 202 mô hình, trong đó có 06 mô hình từ 50-70 con, 200 mô hình từ 10-30 con, đặc biệt có một mô hình 100 con đã đăng ký và đang tiến hành thả giống. Năm 2008, hươu giống, nhung hươu Hương Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận thương hiệu. Từ đó, nghề nuôi hươu thực sự bước vào “thời kỳ vàng son” cũng là cơ hội để hươu “cất cánh” ra ngoại quốc.
Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hiện nay, ngoài việc nuôi hươu tại Hà Tĩnh đã triển khai xây dựng các nhà máy chế biến các sản phẩm từ nhung hươu ở thị trấn Thạch Hà - Hà Tĩnh phục vụ việc tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, sản phẩm nhung hươu đã có mặt tại các thị trường nước ngoài như Mỹ, Canada…
Trải qua bao thăng trầm, đến nay con hươu đã có tên trong danh sách sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh Hà Tĩnh. Hươu không chỉ có mặt tại các vùng miền núi Hương Sơn, Vũ Quang mà phát triển ở các huyện khác như: Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Kỳ Anh… Nhiều mô hình nuôi hươu từ nhỏ lẻ đến trang trại quy mô lớn ngày một tăng, mang lại thu nhập cho người dân và góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn mới.