Đầu tư bài bản, doanh nghiệp... hụt hẫng
Theo phản ánh của Công ty TNHH Sản xuất vật liệu xây dựng Cường Phát, doanh nghiệp này đang thực hiện dự án đầu tư sản xuất gạch không nung thân thiện với môi trường bằng công nghệ mới để cung cấp cho thị trường, từng bước thay thế các loại gạch xây dựng có sử dụng lò đốt. Dự án nhà máy gạch không nung của Công ty được lập trên diện tích đất khoảng 4 hecta thuộc địa bàn xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng.
Để thực hiện dự án, Công ty đã thực hiện nghiên cứu cẩn thận hệ thống quy định của pháp luật và chính sách của nhà nước, đặc biệt là việc lựa chọn vị trí xây dựng nhà máy liền kề với một cơ sở sản xuất gạch không nung khác của Công ty TNHH Vật liệu Bata, giáp với đường tránh Thành phố Phủ Lý, có vị trí giao thông thuận tiện. Diện tích đất sử dụng xây dựng nhà máy là thửa đất số loại đất nông nghiệp, giáp chân núi, khu vực khai thác đá vôi cũ.
Để triển khai thực hiện dự án này, Công ty Cường Phát đã báo cáo với Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Hà Nam và các cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật về lập và thực hiện dự án đầu tư. Sau khi thẩm định dự án của Công ty Cường Phát, UBND tỉnh Hà Nam cũng đã báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy và được Thường trực Tỉnh ủy Hà Nam đồng ý.
Ngày 3/4/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam đã có thông báo số 825/TB-UBND về việc chấp nhận chủ trương nghiên cứu, đầu tư dự án bê tông đúc sẵn và gạch không nung của Công ty Cường Phát. Trong thông báo này, UBND tỉnh Hà Nam xác định rõ vị trí sử dụng đất để xây dựng nhà máy mà doanh nghiệp đề xuất là lô đất liền kề với nhà máy gạch không nung và bê tông đúc sẵn của Công ty TNHH Vật liệu Bata. Ngay khi có thông báo chấp nhận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Hà Nam, Công ty Cường Phát đã bắt tay vào triển khai các công đoạn tiếp theo để triển khai dự án.
UBND tỉnh Hà Nam chấp thuận chủ trương đầu tư nhà máy gạch không nung của Công ty Cường Phát |
Tuy nhiên, một điều bất ngờ, gây "sốc" đối với Công ty Cường Phát đã xảy ra. Ngày 11/4, chỉ ít ngày sau khi Công ty Cường Phát được UBND tỉnh Hà Nam chấp nhận chủ trương đầu tư trên thửa đất, rất nhiều phương tiện chở đất đá đến san lấp thửa đất mà Công ty dự kiến xây dựng nhà máy. Theo ông Lê Văn Cường, Giám đốc Công ty Cường Phát cho biết, người và phương tiện san lấp thửa đất này do ông Lê Văn Đức, trú tại xóm 2, xã Nhật Tân, huyện Kim Bảng thực hiện. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, bãi đất hoang đã được các phương tiện cơ giới do hộ ông Lê Văn Đức huy động, san lấp bằng phẳng và xây tường bao để "khẳng định chủ quyền". Trước sự việc vị trí xây dựng nhà máy mà tỉnh Hà Nam đã đồng ý để Công ty đầu tư xây dựng nhà đã bị bao chiếm toàn bộ, Công ty Cường Phát hoàn toàn bị "sốc".
Hé lộ vi phạm pháp luật nghiêm trọng...
Cũng theo ông Lê Văn Cường, sở dĩ hộ ông Lê Văn Đức huy động phương tiện cơ giới và san lấp mặt bằng trong thời gian cả tháng trời nhưng không bị chính quyền kiểm tra, xử lý vì ông Đức có "bảo bối" là một quyết định của UBND huyện Kim Bảng đồng ý cho hộ gia đình của ông Đức cải tạo mặt nước hoang thành khu vực nuôi trồng thủy sản tại chính vị trí sẽ là nhà máy gạch không nung và bê tông đúc sẵn của Công ty Cường Phát.
Theo đó, ngày 23/12/2016 của UBND huyện Kim Bảng đã ban hành Quyết định số 8677/QĐ-UBND với tiêu đề là "Chủ trương đầu tư dự án cải tạo mặt nước hoang và bãi đá lộ thiên khu vực nuôi trồng thủy sản và kinh doanh dịch vụ", cho phép hộ gia đình ông Lê Văn Đức sử dụng hơn 4 hecta đất để nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả, cây rau sắng kết hợp xây dựng khu dịch vụ ăn uống. Thời gian hoạt động của dự án là 45 năm kể từ ngày 23/12/2016. Với quyết định này trong tay, hộ ông Lê Văn Đức đã ồ ạt san lấp và bao chiếm toàn bộ thửa đất hơn 4 hecta.
Hộ ông Lê Văn san lấp thửa đất, phần tiếp giáp với Công ty TNHH Vật liệu Bata |
Nhưng, chinh cái "bảo bối" mà ông Lê Văn Đức đang sử dụng đã hé lộ sự việc có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đất đai của UBND huyện Kim Bảng và cả hộ ông Lê Văn Đức. Theo Luật sư Nguyễn Chí Đại, Chủ nhiệm ĐLS tỉnh Lai Châu thì quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư không phải là căn cứ để hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh. Theo quy định của pháp luật, để được sử dụng đất, doanh nghiệp phải có dự án đầu tư phù hợp, được phê duyệt. Bước tiếp theo là được cơ quan có thẩm quyền cho thuê đất, sau đó mới có thể san lấp mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng của dự án. Việc chưa được giao đất, mới chỉ có một quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng đã san lấp mặt bằng và bao chiếm đất là vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai.
Không chỉ người san lấp vi phạm mà UBND huyện Kim Bảng cũng có dấu hiệu vượt quyền khi ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư kiêm luôn quyết định giao đất. Theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014, đối với các dự án phải phê duyệt chủ trương đầu tư thì thẩm quyền thuộc về UBND cấp tỉnh, trừ các dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội. Như vậy, UBND cấp huyện không có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư. Việc UBND huyện Kim Bảng ban hành quyết định "chủ trương đầu tư" theo đề nghị của ông Lê Văn Đức có dấu hiệu trái pháp luật.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 59 Luật Đất đai thì thẩm quyền giao đất, cho hộ gia đình, cá nhân thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp từ 0,5 hecta trở lên để sử dụng vào mục đích thương mại thì phải được sự chấp thuận của UBND cấp tỉnh. Việc UBND huyện Kim Bảng cho hộ ông Đức được sử dụng hơn 4 hecta đất này để sản xuất nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ là không đúng quy định của pháp luật về giao đất, cho thuê đất.
Việc UBND huyện Kim Bảng đã nhanh tay phê duyệt chủ trương đầu tư rồi giao luôn hơn 4 hecta đất cho ông Lê Văn Đức mà không thông qua bất cứ cơ quan có thẩm quyền nào của tỉnh Hà Nam; bỏ qua tất cả các thủ tục liên quan đến đầu tư, thuê đất, đánh giá tác động môi trường cho thấy, đây là một việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng. UBND tỉnh Hà Nam sẽ xử lý vụ việc này như thế nào và liệu có chuyện "huyện đặt đâu, tỉnh ngồi đó" hay không? Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.