Lợi dụng sự cạnh tranh không lành mạnh của các hãng vận tải và tâm lý chủ xe muốn “mua đường” làm ăn, nhiều kẻ có máu mặt đã đứng ra thâu tóm các băng nhóm, thao túng hoạt động làm ăn phi pháp tại bến.
Nhập môn “luật” côn đồ
Đường dây nóng Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận thông tin tố giác của anh Huỳnh Đức Nghĩa (SN 1976, ngụ Mộ Đức, Quảng Ngãi) – chủ xe khách chạy tuyến Quảng Ngãi - Đà Nẵng về việc bị bảo kê bến xe Đà Nẵng (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) gây khó dễ. Anh Nghĩa cho biết đang có ý định bỏ nghề nên không ngại lộ tên sẽ bị bảo kê trả thù.
Từ cuối năm 2013, gia đình anh tích cóp tậu được một chiếc xe ô tô 24 chỗ để chở hàng hóa từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng và ngược lại. Ngày đầu tiên nhập bến Đà Nẵng, anh đã được đồng nghiệp nhắc nhở “đóng phí” 20.000 đồng/lượt cho bảo kê ở bến và 10.000 đồng/lượt cho “cò” đã “giúp đỡ” bắt khách dọc đường. Anh Nghĩa thấy phi lý vì xe vốn chở khách mua vé, hàng hóa ngay bến nên phản đối.
Không ngờ những lần vào bến lần sau đều không có một “mống” khách nào bước lên xe được vì bị một “đội quân” cản trở. Chủ xe từ đó mới nghiệm ra, trong nghề chạy xe phải “biết điều” với “luật” do các “anh chị” tại bến bãi đặt ra.
Sau hơn bốn tháng hoạt động nghề xe, đến nay anh đã nằm lòng câu nói mỗi khi vào bến Đà Nẵng: “Đất có Thổ công, sông có Hà bá, bến Đà Nẵng có hai “cò”. Hai “cò” là “cò” đứng đường và “cò” bảo kê. Gọi chung là “cò” nhưng thực chất đây là những đối tượng côn đồ ăn chặn tiền của các nhà xe.
“Cò” đứng đường như đã nêu trên, thường quy tụ các nhóm đối tượng hình sự, chuyên thu tiền trực tiếp các đầu xe xuất bến Đà Nẵng đi các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung. “Cò” bảo kê là một dạng “đâm thuê giết mướn”, sẵn sàng động thủ nếu quyền lợi “thân chủ” bị xâm hại. Dạng này tồn tại một luật bất thành văn: Xe của tỉnh nào thì được quyền ưu tiên bắt khách tỉnh đó. Trong quá trình lưu thông, thấy xe nội tỉnh đang bắt khách ở phía trước mà xe ngoại tỉnh “léng phéng” tới, lập tức các đối tượng bảo kê sẽ được “nhờ” ra tay giải quyết.
Những người lái xe còn chỉ rõ, trên tuyến đường Trường Chinh (đoạn giao với Lê Trọng Tấn hướng vào Nam), thường xuyên có một phụ nữ xuất hiện, ngồi sau chiếc xe máy đời cũ biển Đà Nẵng do một người đàn ông cầm lái. Người này thường được gọi chị Nga Dũng do ghép với tên chồng. Bất kể một xe khách nào qua đây muốn dừng lại bắt khách đều có sự “nhắc nhở” của “chị”, sau đó phụ xe không quên động tác đưa tiền.
“Chị này có uy lắm. Đi cái xe cà tàng vậy thôi chứ ở nhà tiền tỉ, đàn em nhiều vô cùng. Nếu xảy ra mâu thuẫn giữa việc bắt khách trên đường, cánh lái xe liên tỉnh đều “phone” cho chị Nga Dũng, khi xe ra đến Đà Nẵng sẽ được chị giải quyết” - anh Nghĩa kể.
Anh này cũng giải thích, “mâu thuẫn giữa việc bắt khách” là tình trạng các xe tranh nhau bắt trước hoặc sau một hành khách, hay như xe BKS 76 theo “luật” bắt khách Quảng Ngãi, BKS 43 bắt khách Đà Nẵng, nhưng lại không chịu nhường nhau…. Nếu gọi cho chị Nga Dũng, chị này sẽ kêu đàn em tới dằn mặt chủ xe đối phương của “thân chủ”. Mức độ ra tay nặng, nhẹ tùy theo số tiền công nhiều hay ít. Đặc biệt, số điện thoại của chị Nga Dũng liên tục thay đổi và chỉ cho vài chủ xe “thân tình” biết.
Ngang nhiên chặn thu tiền xe xuất bến. Ảnh: Vũ Vân Anh |
Phóng viên đã có mặt trên chiếc xe khách của anh Nghĩa tuyến sớm nhất khởi hành lúc 5h sáng. Chủ xe giới thiệu, thông thường trước đây các xe chạy tuyến phía Nam ở bến xe Đà Nẵng cứ qua khỏi ngã ba Huế một đoạn lại dừng bắt khách, đồng thời chuẩn bị 15.000 đồng để nộp cho một người chuyên cầm cuốn sổ đi tới đi lui.
Tuy nhiên, từ sau Tết đến nay, ngã ba Huế bị chắn đường để xây cầu vượt, nhân vật cầm sổ thu tiền trên chuyển vào hoạt động tại góc đường Đinh Liệt, đường Nguyễn Đình Tứ hoặc Lê Trọng Tấn (3 đường tắt thay thế dẫn ra quốc lộ 1A - PV).
Khách ngồi trên xe có thể dễ dàng quan sát thấy một hàng dài những xe khách mang BKS Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Nam, Phú Yên… nối đuôi nhau và qua cabin cùng chung một động tác: đưa tiền cho người đàn ông cầm một cuốn sổ đang đi lại trên đường. Tuyệt nhiên, không một lời thắc mắc hay nói năng qua lại, cứ im lặng thực hiện, chỉ khác ở giá trị tiền đưa ra.
Anh Nghĩa cho biết, những người cầm sổ thu tiền xuất hiện nhan nhản trước và trong bến xe, công khai đi lại ở các tuyến đường cửa ngõ dẫn vào thành phố. Cánh lái xe nắm rất rõ “lộ trình” của những người này, thậm chí đọc vanh vách cách thức, ngày giờ, mức thu…
Nhóm hoạt động ở cửa ngõ phía Nam (cụ thể ở 3 tuyến đường thay thế nêu trên) từ 5h đến 17h hàng ngày, mức “phí” quy định rõ ràng tăng theo số kilomet, cụ thể: Xe chạy tuyến Đà Nẵng - Quảng Nam 10.000 đồng/ngày; Đà Nẵng - Quảng Ngãi 20.000 đồng/ngày, Đà Nẵng - Quy Nhơn 30.000 đồng/ngày.
Đối với những xe chạy hướng Bắc như Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh... được nhóm thu tiền ở phía Bắc “cho” hoạt động bắt khách tới 23h vì các xe này thường xuất bến trễ. Hình thức cũng giống như nhóm phía Nam, mức “phí” thu nhỉnh hơn từ 35 - 65 ngàn đồng/xe/ngày.
Cánh xe ôm cũng phải theo thời thế, thay vì đứng dày ở khu vực ngã ba Huế trước đây, khi xe đổi tuyến đều kéo về tập trung tại ngã tư Trường Chinh - Lê Trọng Tấn. Ông Lê Văn Đạt (SN 1952, quê Quảng Nam, tạm trú Thanh Khê, Đà Nẵng) 10 năm kinh nghiệm đi xe ôm cho biết, những tên đầu gấu đứng đường chia làm hai phía Bắc và Nam, tự đặt ra luật riêng ăn chặn tiền, buộc các chủ xe phải chấp nhận nếu muốn tồn tại.
Riêng đám phía Nam có 5 nhóm nhỏ chia nhau hoạt động, mỗi nhóm từ 6 – 8 người. Trung bình một tháng, các xe lưu thông các tỉnh phía Nam phải “cống” cho bọn chúng không dưới 50 triệu đồng. Xe nào không chịu đóng tiền sẽ bị cả bọn “trừng phạt” bằng nhiều thủ đoạn: ngăn cản không cho bắt khách, chửi bới thô tục, hăm dọa hành hung cả chủ xe và khách.
Theo người xe ôm, nội dung ghi chép trong những cuốn sổ cầm tay của đám này cũng rất đơn giản: Ghi bốn chữ số sau của BKS mỗi xe; xe nào thu xong, gạch ngang rồi ghi tiếp số 10, 20, 35 tương ứng số tiền như 10.000 đồng và 20.000 đồng, 35.000 đồng. Số tiền thu được trong ngày, cả bọn cộng lại chia nhau.
Khi biết phóng viên có ý định ghi lại hình ảnh các đầu gấu thu tiền xe, một bác xe ôm đứng gần cổng bến căn dặn tới lui: “Nếu thấy tụi nó xúm lại, lo chuồn liền nghe con. Bị để ý, kiểu chi tụi nó cũng “dằn mặt” con một nắm đấm”.
Bỏ tiền “mua” yên ổn
“Các chủ xe tại bến Đà Nẵng đều thuộc lòng số tiền phải nộp để làm “thủ tục” cho nhanh và gần như nhẵn mặt luôn với người thu tiền. Người nào lần đầu chạy xe chưa biết, được “chỉ dạy”, sau đó cứ thế mà làm theo, nếu không chịu nộp sẽ “ăn đủ”, bị đánh cho trầy người, trầy xe”, anh Nguyễn Công, chạy xe tuyến Đà Nẵng - Quảng Trị chia sẻ từ kinh nghiệm bản thân.
Năm 2012, anh Công mua chiếc ô tô loại 16 chỗ, giá hơn 600 triệu đồng, đăng ký bến Đà Nẵng. Xe mới chạy chưa có bao nhiêu khách nhưng cứ ra khỏi bến một đoạn liền bị các tên côn đồ đến bắt nộp tiền. Ban đầu chưa hiểu “luật”, anh cùng phụ xe không chịu, liên tục xảy ra xô xát. Chiếc xe “mới cáu” tự nhiên trầy xước các kiểu, anh Công biết khả năng thua thế đành chịu “mãi lộ” cho yên chuyện. Rất nhiều trường hợp như anh Công, đều chấp nhận “chỉ có cách duy nhất, phải tuân theo “luật” giang hồ mà thôi”.
“Quy định bất thành văn nhưng có uy lắm. Tụi tui cũng biết nộp tiền là tiếp tay cho kẻ xấu nhưng đố ai dám chống đối” - anh Công nói. Mỗi ngày anh phải bỏ ra 65.000 đồng đóng phí cho các kiểu đầu gấu, côn đồ để đổi lấy công chuyện làm ăn suôn sẻ, không bị hành hung, đập phá xe khi lưu thông trên đường.
Cũng theo anh Công, do mật độ xe lưu thông quá dày, hầu như các xe xuất bến không đủ khách cho số ghế nên dù muốn hay không, chủ xe cũng phải bắt khách trên đường. Muốn yên ổn kiếm thêm như thế thì chấp nhận nộp tiền “mãi lộ”.
Công an quận nhiều lần ra quân, cần các chủ xe hợp tác
Vấn nạn này đã tồn tại từ rất lâu, không chỉ Đà Nẵng mà ở nhiều bến xe khác. Công an quận Cẩm Lệ cũng nhiều lần ra quân với quyết tâm xóa sổ những thành phần ăn chặn nhà xe, lập lại trật tự bến bãi. “Tuy nhiên, để triệt để tình trạng này, không chỉ có lực lượng công an, trật tự giao thông mà rất cần sự phối hợp của các ngành chức năng, trong đó có cả những chủ xe, bởi chính họ mới là người có thể điểm mặt, chỉ tên các đối tượng xấu. Đáng tiếc, không phải chủ xe nào cũng dám lên tiếng” - Thượng tá Phan Minh Mẫn, Phó trưởng Công an quận Cẩm Lệ.