Như nội dung ở bài trước đã nêu một số vấn đề khuất tất về việc thu hồi đất làm Dự án xây dựng tòa nhà hỗn hợp Constrexim tại ô đất ký hiệu A1- A2 Khu đô thị mới Cầu Giấy. Để làm rõ nội dung phản ánh, phóng viên Báo PLVN đã đặt lịch làm việc với UBND quận Cầu Giấy, tuy nhiên sau nhiều lần liên lạc, UBND quận Cầu Giấy “mới chịu” giao cho Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) cung cấp thông tin cho báo chí.
Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, mặc dù đưa ra một số phản ánh của người dân, nhưng ông Trần Đăng Dực - Trưởng ban ĐTGPMB đều không nắm rõ, và chỉ trả lời một cách hời hợt: “Theo tôi hiểu một số người có tên nhưng không được giao đất. Tôi không biết rõ người dân nào là người mua hay người bán…”.
Theo phản ánh của một sô hộ dân, trong đó có bà Nguyễn Thị Hòa trú tại phường Dịch Vọng Hậu là người dân sinh sống tại đây từ nhiều đời, đến năm 1987 gia đình bà được Nhà nước giao đất sau đó đào ao trồng cây ăn quả cho đến nay và hàng năm thực hiện các nghĩa vụ thuế theo quy định của Nhà nước. “Gia đình tôi không hiểu UBND quận Cầu Giấy căn cứ vào đâu để cưỡng chế đo đạc, kiểm đếm nhà tôi khi mà tôi và nhiều hộ dân đều không biết đất của gia đình có rơi vào dự án hay không, vì chúng tôi đều không thấy có mốc giới ở chỗ nào?”, bà Hòa bức xúc cho biết.
Để kiểm chứng thông tin như phản ánh của người dân, phóng viên đã xuống thực địa kiểm tra vị trí, mốc giới như một số nhà dân được cho là rơi vào dự án bị thu hồi. Thật ngạc nhiên, chính những người dân tại đây đều không biết mốc giới cắm từ đâu?
Tại đây, ông Nguyễn Hữu Hưng nói với phóng viên rằng: “UBND phường xuống đo đạc, kiểm đếm tôi có hỏi các anh dựa vào đâu để xác định vị trí đo vẽ, các anh bảo tính từ cái nhà xanh xanh kia kìa”.
Được biết, ngày 25/4/2013 Sở TNMT có biên bản xác định mốc giới trên thực địa bàn giao cho chủ đầu tư là Tổng Công ty Cổ phần đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam, có sự chứng kiến của các Phòng, Ban chuyên môn quận Cầu Giấy, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu và đơn vị thực hiện cắm mốc giới là Công ty TNHH MTV khảo sát và đo đạc Hà Nội.
Để tìm hiểu thực hư việc bàn giao mốc giới đó như thế nào, có được diễn ra tại thực địa hay không, quy trình cắm mốc giới có được cơ quan có thẩm quyền giám sát, thẩm định trước khi ký kết hay không? Phóng viên đã làm việc với ông Đỗ Văn Toản, chuyên viên phòng Đo đạc và Bản đồ - Sở TNMT Hà Nội. Ông Toản giải thích: “Công ty TNHH MTV Khảo sát và Đo đạc được chủ đầu tư lựa chọn thuê cắm mốc giới, họ có đủ tư cách pháp nhân, nên việc cắm mốc không cần phải cơ quan nào giám sát. Sau khi thực hiện xong, Sở TNMT kiểm tra rồi bàn giao cho chủ đầu tư.
Ông Bùi Kiều Quang - chuyên viên phòng Quản lý đất đai cho biết: “Hiện nay mốc giới không còn, chủ đầu tư và chính quyền UBND quận Cầu Giấy phải có trách nhiệm khôi phục lại, vì người dân không biết mốc giới ở đâu nên họ có yêu cầu là chính đáng”.
Như vậy, việc người dân có đơn đề nghị UBND quận Cầu Giấy về việc giải thích những yêu cầu thắc mắc về mốc giới là có cơ sở. Và liệu UBND quận Cầu Giấy có hay không việc thu hồi đất ngoài dự án cần được làm rõ. Bởi, theo ông Nguyễn Đăng Sơn – Giám đốc Ban dự án, Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam cho biết: “Có 99 hộ rơi vào đất dự án”; ông Tống Xuân Duy - Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu “Khoảng 99 hộ”, trong khi ông Trần Đăng Dực - Trưởng Ban BTGPMB quận Cầu Giấy: “Thực tế hiện nay có 141 hộ”?
Vậy, thực tế có bao nhiêu hộ nằm trong dự án phải di dời? Có thể thấy, việc người dân phản ánh quận Cầu Giấy thiếu trách nhiệm trong việc thông tin và giải quyết những thắc mắc của người dân hoàn toàn chính đáng.
Để có câu trả lời khách quan, có cơ sở cho người dân, phóng viên đề nghị ông Trần Đăng Dực cung cấp một số văn bản liên quan đến dự án, cũng như danh sách các hộ dân nằm trong dự án, thì được ông Dực cho biết: “Anh ghi lại nội dung và cho tôi xin thời gian để tôi chuẩn bị tài liệu sang tuần sau gửi”. Thế nhưng, hơn một tháng trôi qua ông Dực vẫn im hơi lặng tiếng.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.