Chị là Nguyễn Thị Hường, hiện đang làm cán bộ văn hóa xã (Kinh Môn, Hải Dương) chị là vợ của người cảnh sát biển Nguyễn Đình Thường – đang làm nhiệm vụ trên con tàu Cảnh sát biển (CSB) 8003.
Bắt đầu câu chuyện với chúng tôi, chị kể: Sau kỳ nghỉ phép 1 tháng ở nhà cùng vợ, anh Thường trở về tàu CSB 8003 làm nhiệm vụ, không quên dặn vợ “đi công tác 100 ngày”. Từ hôm ấy, nhất là sau ngày Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của ta, trong lòng vợ anh bồn chồn không yên, hàng ngày, cứ có thời gian rảnh, chị lại bám lấy cái TV để hóng thông tin thời sự, mong tin chồng.
Chị tâm sự: “Buổi tối đang ăn cơm, xem thời sự thấy thông tin tàu Trung Quốc đâm vào tàu CSB 8003, tôi buột miệng thốt lên “Thôi chết nó đâm vào tàu của nhà con rồi!”. Cảm giác toàn thân rụng rời tưởng chừng như có thể bật khóc ngay được. Nhưng khi thấy mẹ chồng cuống quýt, lo lắng theo dõi màn hình TV tôi lại ngay lập tức “chữa” là "Nhà con ở tàu khác” để trấn tĩnh bà”.
Đêm ấy, chị thao thức, cả đêm không ngủ, không dám khóc thành tiếng, lo lắng không biết chồng mình ra sao? Nghĩ đến cảnh mẹ chồng đã có tuổi, chỉ có anh Thường là con trai duy nhất, em gái lại lấy chồng tận Hưng Yên nên chị nuốt nước mắt dấu kín.
Hôm sau chị còn nói dối rằng chồng có gọi điện về, và anh vẫn bình an. Bởi chị nghĩ, bây giờ mẹ mà biết chuyện, bà không chịu được, không may quỵ xuống mà các con còn quá thơ dại thì một mình không biết xoay sở ra sao...
Mặc dù đã quen với cảnh chồng thường xuyên xa nhà, lênh đênh trên biển nhưng lòng chị vẫn không yên. Nhất là từ hôm có thông tin tàu anh bị đâm va, lại không liên lạc được với chồng, ruột gan chị càng cồn cào. "Trung Quốc đã ngang nhiên đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển của Việt Nam bất chấp dư luận lên án thì chúng cũng không ngần ngại dùng những thủ đoạn gây hại cho các tàu chấp pháp của Việt Nam." những suy nghĩ như thế cứ trở đi trở lại làng chị rối bời ruột gan.
Nhưng rồi người vợ cảnh sát biển lại tự dặn lòng mình phải kiên cường, vì lúc này chị phải gánh vác và lo toan việc gia đình để anh yên tâm làm nhiệm vụ. Giấu đi những giọt nước mắt vào đêm, ban ngày, chị cứng cỏi, can trường để làm điểm tựa cho mẹ già, con dại, để chồng yên lòng về hậu phương.
|
Trung úy Nguyễn Đình Thường đang làm nhiệm vụ trên tàu 8003 (người đứng thứ 2, đặt tay lên bảng điều khiển) |
Những hôm ấy, cậu con trai đầu của anh chị mới lên 3 - Nguyễn Đình Bảo Nguyên nghịch và quấy hơn thường ngày mà chị không dám la mắng con. “Khi con hư, mình không dám la mắng vì nó khóc, nó lại nhớ bố, gọi bố… mình sẽ không kiềm chế được nên chỉ nhắc nhẹ. Đã vậy, có lần xem tivi cháu nhìn thấy bố, cứ nằng nặc đòi thơm bố. Vì tivi để cao, cháu chỉ thơm được lên vai bố thôi nhưng cu cậu thích lắm, vui lắm”, chị tâm sự trong nước mắt.
Bận rộn lo toan việc gia đình, con gái nhỏ mới hơn 2 tháng tuổi, bản thân lạiđang theo học lớp bồi dưỡng đảng viên, chị phải nhờ người cậu bên chồng dõi thông tin trên báo, đài và không quên dặn cậu giữ kín với mẹ chồng. “Vậy là từ hôm đó, cậu cũng thường xuyên theo dõi thông tin trên mạng, đọc báo, nghe đài, xem tivi để theo dõi từng chút một diễn biến tình hình biển Đông. Nhiều hôm mình vừa đi làm về là ông gọi sang, nói tường tận tình hình cho mình yên tâm”, chị Hường chia sẻ.
Khoảng 1 tuần sau xem thời sự, chỉ có vài giây ngắn ngủi nhìn thấy anh Thường vẫn mạnh khỏe, chị mới yên tâm nói thật với mẹ chồng. Từ hôm ấy, ngày nào bà cũng theo dõi tin tức thời sự. Khi bà lo lắng thì chị lại động viên rằng bây giờ hiện đại rồi, các anh chiến đấu không bị thiếu thốn như xưa nữa. “Hơn nữa, cả thế giới ủng hộ Việt Nam thì Trung Quốc không dám làm gì đâu. Sẽ không xảy ra chiến tranh đâu. Nhà con và anh em chiến sĩ ngoài đó kiên cường lắm”. - chị nói với mẹ. Chị cũng tự an ủi, động viên mình rằng đó là công việc thường ngày của chồng, nay chỉ bận rộn hơn một chút…
|
Vợ chồng cảnh sát biển Nguyễn Đình Thường |
Cũng từ hôm ấy, bà con thôn xóm biết anh Thường đang làm nhiệm vụ trên con tàu CSB 8003 bị tàu Trung Quốc đâm đã thường xuyên hỏi thăm, động viên gia đình chị rất nhiều.
Xen lẫn những cảm xúc tự hào về người chồng cảnh sát biển, chị Hường nhận được nhiều lời hỏi thăm, động viên của người thân, gia đình và bạn bè. Trang cá nhân trên mạng xã hội của chị luôn được bạn bè chia sẻ thông tin về việc các tàu CSB và Kiểm ngư Việt Nam làm nhiệm vụ ở khu vực giàn khoan Hải Dương 981 đậu trái phép, những lời an ủi, tình cảm, sự thán phục dành cho cảnh sát biển... là những sự động viên lớn lao dành cho người vợ cảnh sát biển như chị.
Trong những cuộc điện thoại vội vàng và ngắn ngủi với chồng, chị động viên anh “cả hai vợ chồng cùng chiến đấu và giành thắng lợi nhé”. Rằng anh hãy luôn vững tay súng, vững ý chí nơi đầu sóng ngọn gió, cuộc chiến ở nhà đã có vợ lo.
Chị còn trêu anh: “Sau chuyến này chúng mình làm tiếp tập 3, đặt tên là Còn Nguyên nhé” để động viên anh. Chị cũng thường xuyên tải những video về tình hình biển Đông có mặt anh Thường về điện thoại cho con xem, con đỡ nhớ bố. Chị chia sẻ, trước đây chị chưa bao giờ có cảm xúc tự hào về anh như lúc này.
Trước khi chia tay, chị tâm sự mong ước lớn nhất của chị lúc này là vấn đề biển Đông được sớm giải quyết trong hòa bình, Trung Quốc sớm nhận ra việc làm sai trái mà di dời giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Chị mong những người vợ lính biển như chị sớm được đón chồng trở về trong nụ cười bình yên.!