Trung úy Trần Trường Giang (người mặc áo phao đứng giữa) cùng đồng đội bắt giữ toán cướp biển năm 2012 . Ảnh do gia đình cung cấp. |
Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 đơn sơ thuộc khu tập thể Cty CP Cơ khí Đại Mỗ (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm), bà Đào Kim Anh - mẹ Trung úy Trần Trường Giang - nói: “Từ hôm nghe tin Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, hôm nào tôi cũng xem thời sự, đọc báo để biết tình hình. Chắc là cháu Giang nhà tôi sẽ còn phải ở ngoài đó nhiều ngày để cùng đồng đội bám biển, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.
Tâm sự về con mình, bà Anh cho biết: “Năm 2004, Giang thi đỗ vào Học viện Khoa học Quân sự, khoa Tiếng Trung. Năm 2009 thì ra trường và được cấp trên điều về công tác tại Phòng Pháp luật, Vùng 3, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển”.
Cùng ngồi trò chuyện giữa thời tiết đầu hè oi nóng, bà Anh chỉ vào những tấm xốp ốp xung quanh nhà, nói: “Những tấm xốp này là do Giang làm cho nhà đỡ nóng khi hè đến. Về phép lần nào cháu cũng tranh thủ sửa sang nhà cửa, sửa chữa những chỗ dột nát.” Nghe đến đây, chúng tôi mới để ý kỹ căn nhà được dựng bằng khung thép, xung quanh ốp tôn đã thủng lỗ chỗ của gia đình Giang.
Thấy chúng tôi có vẻ ái ngại, bà Anh ôn tồn: “Hai vợ chồng tôi đều là bộ đội đã nghỉ hưu, thu nhập chỉ đủ trang trải và nuôi hai con ăn học. Em gái Giang hiện vẫn chưa ra trường”.
Vẫn giọng nhỏ nhẹ, bà Anh kể tiếp về chuyện riêng của con trai mình: “Lần nghỉ phép vừa rồi, cháu khoe với gia đình là đã có người yêu trong miền Nam. Cả nhà tôi mừng và mong cháu sớm có gia đình riêng vì năm nay Giang cũng đã gần 30 tuổi rồi. Tết xong, tôi hẹn con vào TP.Hồ Chí Minh để gặp con dâu tương lai và thăm gia đình cháu nhưng vào đến nơi thì Giang lại phải đi làm nhiệm vụ ngoài biển.
Lần thứ hai là vào dịp 30/4 vừa qua, hai mẹ con cũng chỉ kịp gặp nhau một lúc, xong bữa cơm là nó và đồng đội lại vội ra khơi làm nhiệm vụ ngay. Tôi đành đến nhà gái một mình để “dạm ngõ” cho con. Càng nghĩ càng thương hai đứa chúng nó vì cứ hẹn nhau mãi mà vẫn chưa đi mua được đồ cưới.”
Nói đến đây, giọng bà Anh trở nên nghẹn ngào: “Chú biết không, mấy hôm trước nghe tình hình biển Đông ngày càng phức tạp, tôi liền gọi điện cho cháu Linh (người yêu của Giang) và nói: “Mẹ cảm ơn con đã dành tình yêu cho anh Giang. Nhưng bây giờ Giang đang ở nơi đầu sóng ngọn gió, hay con cứ gọi là bác thôi…”.
Ở đầu dây bên kia, chắc cháu Linh cũng xúc động giống tôi nên giọng cũng nghẹn ngào lắm. Sau đó, ngày nào Linh cũng gọi điện, nhắn tin động viên tôi”.
Không ngại chuyện riêng tư, bà Anh đưa cho chúng tôi xem tin nhắn của con dâu tương lai: “Do nhiệm vụ, anh Giang kiên cường bám biển để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Hành động dũng cảm của anh và đồng đội đang được cả dân tộc mình dõi theo, cảm phục. Sự cách xa và không sợ hy sinh, gian khổ ấy của anh Giang làm con trân trọng và yêu anh Giang hơn…”; “Mẹ đừng ốm nhé! Mẹ hãy cố ăn cho khỏe để cùng con chờ ngày anh Giang về mẹ còn lo đám cưới cho chúng con nhé…”.
Đọc những dòng tin này, chúng tôi thầm cảm ơn những người mẹ, người vợ, người em nơi hậu phương. Họ mãi là hiện thân của lòng thủy chung son sắt, luôn sẵn sàng hiến dâng hạnh phúc riêng tư cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc./.