“Chồng tui bị bệnh, tui liệt cả hai chân không có tiền phẫu thuật, phải đi bán vé số dạo kiếm miếng ăn. Cùng quẫn là thế, cô ta không giúp đỡ thì thôi, còn lừa gạt, rồi xúc phạm chúng tôi”, một nạn nhân nói.
“Nhà từ thiện” dai dẳng đòi phí
Trưa 11/6/2016, khi đang lưu thông trên đường tìm kiếm “con mồi”, Phạm Thị Mai Trâm (50 tuổi, ngụ ấp Tân Tiến, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP HCM) bị hai mẹ con chị Trần Thị Liên (50 tuổi, ngụ phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP HCM) phát hiện, dũng cảm khống chế đưa đến cơ quan công an.
Trước đó, mẹ con chị Liên là nạn nhân bị Trâm nhiều lần đòi tiền “phí từ thiện”, trong khi chị không hề nhận được một đồng “từ thiện” nào từ kẻ gian.
Trước hai ngày, một tờ báo đăng tải bài viết về hoàn cảnh éo le của gia đình chị Liên. Trong bài viết kèm theo địa chỉ và số điện thoại di động của chị để những nhà hảo tâm có thể trực tiếp liên lạc.
Trưa cùng ngày, giữa trời nắng như đổ lửa, chị Liên đang cùng người con trai đi bán bánh bông lan dạo thì điện thoại đổ chuông.
“Đầu dây bên kia là giọng một phụ nữ. Chị ta nói là người của một tổ chức từ thiện, đọc được bài viết về gia đình tui trên báo, thấy tội nghiệp quá nên đang vận động mọi người quyên góp...
Khoảng hơn một tiếng sau, người phụ nữ đó gọi lại nói “có một Việt kiều giàu có chuyên đi làm từ thiện quyên góp cho gia đình chị 20 triệu”. Rồi chị ta bảo tui đến quán cà phê ở xã Xuân Thới Đông (huyện Hóc Môn) để nhận tiền”, chị Liên nhớ lại.
Những tưởng có người cảm thông giúp đỡ gia đình mình vượt qua cơn hoạn nạn, chị Liên khấp khởi vui mừng. Chị bỏ cả việc bán buôn, xách theo chiếc rổ còn phân nửa số bánh đi tìm “nhà hảo tâm”.
Đến nơi, người đón chị là một phụ nữ mặt mày có vẻ bặm trợn, tóc ngắn, chốc chốc đôi mắt lại láo liên đảo qua đảo lại. “Chị ta nói tiền đang từ nước ngoài chuyển về ngân hàng, yêu cầu tui phải đóng trước tiền phí chuyển tiền là 120 nghìn đồng. Khi tiền về đến Việt Nam sẽ thông báo cho tui đến nhận...
Lúc đó trong người tui không có tiền, chỉ còn vỏn vẹn 30 nghìn đồng để đi xe ôm về. Người phụ nữ kia la lên bảo “bỏ ra 120 nghìn nhưng lấy lại được 20 triệu mà cũng keo”. Nghe vậy tui buồn lắm nhưng đành thất thểu ra về”, nạn nhân buồn bã kể.
Chị Liên về đến nhà, Trâm vẫn dai dẳng gọi điện thoại thúc giục nộp tiền. “Tui bảo không có 120 nghìn thì cô ta bảo là “nếu không đủ thì đưa bao nhiêu cũng được”. Tui mới sinh nghi, xưa nay người ta làm từ thiện có ai tính phí, hay thô lỗ như vậy đâu. Tui mới hỏi lại là ai chuyển tiền cho tui? Chuyển ở ngân hàng nào? Thì cô ta mắng xối xả trong điện thoại “đã nghèo còn chảnh chọe”, rồi tắt máy. Tui gọi lại thì thuê bao không liên lạc được...”, chị kể.
Mang chuyện kể với những người hàng xóm, ai cũng khẳng định chị bị người ta lừa bịp. Quá phẫn nộ, ngày hôm sau chị cùng con trai bỏ hết công hết việc đi truy tìm kẻ gian, nhưng không tìm được.
Trưa 11/6, chị Liên tiếp tục được con trai chở đi tìm lòng vòng ở xã Xuân Thới thì tình cờ phát hiện Trâm đang đi bộ trên đường. Con trai chị Liên (26 tuổi) nhanh chóng nhảy xuống đường khống chế kẻ gian.
Trâm liên tục cào cấu, cắn vào tay anh này hòng tẩu thoát, may mắn được những người dân xung quanh hỗ trợ. Phải hơn một tiếng sau, mẹ con chị Liên mới đưa được người phụ nữ lừa đảo lên công an phường trình báo.
Con trai chị Liên bị cắn vào tay khi khống chế đối tượng lừa đảo. |
Lừa cả người tàn tật
Nói đến hoàn cảnh gia đình, chị Liên ứa nước mắt. Vợ chồng chị gốc miền Tây. Chồng không may qua đời vì bạo bệnh khi đứa con út chưa đầy 3 tuổi. Ở quê khan hiếm việc làm, nghe người họ hàng nói sắp sửa lên Sài Gòn, chị cũng dắt díu các con xin đi theo.
Ban đầu, bốn mẹ con chị thuê trọ trong một xóm ổ chuột ở quận 3 sinh sống. Về sau, căn phòng quá ẩm thấp chật chội, chị và các con mới sang quận Tân Phú. Hàng ngày, chị đi ở đợ, làm thuê. Các con cũng phải theo mẹ mưu sinh, chưa một ngày được đến trường.
Gần 20 năm, một mình chị chèo chống, làm đủ việc để có tiền nuôi các con. Cách đây hơn một năm, người con trai cả là anh Trần Quốc Việt không may bị tai nạn giao thông. Chị vét hết số tiền tích góp được và vay mượn thêm để phẫu thuật cứu đôi chân cho con.
Đã trải qua 3 cuộc phẫu thuật nhưng đến nay, đôi chân của anh Việt vẫn không thể gập lại được. Thương con, hàng ngày chị đi lấy bánh bông lan từ đại lý đi bán lẻ, gom góp từng đồng tiếp tục đưa con đến viện.
“Có anh phóng viên thấy hoàn cảnh gia đình tui cơ cực, tìm đến viết bài mong được mọi người giúp đỡ. Tui cảm động lắm vì còn có người thương mẹ con tui. Ai ngờ, người tốt chưa thấy đâu mà kẻ xấu đã lợi dụng tìm đến đòi tiền”, chị Liên chia sẻ.
Sau khi Trâm bị cơ quan công an tạm giữ để điều tra, một nạn nhân khác là chị Nguyễn Thị Kiều Anh (53 tuổi, ngụ quận Tân Bình) chống hai nạng gỗ thất thểu tìm đến. Chị kể quê ở Trà Vinh.
Năm 2012, trên đường đi làm thuê trở về, chị bị một “hung thần đường phố” tông ngã rồi bỏ chạy. May mắn được người dân ven đường đưa đến bệnh viện kịp thời, tính mạng chị được giữ lại nhưng đôi chân bị liệt hoàn toàn.
Sau gần nửa năm nằm viện, vì không có khoản tiền cả trăm triệu đồng thay khớp gối, chị phải xuất viện về nằm nhà. Từ ngày đó kinh tế gia đình lâm vào cùng quẫn.
Thắt lưng buộc bụng vẫn không đủ cái ăn, chồng chị phải “tăng ca” làm cả đêm. Trong một trận bão, cơn lốc xoáy quật ngã cây lớn đổ sập lên chỗ người chồng đang làm việc khiến anh thập tử nhất sinh.
Hơn một tuần trong phòng cấp cứu anh mới hồi tỉnh nhưng thần trí trở nên “điên điên khùng khùng”. Tai họa liên tiếp ập xuống khiến gia đình nhỏ lâm vào cùng quẫn. Sau những đêm trằn trọc, chị Anh quyết tâm gửi chồng con ở quê nhờ họ hàng chăm nom. Một mình chị đón xe lên Sài Gòn kiếm sống.
Từ tập tễnh đi nạng bán vé số, bán hàng rong, chị đều cần mẫn, chắt bóp từng đồng gửi về quê. “Sau khi có báo đăng bài viết về mảnh đời bất hạnh của tui, có người đàn ông gọi điện nói nhà hảo tâm muốn ủng hộ tui tiền chữa bệnh.
Tui cảm động không xiết, cảm ơn họ rối rít. Bỗng người kia nói điện thoại sắp hết tiền nhờ tui mua giúp cái card điện thoại 50 nghìn. Nghĩ họ làm từ thiện ai lại đi lừa người cùng khổ như tui nên cũng đành vét hết tiền trong túi đi mua giúp họ. Đến khi tìm đến địa chỉ người đó nói, tui mới hay đó là địa chỉ giả, người ta lừa tui...”.
Chị kể tiếp: “Hôm sau có người phụ nữ gọi đến, xưng là nhà từ thiện, bảo tôi đến gần chợ đầu mối ở huyện Hóc Môn để nhận tiền từ nước ngoài gửi về.
Tui bắt xe ôm đến, người kia nói ngon nói ngọt bảo tui may mắn sắp có được khoản tiền lớn, nhưng trước khi nhận tiền phải nộp phí 150 nghìn. Tui bảo không có nhiều tiền như vậy, cô ta liền nạt tui “không đưa tiền thì đừng trách tui không giúp đỡ, cả đời cũng không có tiền đâu...”.
“Chồng tui bị bệnh, tui liệt cả hai chân không có tiền phẫu thuật, phải đi bán vé số dạo kiếm miếng ăn. Cùng quẫn là thế, cô ta không giúp đỡ thì thôi đằng này đi gạt, xúc phạm người ta. Tui chỉ mong cơ quan chức năng có biện pháp thích đáng để những người cùng khổ như tui không còn bị lừa oan ức...”, chị Anh ấm ức bày tỏ.