Muốn tự do phải trả tiền chuộc
Theo trình bày của bà Đặng Thị Lệ Nương (ngụ xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp), ngày 29/6/2016, có một người phụ nữ nói giọng miền Trung gọi điện cho bà.
Người này tự giới thiệu là chủ quán karaoke Diệu Hiền ở thôn Lệ An, xã Duy Châu (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam). Sau khi hỏi bà Nương có phải là mẹ nuôi của cháu Ánh không, chủ quán karaoke thông báo rằng, cháu Ánh đang ở chỗ của bà ta và muốn về quê thì phải trả cho bà ta 70 triệu đồng.
Sau khi nhận được điện thoại, bà Nương vô cùng bất ngờ bởi số tiền chuộc “từ trên trời rơi xuống”. Tuy nhiên, bà cũng đã phần nào yên tâm hơn bởi biết chính xác địa chỉ mà cô con gái nuôi đang ở.
Trước đó, tháng 9/2016, Hồ Thị Ánh (SN 2003), con gái nuôi của bà Nương tự dưng “mất tích”. Bà Nương đã nhiều lần tìm hỏi khắp nơi nhưng không ai biết Ánh đang ở đâu. Sau đó, bà nghe phong thanh Ánh đi kiếm việc làm nhưng không biết cụ thể là ở nơi nào.
Theo lời của chủ quán karaoke Diệu Hiền, sau khi rời khỏi nhà, Ánh ra tỉnh Quảng Nam làm tiếp viên karaoke. Trong thời gian làm việc tại đây, Ánh mượn của chủ quán 70 triệu để trang trải cuộc sống. Thời gian gần đây, Ánh muốn về Đồng Tháp nhưng chủ quán sợ Ánh “một đi không trở lại” nên gọi điện cho bà Nương yêu cầu trả đủ 70 triệu thì mới cho Ánh về.
Nghi ngờ con gái nuôi đang chịu nhiều oan ức và số tiền 70 triệu đồng là tiền để “buộc” cô bé 13 tuổi vào con đường không lối thoát nên bà Nương làm đơn kêu cứu cơ quan chức năng. Sau khi nhận được đơn của bà Nương, Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) công an tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản đề nghị Phòng PC45 công an tỉnh Quảng Nam hỗ trợ giải cứu Ánh.
Từ đề nghị này, Phòng PC45 công an tỉnh Quảng Nam đã lập kế hoạch điều tra, giải cứu em Ánh. Qua nhiều ngày thu thập thông tin, ngày 8/8/2016, phòng PC45 đã tiến hành kiểm tra hành chính quán karaoke Diệu Hiền. Đúng như nhận định của các trinh sát, em Hồ Thị Ánh đang phục vụ tại đây.
Ngoài em Ánh, các trinh sát còn phát hiện 4 trẻ em khác gồm Nguyễn Thị Như Ý (SN 2001, ngụ huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp), Hồ Thị Kim Thoa (SN 2000), Nguyễn Thị Kim Oanh (SN 1996, cùng ngụ huyện Lấp Vò), Nguyễn Thị Mỹ Linh (SN 1999, ngụ huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) đang làm việc cho chủ quán karaoke Diệu Hiền là Trần Thị Gái (ngụ xã Duy Châu, Duy Xuyên).
Vì các em chưa đủ tuổi lao động nên ngày 9/8/2016, Phòng PC45 đã lập biên bản đối với cơ sở sử dụng lao động và giải cứu các em.
Lập biên bản giải cứu 2 em Thoa và Ý tại karaoke Diệu Hiền. |
Thu nhập “khủng” nhưng vẫn không trả hết nợ
Theo lời khai của các bé gái, các em đã bị ép làm tiếp viên cho các quán cắt tóc, gội đầu, massage, karaoke cùng với tên gọi Diệu Hiền ở nhiều cơ sở tại huyện Duy Xuyên do bà Gái làm chủ.
Em Thoa cho biết, em và Ý được bà Gái bố trí làm tiếp viên tại các cơ sở cắt tóc, gội đầu ở xã Điện Phước (huyện Điện Bàn). Tuy nhiên, đó là những cơ sở hoạt động massage kích dục trá hình và các em được bà Gái ép làm những việc không lành mạnh.
Hàng ngày, các em được người của bà Gái chở từ chỗ trọ đến các cơ sở kích dục trá hình để làm việc. Đến tối, bọn họ lại chở các em về nhà trọ. Bà Gái không cho các em giao du với bất kỳ ai và không được đi đâu ngoài sự kiểm soát của nhân viên quản lý.
Cùng số phận với Thoa, Ý, các em Oanh, Linh cũng bị bà Gái ép buộc làm việc “người lớn” trong thời gian ở đây. Khi các em có ý định không làm nữa, bà Gái cho bảo kê đe dọa các em. Mặt khác, phần lớn các em đều nợ tiền của bà Gái nên phải trả nợ mới được nghỉ việc. Tuy nhiên, việc trả nợ rất khó khăn, bởi tiền các em vay của bà Gái phải chịu lãi suất từ 30 đến 40%. Đây chính là âm mưu thâm độc của bà chủ karaoke.
Theo thông tin ban đầu, sau khi thành lập hàng loạt cơ sở cắt tóc, gội đầu, massage, karaoke trên địa bàn huyện Duy Xuyên, bà Gái lên kế hoạch tuyển nhân viên. Đối tượng bà nhắm đến là các bé gái ở vùng nông thôn của các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Khi gặp các em, bà Gái hứa hẹn làm việc nhẹ, lương cao. Sau đó, người của bà Gái mua vé máy bay, hẹn đón các em ở sân bay Tân Sơn Nhất rồi đưa về Quảng Nam để làm việc cho bà Gái.
Tất cả các em khi đến Quảng Nam đều được bà Gái cho mượn tiền để sinh hoạt, mua sắm điện thoại xịn, làm đẹp... Tuy nhiên, đó chỉ là cái bẫy của bà chủ để các tiếp viên nhí không thể nào thoát khỏi công việc kích dục.
Mặc dù thu nhập mỗi tháng từ 10 đến 30 triệu, thuộc dạng “khủng” đối với người dân miền Trung nhưng tiền của các em đều bị bà Gái trừ hết vào nợ. Cứ thế, với lãi suất 30 - 40%, lãi mẹ đẻ lãi con nên các em không thể trả hết nợ. Có em, cứ qua một ngày thì số nợ lại càng phình ra.
Em Nguyễn Thị Mỹ Linh tâm sự: "Vào làm chỗ bà Gái, em không có hợp đồng lao động do chưa đủ tuổi. Khi vào làm việc, bà Gái cho mượn tiền, hướng dẫn ghi giấy nợ và buộc ghi vào giấy tự nguyện vào làm việc tại đây. Bọn em không muốn làm nữa nhưng không thể đi được vì bà Gái bảo phải làm trả đủ nợ rồi mới được đi".
Theo khai nhận của các em gái này, tất cả các em đều bị quản thúc nghiêm ngặt trong thời gian làm việc tại đây, mọi sinh hoạt đều có người quản lý. Cũng theo những em này cho biết, hiện còn nhiều em gái khác chưa đến tuổi lao động đang bị ép làm việc tại các cơ sở cắt tóc, gội đầu, massage, karaoke Diệu Hiền. Vì bị ép buộc làm viên nên các em đã nhiều tính lần bỏ trốn. Tuy nhiên, biết được ý định của các tiếp viên, bà Gái đã ra tay trước.
“Hiện nhiều bạn của em đang làm cho bà Gái cũng còn nhỏ tuổi, rất muốn về nhà nhưng không thể đi được. Nếu bỏ trốn sẽ bị đánh. Bà Gái đã thu tất cả điện thoại nên không cách nào liên lạc với các bạn. Em rất lo cho các bạn”, em Hồ Thị Ánh cho biết.
Một các bộ điều tra cho biết, khi các anh tiến hành kiểm tra karaoke Diệu Hiền, bà Gái đã lấy lý do đi công tác để tránh mặt và giao cho con trai làm việc với cơ quan công an. Về các bé gái, lực lượng công an tỉnh Quảng Nam đã liên lạc với các gia đình để đưa các em về lại địa phương. Hiện Phòng PC45 đang tích cực giải cứu các em còn lại cũng như điều tra xử lý sai phạm của chủ cơ sở cắt tóc, gội đầu, massage, karaoke Diệu Hiền.
Vụ việc này cũng là bài học kinh nghiệm cho mọi người, nhất là các bé gái khi xin việc làm. Vì mong muốn có việc làm lương cao, có rất nhiều nạn nhân đã sa chân vào “động quỷ” hoặc bị ép buộc lao động khổ sai.
Các gia đình có con em trong độ tuổi vị thành niên cần chú ý quản lý việc sử dụng điện thoại, internet của các em và nắm được các mối quan hệ bạn bè để có sự quản lý, giáo dục, phòng tránh bị các đối tượng xấu lừa gạt.
Bộ luật lao động quy định việc sử dụng lao động đối với người chưa thành niên dưới 15 tuổi như sau:
“1. Người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi làm các công việc nhẹ theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.
2. Khi sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi thì người sử dụng lao động phải tuân theo quy định sau đây:
a) Phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật và phải được sự đồng ý của người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi;
b) Bố trí giờ làm việc không ảnh hưởng đến giờ học tại trường học của trẻ em;
c) Bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn lao động, vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi