10 đội thi xuất sắc được lựa chọn từ các vòng thi cụm trước đó tham gia vòng chung kết bao gồm: Long Biên, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Trì, thị xã Sơn Tây, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm. Cuộc thi được tổ chức dưới hình thức sân khấu hóa với 3 phần thi bắt buộc: Lý thuyết, hùng biện và năng khiếu.
Với chủ đề tìm hiểu pháp luật về bầu cử, nhiều người tham dự đã tỏ ra nghi ngại bởi sợ khô khan, khó hiểu. Song lo lắng đó ngay lập tức tan biến khi Hội thi bắt đầu với phần thi lý thuyết. Đại diện 10 đội thi ra sân khấu cùng trả lời câu hỏi trong thời gian 10 giây. Các câu hỏi trong phần thi lý thuyết đều được biên soạn theo phương châm dễ hiểu, tập trung vào chủ đề bầu cử như cơ quan nào dự kiến cơ cấu thành phần số lượng đại biểu HĐND cấp mình; số lượng đại biểu Quốc hội dự kiến; các câu hỏi về quyền và trách nhiệm của cử tri…
Phần thi hùng biện mỗi đội được lựa chọn 1-2 thí sinh tham dự với các câu hỏi khác nhau được đưa ra từ Ban Giám khảo. Tuy nhiên, điểm chung trong phần thi này là yêu cầu “liên hệ thực tế địa phương” hoặc “cảm nghĩ bản thân” để thí sinh có đất thể hiện tình cảm của mình với hội thi. Các thí sinh tham gia phần hùng biện đều được đánh giá có khả năng truyền tải tốt nội dung, với nhiều hình thức thể hiện phong phú. Đặc biệt các đội thi đều có sự đầu tư về bối cảnh sân khấu nên phần thi hùng biện diễn ra hết sức lôi cuốn, thể hiện được cái tôi của mỗi thí sinh.
Đặc biệt và được chờ đón nhất là phần thi năng khiếu; mỗi đội một vẻ nhưng đều đem đến Hội thi những nét rất riêng. Với hai tấm panô to trên sân khấu, tiểu phẩm “Kén rể” của Đội Tây Hồ mang lại những tiếng cười sảng khoái. Với sự xuất hiện của Sơn Tinh và Thủy Tinh, những tưởng đầu bài đặt ra với các “ứng viên” sẽ rất khó khi ông bố ra đề về Luật Bầu cử.
Tuy nhiên, Sơn Tinh, Thủy Tinh đều hoàn thành xuất sắc với bài thơ tự sáng tác và điệu rap về bầu cử sôi động. Hay từ câu chuyện ông chồng say xỉn không chịu đi bỏ phiếu trong “Truyện ông Mốc” của quận Hoàng Mai đã gửi đến Hội thi thông điệp về những trường hợp không được bỏ phiếu hộ. Tương tự là tiểu phẩm “Niềm vui đi bầu cử” của quận Hoàn Kiếm, sau khi được cán bộ đến nhà giải thích về quyền và nghĩa vụ của mỗi người trong ngày bầu cử, người vợ đã vui vẻ ủng hộ chồng để ông này đi làm nhiệm vụ…
Phần thi năng khiếu của quận Tây Hồ. |
Đều hướng đến chủ đề tuyên truyền về bầu cử nhưng mỗi đội thi lại có những cách thể hiện khác nhau. Nếu huyện Thanh Trì chọn bối cảnh làng quê xưa với điệu chèo ngọt ngào thì quận Cầu Giấy lại thể hiện phần thi hùng biện với khẩu hiệu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh cùng màn biểu diễn đẹp mắt; nếu quận Bắc Từ Liêm là chất giọng hào sảng của một cựu chiến binh thì quận Thanh Xuân lại thu hút với cặp thi đầy sức trẻ và tuổi đời còn rất trẻ...
Tâm sự bên lề hội thi, thí sinh Nguyễn Thanh Huyền (quận Thanh Xuân) phấn khởi chia sẻ: “Cuộc thi là cơ hội để em học tập, tìm hiểu pháp luật về bầu cử, qua đó góp phần nhỏ bé vào việc tuyên truyền để người thân, bạn bè mình và mọi người cùng hiểu, chấp hành nghiêm”. Còn ông Lý Công Bút, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Đức Thắng, thí sinh quận Bắc Từ Liêm thì hồ hởi: “Nếu mọi người đều hiểu về quyền và nghĩa vụ của mình thì sẽ lựa chọn được những đại biểu tiêu biểu đại diện cho mình tham gia vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân để nói lên tiếng nói của cử tri”. Một thí sinh đến từ quận Hoài Đức cho rằng, cuộc thi rồi sẽ qua nhưng âm hưởng của nó sẽ còn mãi, cũng giống như công tác tuyên truyền, phải thấm sâu và có sức lan tỏa thì mới hiệu quả trên thực tiễn.
Kết thúc cuộc thi, Ban Tổ chức đã trao 6 giải ba cho các đội: Hoài Đức, Cầu Giấy, Thanh Trì, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, thị xã Sơn Tây, 3 Giải nhì cho Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân; Giải nhất cuộc thi thuộc về quận Long Biên.