Từ vài trăm đến nhiều triệu
Hà Nội là địa bàn phát triển nóng nhất các tổ chức hành nghề công chứng, đặc biệt là hệ thống các Văn phòng công chứng. Với mật độ dày đặc nên Hà Nội có rất nhiều kiểu cạnh tranh. Một trong những “chiêu bài” cạnh tranh đó chính là giá thù lao cho mỗi loại hợp đồng, giao dịch. Lướt qua trang web và trực tiếp hỏi nhân viên các Văn phòng công chứng thì mới thấy giá thù lao công chứng chẳng nơi nào giống nhau.
Văn phòng công chứng Đông Anh thu phí soạn thảo hợp đồng (đơn giản) là 200 ngàn đồng/trường hợp, phức tạp là 300 ngàn; công chứng ngoài giờ làm việc thu từ 200-300 ngàn đồng (chưa có VAT). Văn phòng công chứng Đại Việt trên đường Kim Mã thu theo bán kính, nếu công chứng ngoài trụ sở cách trụ sở Văn phòng dưới 3km thu 600 ngàn đồng; từ 3km đến 6 km thu 800 ngàn, còn từ 6km trở lên thu theo thỏa thuận. Khách có nhu cầu công chứng ngoài giờ (từ 12h đến 13h30, trừ Chủ nhật) thu 300 ngàn đồng/trường hợp; từ 17h đến 20h các ngày (trừ chủ nhật) và công chứng trong ngày lễ, tết thu 700 ngàn đồng/ trường hợp.
Trong vai một khách hàng có nhu cầu tặng cho nhà đất ở Phú Mỹ, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội, chúng tôi gọi điện đến Văn phòng công chứng Thăng Long đề nghị được phục vụ tại nhà thì nhân viên ở đây cho biết, với bán kính như vậy, Văn phòng sẽ thu 1 triệu tiền đi lại (taxi), thù lao cho công chứng viên thêm 1 triệu nữa, chưa kể tiền phí công chứng thu trên giá trị hợp đồng và căn cứ vào bảng giá đất ở địa phương.
Cũng với yêu cầu này, khi gọi điện đến Văn phòng công chứng Thái Hà thì được biết, nếu đi trong phạm vi nội thành, Văn phòng sẽ thu trên 1 triệu thù lao, chi phí khác sẽ do thỏa thuận, còn tiền phí là khoản thu theo Thông tư của Bộ Tài chính. Nói đến yêu cầu được công chứng tại nhà, một nhân viên ở đây rất nôn nóng: “Chị cứ chuẩn bị sổ đỏ, sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân của người cho đất, người nhận, chiều nay em sẽ đến tận nơi hướng dẫn làm hồ sơ”.
Mức thu của các Văn phòng trong nội thành là vậy, nhưng chỉ cách Hà Nội khoảng hơn 20km, Trưởng Văn phòng Công chứng Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ) Nguyễn Hồng Luyện cho biết, ngoài thu phí theo quy định, nhiều trường hợp Văn phòng chỉ thu 200 ngàn thù lao. Còn việc soạn thảo hợp đồng nhiều khi miễn phí. Mức thu trên được coi là qúa rẻ, nhưng theo ông Luyện, nếu không làm thì không đủ trả lương nhân công và hàng chục khoản chi khác.
Vì là thỏa thuận nên thu sao cũng được?
Như vậy, chỉ làm một cuộc khảo sát lòng vòng quanh các Văn phòng công chứng ở Hà Nội đã thấy có sự khác biệt rất rõ trong mức thu thù lao công chứng. Ngoài phí là khoản thu bắt buộc theo quy định tại Thông tư liên tịch số 08 giữa Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp được áp dụng giống nhau thì khoản thù lao và chi phí khác mới là điều gây nhiều bức xúc trong dư luận bởi nó chẳng có một “ba-rem” nào. Từ việc thu tiền công cho việc soạn thảo hợp đồng đến thù lao khi khách hàng có nhu cầu được phục vụ ngoài giờ và phục vụ tận nhà, thì tiền cho những chi phí khác hiện cũng rất “tù mù”. Ngoài tiền chi cho đi lại, thuê taxi, khách hàng còn phải chịu nhiều chi phí như nước nôi, thậm chí đêm hôm, mưa gió…
Nguyên nhân của tình trạng loạn thu này, theo nhiều công chứng viên lý giải là theo quy định tại Điều 57 Luật Công chứng thì “mức thù lao đối với từng loại việc do tổ chức hành nghề công chứng xác định. Mức chi phí …do người yêu cầu công chứng và tổ chức hành nghề công chứng thỏa thuận”. Đây cũng là nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận giữa các bên được quy định trong Bộ luật Dân sự.
Như vậy có nghĩa là, dù không quy định cụ thể về thù lao và chi phí khác nhưng nếu khách hàng và tổ chức hành nghề công chứng thỏa thuận được với nhau là “OK”. Cũng vì điều này, trên thực tế đã dẫn đến tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề công chứng (chủ yếu là Văn phòng công chứng), ví dụ như “công chứng đại hạ giá”, “giảm giá”, “công chứng có khuyến mại” mà trước đây đã có Văn phòng công chứng từng chăng biển quảng cáo.
Để chấn chỉnh tình trạng này, Công chứng viên Nguyễn Thanh Tú, Trưởng Văn phòng công chứng Nguyễn Tú, Hà Nội đề xuất: Sửa đổi Luật Công chứng có thể quy định về nguyên tắc, sau đó Chính phủ hướng dẫn thi hành quy định theo hướng giao Sở Tư pháp phối hợp với Hội Công chứng (đối với những nơi đã lập Hội), hoặc giao Sở Tư pháp (đối với nơi chưa lập Hội) xây dựng biểu giá để xác định mức thù lao chung.
“Quy định như vậy tránh trường hợp thu mỗi nơi một kiểu, người dân bị đối xử không công bằng. Đồng thời cần có cơ chế kiểm soát, thanh tra, kiểm tra thường xuyên để phát hiện và kịp thời xử lý sai phạm”, ông Tú nói.
Còn Trưởng Văn phòng Công chứng Phúc Thọ Nguyễn Hồng Luyện thì gợi ý: “Có thể quy định mức trần, cụ thể trong vùng bán kính như thế nào thì thu thù lao bao nhiêu để tránh tình trạng “hạ giá”, cạnh tranh thiếu lành mạnh”.