Mới đây, PLVN nhận được đơn của bà Trần Thị Phúc (78 tuổi, trú tại phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) – một nữ thanh niên xung phong, con gái đầu trong gia đình có 8 người con thì có 5 người tham gia hoạt động cách mạng, 4 người đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Nhiều điểm bất thường
Năm 1968, gia đình bà Phúc sinh sống tại khu vực ngoài đê La Giang, đến năm 1969, thực hiện chủ trương di dân vào trong đê tránh lũ và tránh thiệt hại bởi chiến tranh, bà Phúc khi đó là xã viên Hợp tác xã (HTX) Hồng Minh, xã Đức Hồng, huyện Đức Thọ (nay là phường Trung Lương thị xã Hồng Lĩnh), được cấp diện tích là 591m2 đất ở lâu dài. Nhưng do là ao hồ và hố bom nên diện tích gia đình bà Phúc chỉ đắp nền sử dụng khoảng 100m2, còn lại chưa tôn tạo.
Cũng thời điểm này, HTX có đổi một phần đất làm mương dẫn nước tưới tiêu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp vùng trong đê và trả cho gia đình bà Phúc phần đất khác phía trước nhà, nhưng phạm vi đổi là ao hồ lồi lõm, nước đọng nên không ghi diện tích cụ thể, cách cống Trung Lương cũ trên 100m; do đó phần đất gia đình bà Phúc sử dụng đã san lấp thành vườn để trồng cây ngắn ngày liên tục từ năm 1969 đến năm 2016.
Năm 2010, thực hiện việc cấp sổ đỏ, UBND phường và cơ quan chức năng thị xã Hồng Lĩnh bị cho là đã không tìm hiểu nguồn gốc, cắt mất của bà Phúc 146m2 trong thửa đất liền kề và cả phần diện tích cấp bù không liền kề dẫn đến bà Phúc mất gần 300m2 so với tổng diện tích 591m2.
Năm 2012, vợ chồng bà Phúc cắt phần nhà đất đang ở cho người con trai duy nhất. Đầu năm 2014, bà Phúc xây tạm ngôi nhà trên diện tích đất đổi để ở, đến tháng 8/2014 thì hoàn thành đưa vào sử dụng ổn định, không có một ý kiến gì về việc sử dụng nhà đất. Bỗng nhiên tháng 9/2016, UBND thị xã Hồng Lĩnh đến lập biên bản xử lý vi phạm hành chính.
Ngày 15/11/2016, ông Nguyễn Văn Hổ - Chủ tịch thị xã Hồng Lĩnh ký Quyết định 1871/UBND về việc cưỡng chế ngôi nhà của bà Phúc. Ngày 1/12/2016, UBND thị xã Hồng Lĩnh huy động lực lượng cưỡng chế phá bỏ ngôi nhà của bà Phúc.
Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Đình Hiếu - con trai của bà Phúc cho hay, việc xây dựng ngôi nhà đã được báo cho các đơn vị quản lý và chuyên môn phường Trung Lương với nội dung “tiến hành làm nhà tạm để khắc phục chỗ ở cấp bách, đảm bảo ổn định cuộc sống và xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất xin xây dựng”, nhưng nhiều năm vẫn không thấy chính quyền hồi âm hay trả lời.
Ngoài ra, khi tiến hành xây dựng nhà thì Công ty TNHH MTV Thủy Lợi Bắc Hà Tĩnh có văn bản báo cáo UBND phường Trung Lương và UBND thị xã Hồng Lĩnh nêu rõ việc đất và nhà bà Phúc xây nằm trên hành lang công trình thủy lợi. Tuy nhiên, năm 1999 trong quy hoạch dịch chuyển cống Trung Lương các đơn vị quy hoạch đã dịch chuyển cống sang tận đất của bà Phúc mà không hề thể hiện văn bản hay thông báo gì cho gia đình.
“Cùng một dãy đất phía đầu là trạm bơm nước của HTX đã được quy hoạch đền bù, phía cuối một số hộ gia đình được đền bù thỏa đáng, nhưng riêng phần đất gia đình tôi lại không thể hiện trong quy hoạch, thu hồi, hay thông báo hạn chế sử dụng đất cũng như đền bù gì cả. Nếu như nhà tôi xây dựng trái phép thì xung quanh nhà tôi cũng có rất nhiều gia đình xây dựng nhà như vậy, nhưng tại sao chỉ có mình gia đình tôi bị cưỡng chế, phá bỏ?”, anh Hiếu cho biết.
Cũng theo anh Hiếu, khi cưỡng chế cơ quan chức năng chưa xem xét giải quyết các khiếu nại và nguồn gốc lịch sử biến chuyển của hiện trạng đất, cũng như đến việc sinh sống của những con người trong gia đình.
Chính quyền địa phương nói gì?
Được biết, ngày 30/11/2016, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Văn bản số 6470/UBND-TCD2 giao UBND thị xã Hồng Lĩnh phải làm rõ, ra quyết định trả lời những khiếu nại của bà Phúc. Nhưng mãi đến ngày 13/12/2016, Thanh tra thị xã Hồng Lĩnh mới có giấy mời bà Phúc đến nghe giải trình các vấn đề khiếu nại.
Trao đổi với một vị Phó Chủ tịch phường Trung Lương, được biết việc quản lý đất đai đối với những hồ sơ trước đây địa phương căn cứ vào Bản đồ 299, còn hiện tại thì căn cứ vào bản đồ quy hoạch tỉ lệ 1/2000 của phường Trung Lương (từ năm 2013) đã được UBND tỉnh phê duyệt, công bố. Phạm vi các công trình phải cách hành lang đê là 50m.
“Về đất đai của gia đình bà Phúc, năm 2008 - 2009 phường làm đồng loạt sổ đỏ cho người dân, trong đó có gia đình bà Phúc, nhưng mãi đến năm 2014 gia đình bà Phúc mới tìm được giấy gốc với diện tích đất là 571m2 có xác nhận của chính quyền địa phương. Vì diện tích đất thực tế so với giấy tờ là chưa đủ nên địa phương đã làm báo cáo, đề xuất với thị xã cấp bù thêm 145m2 phần đất liền kề cho bà Phúc để đủ 571m2, đã được chấp thuận và thực hiện. Sau đó địa phương bàn giao bìa và hồ sơ cho gia đình, nhưng tới thời điểm hiện nay gia đình chưa nhận với lý do liên quan đến phần diện tích đất phía bên kia đường”, vị này cho biết.
Trả lời câu hỏi vì sao bà Phúc xây nhà từ năm 2014 địa phương không có ý kiến gì, mãi đến năm 2016 lại cưỡng chế phá nhà? Ông này cho hay, khi xây nhà phường phát hiện và đến lập biên bản với lý do là mục đích sử dụng đất chưa chuyển đổi, và kể từ khi xã lên thành phường Trung Lương (từ tháng 3/2009) tất cả các công trình xây dựng phải báo cáo với chính quyền địa phương, phải được cấp phép, nhưng công trình này lại không thông báo cũng chưa được cấp phép. Tuy nhiên, chỉ duy nhất nhà bà Phúc bị cưỡng chế. Năm 2001, sau khi điều chỉnh cống, một số hộ dân được đền bù về đất sản xuất nông nghiệp nhưng nhà bà Phúc không được đền bù.
“Từ khi cưỡng chế nhà bà Phúc đến nay chưa tiếp nhận được đơn thư nào của nhà bà Phúc gửi, mà gia đình chỉ gửi lên cấp trên. Cách đây mấy ngày chúng tôi cùng Thanh tra thị xã đã mời gia đình lên làm việc, nhưng không thấy gia đình lên. Nếu xác định chính quyền hay cá nhân nào sai thì sẽ phải chịu trách nhiệm”, vị này nói.
“Tôi còn một đứa con gái thiểu năng trí tuệ và một đứa cháu mới sinh con được 32 ngày tuổi. Bây giờ nhà bị phá, cả 8 người rơi vào cảnh tá túc “màn trời chiếu đất”. Tôi thì già rồi, chỉ thương đứa cháu liệu có còn tết không đây…?”, bà Phúc nghẹn ngào trong nước mắt.