Thiếu tướng có thể cho biết những kết quả Học viện đã đạt được trong 60 năm qua?
- Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, Học viện Khoa học Quân sự đã trở thành trung tâm hàng đầu đào tạo ngoại ngữ và quan hệ quốc tế về quốc phòng trong Quân đội. Hiện nay, Học viện được giao nhiệm vụ đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành Khoa học Quân sự; cử nhân ngoại ngữ quân sự các chuyên ngành tiếng Anh, Trung Quốc, Nga, Pháp; thạc sĩ ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Trung Quốc; cử nhân Quan hệ quốc tế về quốc phòng; cử nhân Việt Nam học; cử nhân ngoại ngữ dân sự; bồi dưỡng kiến thức quân sự, quốc phòng; đào tạo ngoại ngữ cho các học viện, nhà trường trong toàn quân; đào tạo học viên quân sự nước ngoài cho 22 nước theo hiệp định và quan hệ đối đẳng giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam với bộ quốc phòng các nước trong khu vực và trên thế giới.
Ngoài ra, Học viện còn tham gia tích cực các hoạt động đối ngoại quốc phòng, góp phần xây dựng mối quan hệ hợp tác ngày càng sâu rộng giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam với các nước trên thế giới. Từ năm 1988 đến nay, Học viện đã đào tạo 753 khóa, 863 lớp, với 18.307 học viên, trong đó có 3.898 cử nhân, 457 thạc sĩ đã ra trường, đang đào tạo 8 khóa với 33 nghiên cứu sinh, 6 khóa với 83 học viên cao học. Hơn 40 học viên được đào tạo tại trường đã trở thành tướng lĩnh trong quân đội.
Trong 3 năm gần đây, Học viện có nhiều học viên giành được các giải thưởng lớn như: 2 giải Nhất Cuộc thi Olympic tiếng Nga toàn quốc; 1 giải Ba Hội thi “Ánh sáng soi đường” do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức; 1 giải Nhất Cuộc thi “Bạn biết gì về nước Nga”; 1 giải Ba và 2 suất học bổng du lịch văn hóa Trung Quốc tại Cuộc thi “Nhịp cầu Hán ngữ”. Học viện cũng đã tiếp nhận yêu cầu giao lưu, trao đổi học viên từ các nước như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Lào, Campuchia… và hiện đang có nhiều nước khác tiếp tục đưa ra đề xuất tương tự.
Thiếu tướng, GS. TS Đặng Trí Dũng. |
Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đời sống kinh tế - xã hội trên toàn cầu đã biến đổi sâu sắc từ bước chuyển mình của thế giới công nghệ thông tin, truyền thông và kinh tế tri thức, đòi hỏi giáo dục - đào tạo phải đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ. Vậy Học viện Khoa học Quân sự đã có những bước chuyển mình như thế nào để hội nhập, thưa Thiếu tướng?
- Những năm qua, Học viện đã triển khai nhiều chương trình đổi mới cụ thể và đồng bộ với tinh thần “chủ động trong tham mưu đề xuất, quyết liệt trong tổ chức, triển khai thực hiện, mạnh dạn đổi mới”. Bên cạnh đó, Học viện đã và đang tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất giáo dục - đào tạo theo hướng hiện đại, đồng bộ, chính quy; chú trọng đầu tư vào ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy và học tập; tập trung xây dựng học liệu điện tử, hướng tới mô hình đào tạo trực tuyến, đặc biệt là trong đào tạo ngoại ngữ. Nhà trường luôn chú trọng nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu vào; tích cực tham gia các chương trình quảng bá tuyển sinh của Bộ Quốc phòng; chủ động tổ chức các chương trình tham quan, giới thiệu về Học viện cho học sinh trước khi có ý định đăng ký dự thi vào học viện.
Học viện còn được giao nhiệm vụ đào tạo chuyên ngành quan hệ quốc tế về quốc phòng. Nhận thức rõ được tầm quan trọng của nhiệm vụ trong kế sách bảo vệ Tổ quốc từ xa, Đảng ủy, Ban lãnh đạo nhà trường đã có nhiều giải pháp tổ chức thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó đã chủ động liên kết với các trường đại học uy tín như: Học viện Ngoại giao, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội... nâng cao chất lượng các đối tượng đào tạo bậc đại học, văn bằng 2 và các lớp bồi dưỡng ngắn hạn...
Từ những nỗ lực trên, tới đây, Học viện có đủ năng lực đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành quan hệ quốc tế về quốc phòng bắt đầu từ năm 2018, hay đào tạo tiếng Lào, Khơme, Trung Quốc cho bộ đội địa phương các tỉnh, quân khu giáp biên, theo đúng tinh thần Đề án “Nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ và quan hệ quốc tế tại Học viện Khoa học Quân sự giai đoạn 2016-2020” đã được phê duyệt.
Thưa Thiếu tướng, ngoài các học viên quân sự, Học viện còn đào tạo sinh viên hệ dân sự chuyên ngành ngoại ngữ. Học viện làm thế nào để bảo đảm “đầu ra” cho các sinh viên này trong bối cảnh sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm vẫn là bài toán lớn của nhiều trường đại học hiện nay?
- Bên cạnh việc cung cấp nguồn nhân lực “3 trong 1” (đảng viên-sĩ quan-cử nhân đại học) cho quân đội, cùng với các học viện khác trong toàn quân, Học viện còn tham gia đào tạo sinh viên hệ dân sự chuyên ngành ngoại ngữ, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đối với đào tạo sinh viên hệ dân sự chuyên ngành ngoại ngữ, Học viện bước đầu đã ký thỏa thuận hợp tác với nhiều khu công nghiệp. Ví dụ, khi Khu công nghiệp Thăng Long yêu cầu sinh viên được tuyển dụng phải sử dụng thành thạo tiếng Anh chuyên ngành kỹ thuật, Học viện chú trọng tăng cường thời gian đào tạo tiếng Anh chuyên ngành kỹ thuật cho các sinh viên năm thứ tư. Cho đến nay, tất cả các khu công nghiệp đều khẳng định sẵn sàng nhận sinh viên tốt nghiệp từ các trường trong quân đội vì tính kỷ luật và năng suất lao động cao.
Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!