Bộ Tài chính cho biết, Bộ hạn chế cao nhất phải sử dụng đến khoản 10 nghìn tỷ đồng thu thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp để hỗ trợ cân đối ngân sách trung ương năm 2015... Thông tin đưa ra tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính - ngân sách năm 2015, triển khai niệm vụ tài chính- ngân sách năm 2016 của ngành tài chính tổ chức chiều qua (30/12).
Quyết liệt triển khai các giải pháp
Báo cáo Đánh giá công tác thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, tại thời điểm tháng 9/2015, trên cơ sở đánh giá sơ bộ của 63 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương và các tập đoàn, tổng công ty lớn, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội đánh giá thu NSNN năm 2015 vượt khoảng 16,4 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hụt khoảng 31,3 nghìn tỷ đồng, trong khi ngân sách địa phương tăng khoảng 47,7 nghìn tỷ đồng.
Mặc dù vậy, Chính phủ chỉ xin Quốc hội cho sử dụng tối đa khoảng 10 nghìn tỷ đồng tiền bán cổ phần nhà nước tại doanh nghiệp để bù giảm thu ngân sách trung ương; số còn lại sẽ phấn đấu để tăng thu thêm trong điều hành.
“Để thực hiện được nhiệm vụ nặng nề này, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế tại các doanh nghiệp, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng chống chuyển giá, chống gian lận thương mại và buôn lậu qua biên giới, điều tra, khởi tố đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về thuế.
Đẩy mạnh thực hiện các biện pháp xử lý nợ đọng thuế nội địa, thuế xuất nhập khẩu; công khai số nợ thuế của từng địa phương, doanh nghiệp. Đôn đốc thu đủ, thu kịp thời số tiền truy thu, tiền phạt, tiền nợ thuế vào NSNN và các khoản thu theo kết luận, kiến nghị của cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan bảo vệ pháp luật khác. Nhờ vậy, kết quả thu NSNN đã đạt khá hơn dự báo...”- bà Mai cho biết.
Đến ngày 28/12/2015, thu cân đối NSNN đạt xấp xỉ 957 nghìn tỷ đồng, đạt 105% dự toán, bằng 103,1% số ước thu cả năm đã báo cáo Quốc hội; trong đó, thu nội địa đạt 110,9% dự toán, bằng 103,1% số báo cáo Quốc hội; thu dầu thô đạt 73,1% dự toán, bằng 111,4% số báo cáo Quốc hội; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 98,2% dự toán và số báo cáo Quốc hội. Hầu hết các địa phương đều thu đạt và vượt dự toán được giao.
“Trong những ngày cuối cùng của năm 2015, Bộ Tài chính vẫn quyết liệt chỉ đạo thu NSNN để hoàn thành đến mức cao nhất thu ngân sách trung ương, hạn chế cao nhất phải sử dụng đến khoản 10 nghìn tỷ đồng thu thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp để hỗ trợ cân đối ngân sách trung ương năm 2015...”- Thứ trưởng Mai cho biết.
Phấn đấu tăng thu nội địa để bù đắp giảm thu từ dầu
Trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội năm 2016 được nhận định vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, dự báo có tác động bất lợi đến sự phát triển kinh tế và cân đối thu, chi NSNN, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua dự toán thu cân đối NSNN năm 2016 là 1.014,5 nghìn tỷ đồng.
Trong đó: Dự toán thu nội địa 785 nghìn tỷ đồng; dự toán thu dầu thô 54,5 nghìn tỷ đồng (trên cơ sở sản lượng 14,02 triệu tấn, giá bình quân 60 USD/thùng); dự toán thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu 172 nghìn tỷ đồng (trên cơ sở số thu 270 nghìn tỷ đồng, hoàn thuế GTGT 98 nghìn tỷ đồng); thu viện trợ 3 nghìn tỷ đồng.
Căn cứ dự toán thu NSNN đã được Quốc hội thông qua, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai giao nhiệm vụ thu ngân sách cho các đơn vị trực thuộc và chính quyền cấp dưới...
“Bên cạnh việc đảm bảo đúng quy định của Luật NSNN và không thấp hơn so với dự toán được giao, cần có những giải pháp phù hợp, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN được giao. Phấn đấu tăng thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ở mức cao nhất để bù đắp số giảm thu từ dầu thô; đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế, đảm bảo trong phạm vi dự toán được giao...”- Báo cáo của Bộ Tài chính lưu ý.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh:
Năm 2016, thu nội địa phải tăng 7-8% mới bù được phần hụt thu do giá dầu giảm...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã biểu dương nỗ lực của ngành tài chính trong điều hành ngân sách, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu giảm rất lớn, khả năng ngân sách trung ương vẫn đảm bảo cân đối, không phải sử dụng đến 10 nghìn tỷ đồng từ sắp xếp doanh nghiệp nhà nước.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh:“Công tác tài chính - ngân sách đạt được kết quả khả quan và tích cực, đạt được mục tiêu đặt ra. ở ba khía cạnh: Ổn định kinh tế vĩ mô một cách vững chắc hơn; tăng trưởng kinh tế phục hồi tốt hơn; và các cân đối nền kinh tế được giữ vững. Điều đó tạo ra niềm tin cho cộng đồng DN, cho nhà đầu tư và người dân. Đây là nỗ lực lớn!”.
Về điều hành 2016, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh lưu ý, có thể khó hơn bởi áp lực nền kinh tế rất lớn, mỗi biến động của thế giới tác động vào trong nước rất nhanh. Do vậy, điều hành chung cần xoay quanh các chính sách làm thế nào để tập trung thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô một cách vững chắc hơn. Phó Thủ tướng cũng lưu ý, trong bối cảnh giá dầu thô giảm (thấp hơn so với kế hoạch trình Quốc hội 60 USD/thùng) thì vấn đề đặt ra là làm thế nào để thu nội địa tăng 7-8% mới bù được phần hụt thu của dầu…
Cũng tại hội nghị, Cục Thuế TP Hà Nội đã vinh dự được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vì đã có thành tích xuất sắc giai đoạn 2005- 2015.