“Doanh nghiệp có vướng mắc, chủ tịch trực tiếp giải quyết”
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang có cơ hội đón “làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản”. “Khi TPP (Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương) có hiệu lực, các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ phải sắp xếp lại chiến lược chuỗi giá trị với Việt Nam. Vì lợi ích của mình, các doanh nghiệp Nhật Bản cần tái cấu trúc đầu tư và dịch chuyển từ những nước chưa tham gia TPP vào Việt Nam”.
Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, ngài Katsuro Nagai cho biết, hiện Nhật Bản đang xếp thứ 2 trong số 105 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Số dự án được cấp phép chiếm khoảng 30%, bao gồm nhiều ngành nghề: Xây dựng, bán lẻ, dịch vụ, trong đó có nhiều công trình mang biểu tượng của Nhật Bản ở Việt Nam như cầu Nhật Tân, nhà ga Quốc tế Nội Bài.
Một báo cáo gần đây của Tổ chức JETRO cũng cho thấy các doanh nghiệp Nhật Bản đều quyết định sẽ mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI cảnh báo: Việt Nam có thể đón nhận thành công được làn sóng này không còn phụ thuộc vào nội lực và công cuộc cải cách thể chế của Chính phủ và các địa phương. Ông Lộc kỳ vọng bộ máy lãnh đạo mới của Hà Nội trẻ, năng động, tư duy cải cách và quyết liệt sẽ tạo ra bước đột phá trong phát triển.
“Với lợi thế sẵn có cùng sự quyết liệt của lãnh đạo, tôi hy vọng Hà Nội sẽ sớm trở thành địa phương thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất, các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ chọn Hà Nội là địa điểm đầu tiên khi đầu tư vào Việt Nam”.
Đối thoại trực tiếp cởi mở và chân thành với 30 doanh nghiệp Nhật Bản về cơ hội đầu tư, cũng như những vấn đề liên quan đến môi trường kinh doanh thương mại tại Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định: Chính quyền TP Hà Nội sẽ luôn tạo những điều kiện tốt nhất để hỗ trợ các doanh nghiệp hợp tác hai chiều trên các lĩnh vực đầu tư, thương mại và du lịch.
“Tôi nhận nhiệm vụ chưa được 3 tháng và đây là buổi đầu tiên tôi tiếp xúc với doanh nghiệp, thể hiện ý chí quyết tâm của lãnh đạo thành phố trong thu hút đầu tư nước ngoài nói chung, thu hút đầu tư từ Nhật Bản nói riêng. Ông Hoàng Trung Hải, bí thư Hà Nội cũng nhờ tôi gửi thông điệp tới toạ đàm hôm nay rằng Bí thư Hà Nội cũng sẽ đồng hành, tiếp xúc với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn , thu hút đầu tư cho Hà Nội”, ông Chung nói.
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung lắng nghe các nhà đầu tư |
Ông Chung nêu ra 6 điểm lợi thế của Hà Nội để các nhà đầu tư Nhật Bản nắm được đó là: Chính trị ổn định; Nền kinh tế vĩ mô ổn định; An ninh trật tự xã hội luôn được đảm bảo; gia nhập TPP và những cải cách mạnh mẽ sau 30 năm đổi mới. “Tôi muốn nhấn mạnh thêm là biểu tượng của Nhật Bản là mặt trời, Việt Nam chúng tôi là ngôi sao. Bầu trời không thể thiếu mặt trời và những ngôi sao và chúng ta sẽ cùng nhau toả sáng để cùng làm sáng lên nền kinh tế Châu Á”, ông Chung khẳng định trong sự nhất trí cao của các nhà đầu tư Nhật Bản.
Ông Chung cũng khẳng định Hà Nội cam kết thực hiện nền hành chính phục vụ để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. “Doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc về đầu tư, tôi là chủ tịch thành phố sẽ trực tiếp tiếp nhận và giải quyết”.
“Nhà đầu tư Nhật Bản phấn khởi, muốn làm ngay”
“Nhiều doanh nghiệp lớn của Nhật Bản thông qua chúng tôi muốn sớm đầu tư vào Hà Nội”, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn- Tổng giám đốc Công ty CP Tiến bộ Quốc tế AIC cho biết tại buổi toạ đàm do Đại sứ quán Nhật Bản, VCCI, Hiệp hội DN Nhật Bản, và AIC phối hợp tổ chức sáng 20/3.
Cụ thể, các nhà đầu tư như Tập đoàn Toho, nhà sản xuất, phân phối dược phẩm hàng đầu Nhật Bản, chuyên nghiên cứu các loại thuốc mới và phần mềm hỗ trợ hệ thống vận hành bệnh viện cùng 2 doanh nghiệp y tế khác cùng mong muốn đầu tư xây dựng nhà máy ở Hà Nội để sản xuất vacxin, quản lý và điều hành bệnh viện theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Tập đoàn Kubota và Swing, nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ xử lý môi trường, rác thải y tế ngỏ ý muốn hợp tác sâu rộng với các đối tác Việt Nam và tặng Hà Nội công nghệ xử lý nước sạch theo phương thức xã hội hoá.
Các ca sĩ nổi tiếng Nhật Bản biểu diễn trong Lễ hội hoa anh đào 2016 do UBND TP Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp cùng Hiệp hội Wanokai và Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế AIC phối hợp tổ chức. |
Đặc biệt, các chuyên gia từ doanh nghiệp chuyên thiết kế cảnh quan của Nhật Bản, đơn vị từng đảm nhiệm thiết kế các danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở Nhật Bản sẽ thiết kế một số đường phố chính và làng nghề để tặng cho Hà Nội với mục tiêu tạo cảnh quan để thu hút du lịch bốn mùa.
Trong lĩnh vực du lịch, phía Nhật Bản mong muốn hợp tác với Hà Nội để hỗ trợ Hà Nội xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phù hợp với tiêu chuẩn đón tiếp du khách Nhật.
“Chúng tôi sẽ gửi chi tiết mong muốn hợp tác của đối tác Nhật Bản tới các ban ngành của Hà Nội để nghiên cứu, xem xét. Hy vọng ông Chủ tịch Hà Nội và các sở ban ngành trong tháng 4 sẽ tiếp xúc lại các nhà đầu tư Nhật Bản có thể chính thức triển khai tất cả các chương trình này một cách sớm nhất”, bà Nhàn đề nghị.
Nữ doanh nhân được xem là “cầu nối” gắn kết các nhà đầu tư Nhật Bản tới Việt Nam thời gian qua chia sẻ thêm cá nhân bà cũng như AIC luôn biết ơn các đối tác Nhật Bản đã đồng hành trong các chương trình đầu tư vào Việt Nam và cam kết AIC cũng như cá nhân bà sẽ luôn có trách nhiệm cao nhất trong chương trình hợp tác với Hà Nội lần này.