Thiếu hụt đến 100.000m3/ngày đêm
Nguy cơ thiếu hụt nước sạch mùa hè năm nay ở Hà Nội càng “căng” hơn khi nguồn cung đang chờ đợi các dự án mới nhưng đều trong giai đoạn đang triển khai. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, từ khảo sát thực tế, sở này dự báo tình hình cấp nước sạch trong mùa hè 2017 sẽ rất khó khăn.
Hiện việc cung cấp nước sạch chủ yếu do 4 công ty nước sạch thực hiện, cung cấp cho khoảng 1.152.000 hộ dân, tương đương 4,6 triệu người. Trong đó, nguồn cấp lớn nhất vẫn là Cty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội quản lý với công suất khoảng 617.000 m3/ngày đêm.
Dù trong năm 2016, Hà Nội đã đưa vào vận hành dây chuyền xử lý nước mặt tại Nhà máy nước Bắc Thăng Long với công suất 30.000m3/ngày đêm nhưng do nguồn nước ngầm và nước mặt sông Đà giảm nên tổng lượng nước tối đa có thể cung cấp được chỉ ở mức 963.304m3/ngày đêm.
Theo tính toán vào cao điểm mùa hè nhu cầu sử dụng nước tăng mạnh (tăng từ 10 đến 12% so với ngày thường), tương ứng nhu cầu khoảng 1.040.000-1.060.000m3/ngày đêm. Vì vậy, lượng nước thiếu hụt dự tính trong thời cao điểm sẽ ở mức 70.000- 100.000m3/ngày đêm.
Sở Xây dựng Hà Nội cũng chỉ rõ một số khu vực chắc chắn sẽ thiếu nước sạch sinh hoạt trong dịp cao điểm của mùa nắng nóng như: Khu vực đường Bưởi (Ba Đình); Thụy Khuê (Tây Hồ); Hàng Buồm, Trần Nhật Duật, Hàng Tre, Hàng Gai… (Hoàn Kiếm); Đê La Thành, đường Láng, ngõ Thái Thịnh 2 (Đống Đa)…
Đáng lo ngại hơn, mạng lưới đường ống dẫn nước sạch sông Đà về Hà Nội (hiện chiếm 23,4% tổng sản lượng nước của Hà Nội) lâu nay luôn trong tình trạng tiềm ẩm nguy cơ cao xảy ra sự cố vỡ ống. Hiện tuyến ống truyền tải nước sông Đà đang được vận hành với áp lực thấp hơn so với trước đây, do vậy càng hạn chế khả năng cung cấp nước cho khu vực trung tâm thành phố.
Trong khi tuyến ống số 2 dự kiến vận hành cấp nước trước vào 30/5/2016 nhưng đến nay vẫn không thể hoàn thành như cam kết của chủ đầu tư. “Dù đã đề ra các giải pháp đối với đơn vị cấp nước sông Đà là phải thường xuyên tuần tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố rò rỉ, vỡ ống; thời gian sửa chữa không được quá 10 giờ/1 điểm vỡ, nhưng cứ mỗi lần vỡ toàn bộ khu vực Tây Nam thành phố lại rơi vào tình trạng thiếu nước”, vị cán bộ Sở Xây dựng nói.
Vị này cũng cho biết, qua khảo sát thực tế mới đây cho thấy, so với nhu cầu thực tế thì lượng nước còn thiếu rất lớn, trong đó chưa tính đến các khu vực phát triển mở rộng mạng lưới cấp nước, sự phát triển của hàng loạt khu đô thị mới, khu nhà cao tầng trên địa bàn thành phố.
“Đối với các khu vực ở cuối nguồn nước, có vị trí cốt địa hình cao, được dự báo là khó khăn về cấp nước, giải pháp mà các công ty nước sạch đưa ra là lắp đặt bơm tăng áp di động, vận hành mạng lưới cấp nước phân khu theo giờ trong dịp cao điểm. Nhưng đây chỉ là những giải pháp tạm thời, bởi nguồn cung so với nhu cầu thực tế đang thiếu hụt rất lớn, trong khi các dự án về nước sạch vẫn đang triển khai”, vị này phân tích.
Dự báo nhiều nơi ở Hà Nội phải đối mặt tình trạng thiếu nước sạch trong dịp hè. |
Chỉ biết kêu gọi người dân tiết kiệm
Về tình hình cấp nước hè 2017, đại diện Cty Nước sạch Hà Nội cho biết, ngay từ đầu tháng 3/2017, Cty đã xây dựng kế hoạch cấp nước mùa hè. Dự kiến, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện các dự án phát triển nguồn nước để tăng thêm 47.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, theo dự báo thời tiết mùa hè năm 2017 tiếp tục có những đợt nắng nóng kéo dài khiến nguồn nước bị suy giảm.
Trong khi khả năng nguồn nước sông Đà không cung cấp đủ về lưu lượng và áp lực theo yêu cầu bình quân 20.000 đến 30.000 m3/ngày đêm. “Mục tiêu Cty đề ra là trong mùa hè 2017 phải tối đa năng lực sản xuất của các nhà máy, kết hợp chống thất thoát, thất thu để khai thác tối ưu sản lượng nước ngầm khoảng 643.000 m3/ngày đêm. Cùng với đó, chúng tôi cũng mong người dân chia sẻ, sử dụng nước tiết kiệm để có đủ nguồn phân phối cho các khu vực có thể xảy ra thiếu nước trong dịp hè này”, vị cán bộ nói.
Đối với nguồn nước từ nhà máy nước mặt sông Đà về Hà Nội, hiện trên thực tế lưu lượng cấp cho Hà Nội đạt thấp hơn 233.000 m3/ngày đêm. Đặc biệt, sau sự cố 20 lần vỡ đường ống số 1, áp lực nước đang được bơm theo kiểu cầm chừng, vì lo sợ vỡ đường ống tiếp. Đại diện Cty CP đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nước sạch (Viwaco)-đơn vị phân phối nước sạch sông Đà cho biết, hiện công ty đang cung cấp nước cho trên 150.000 khách hàng với địa bàn rộng, tập trung chủ yếu là các quận, huyện phía Tây thành phố nhưng công suất, áp lực nước cung cấp theo thỏa thuận không đạt.
“Chúng tôi là đơn vị kinh doanh khi thiếu nước, mất nước khách hàng kêu nhưng thực tế nguồn nước cấp với công suất, áp lực không đảm bảo. Tất cả đang chờ đường ống nước sông Đà số 2 nhưng dự án không thực hiện đúng như cam kết dẫn đến việc thiếu nước trong dịp hè càng thêm căng thẳng. Chúng tôi cũng chỉ biết kêu gọi khách hàng sử dụng tiết kiệm và chia sẻ với công ty”, vị cán bộ này nói.
Liên quan đến dự án đường ống sông Đà số 2 dù được khởi công vào tháng 10/2015, theo cam kết của nhà đầu tư, 21km đường ống này sẽ hoàn thành trước 30/5/2016 nhằm san tải cho đương ống số 1 hiện nay, nhưng đến nay vẫn chưa biết bao giờ sẽ hoàn thành. “Đúng là theo cam kết tiến độ dự án đường ống số 2 đang bị chậm, có nhiều nguyên như thay đổi nhà thầu cung cấp vật liệu đường ống, hay thổi nhân sự, thay đổi thành phần nhà đầu tư….”, vị cán bộ chủ đầu tư -Vinaconex cho hay.
Ngoài dự án đường ống nước sạch sông Đà số 2 không đạt tiến độ như cam kết, các dự án nước sạch khác của Hà Nội cũng đang trong giai đoạn triển khai. Tháng 3 vừa qua, Hà Nội mới phát lệnh khởi công dự án nhà máy nước mặt sông Đuống (tại huyện Gia Lâm) do Cty cổ phần nước mặt sông Đuống làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng.
Dù dự án được thi công trên mặt bằng thuận lợi, nhưng theo cam kết của nhà đầu tư thì phải sau 22 tháng nữa mới có thể đưa nhà máy công suất 300.000 m3/ngày đêm này đi vào hoạt động. Đối với dự án nước mặt sông Hồng công suất 300.000m3/ngày đêm đặt tại huyện Đan Phượng, nếu được thi công theo đúng kế hoạch thì cũng phải cuối năm 2018 mới có thể đưa vào sử dụng giai đoạn đầu.
So với nhu cầu thực tế thì lượng nước còn thiếu rất lớn, trong đó chưa tính đến các khu vực phát triển mở rộng mạng lưới cấp nước, sự phát triển của hàng loạt khu đô thị mới, khu nhà cao tầng trên địa bàn thành phố.