Những ám ảnh kinh hoàng
Thang cuốn là phương tiện đi lại thuận tiện và không thể thiếu được trong các siêu thị và trung tâm thương mại. Thế nhưng, thời gian gần đây thang cuốn đang là nỗi kinh hoàng với người dân bởi hàng loạt sự cố liên quan đến thang cuốn khiến người dân rất ái ngại khi phải sử dụng thang cuốn.
Vào khoảng 20h tối 12/12/2015 xảy ra vụ tai nạn trên thang cuốn tại siêu thị Lotte (quận 7, TP HCM) khiến một nạn nhân bị mắc kẹt chân vào khe hở của thang cuốn. Trước đó, trưa 9/8/2015, một bé trai khoảng 3 tuổi đi dự tiệc cưới cùng bố mẹ tại tầng 3 tòa nhà 335 Cầu Giấy (Hà Nội) do nghịch ngợm nên bị kẹt một phần mũi giày vào thang.
Rất may các nạn nhân được giải cứu kịp thời nên chỉ bị thương nhẹ ở chân. Trước đó, vào tối 22/10/2012, một bé trai 3 tuổi đi mua sắm tại Big C Nghệ An đã bị mắc kẹt đùi vào điểm tiếp nối của thang cuốn. Ban Quản lý siêu thị đã phải tắt thang cuốn mới giải cứu được cháu bé.
Đâu là nguyên nhân?
Với hàng loạt sự cố thang cuốn xảy ra gần đây, các siêu thị, trung tâm thương mại đã có các động thái tích cự để phòng chống sự cố thang cuốn.
Được biết, đối với siêu thị Lotte ở quận 7, TP HCM, chị Trần Huỳnh Nhật Thương, đại diện truyền thông của siêu thị cho biết: “Sau sự cố, nhà thầu, nhà cung cấp và siêu thị đã khắc phục tốt, thang vận hành trở lại. Trung tâm cũng bố trí bảo vệ túc trực tại các thang cuốn để giải quyết kịp thời những rủi ro có thể xảy ra”.
Ngoài ra, chị Thương khẳng định hệ thống thang của Lotte Mart đều được lắp đặt các cảm biến an toàn, khi có bất kì dị vật nào rơi hoặc vướng phải, hệ thống sẽ tự động dừng lại. Các siêu thị và trung tâm thương mại khác cũng có các động thái tích cực nhằm trấn an người dân. Các siêu thị sẽ tăng cường bảo vệ giám sát túc trực đề phòng sự cố.
Bên cạnh đó, việc bảo trì, bảo dưỡng thang cuốn tại các siêu thị, trung tâm thương mại sẽ đúng theo định kỳ. Tất cả giúp trấn an, xóa bớt nỗi sợ thang cuốn trong người dân.
Lý giải câu hỏi tại sao thang cuốn, một phương tiện vận chuyển hữu ích, bỗng dưng lại trở nên nguy hiểm như vậy, kĩ sư Đặng Hữu Đại, quản trị viên trang web cộng đồng thang máy Việt Nam chia sẻ trên báo chí rằng: “Nguyên nhân chủ yếu là do người dân chưa biết cách sử dụng thang cuốn một cách an toàn, như để trẻ em vui chơi một mình ở thang cuốn, chạy nhảy, vui đùa trên thang cuốn.
Về phía nhà quản lý, không thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng thang cuốn, không có người túc trực hỗ trợ khi thang cuốn xảy ra sự cố”.
Theo một số chuyên gia, việc bảo trì luôn phải được đặt lên hàng đầu bởi thang vận hành liên tục dẫn tới các thiết bị cơ khí hao mòn nên không thể lơ là việc kiểm tra, căn chỉnh, thay thế. Khoảng cách thời gian kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng thiết bị tốt nhất là 1 lần/tháng với các công đoạn như kiểm tra chức năng, căn chỉnh, vệ sinh, bôi trơn và thay thế thiết bị nếu cần thiết.
Ngoài ra, người vận hành phải có chuyên môn, được đào tạo và tập huấn cứu hộ an toàn thường xuyên…
Hiện nay trên mạng đang lưu truyền một cách để đối phó với thang máy bằng chỉ dẫn những chỗ không nên dẫm vào khi đi thang. Cụ thể như, khi chuẩn bị bước lên hoặc xuống thang cuốn, bạn nên chọn vị trí sàn nhà ngay sát mép băng chuyền (số 1) để tiếp đất và tránh đặt chân xuống khu vực chân tay vịn (số 2).
Vì theo cấu tạo của thang cuốn thông thường, vị trí phía chân tay vịn thường để rỗng để phù hợp với cấu tạo của khung, do đó nếu chịu lực mạnh, vị trí này sẽ có khả năng bị sập và gây ra tai nạn. Sau khi tiếp đất ở vị trí số 1, bạn nên bước một bước dài để đặt chân ở sàn nhà (số 3) để đảm bảo an toàn.
Một câu hỏi đặt ra là thang cuốn chuyển động liên tục rất dễ làm người đi hoa mắt thì làm sao để xác định được đúng các vị trí an toàn; và một khi mang hành lý, đồ đạc có khối lượng lớn thì có thể nhảy bước dài đến vị trí an toàn không?
Quan điểm của các nhà kỹ thuật là thang cuốn không có điểm tử thần nào cả, tất cả các vị trí đều an toàn nếu được lắp đặt, vận hành và bảo trì đúng kỹ thuật. Trường hợp bị tai nạn ở trên là do sai sót lắp đặt. Nếu thang được làm theo đúng quy chuẩn thì không có vị trí nào là không an toàn cả.