Bén duyên du kích
Sinh ra và lớn lên ở thôn Xuân Long, xã Trung Hải (Gio Linh – Quảng Trị) vùng đất giáp sông Bến Hải về phía Nam, trong một gia đình có truyền thống cách mạng từng nuôi giấu nhiều cán bộ cơ sở. Cha bị địch bắt giam và tra tấn, từ nhỏ cô bé Chẩm đã có lòng căm thù giặc sâu sắc.
Năm 1962 khi mới 12 tuổi, cô bé Chẩm đã tham gia cách mạng. Dù nhỏ tuổi nhưng Chẩm đã dành được sự tin tưởng của tổ chức, nhiệm vụ chính lúc bấy giờ là làm giao liên cơ sở, đưa thư từ vào vùng địch chiếm. Cô bé có vóc người nhỏ nhắn ấy không sợ hiểm nguy, bao lần vượt các đồn bốt địch để chuyển thông tin quan trọng cho bộ đội.
“O du kích nhỏ” Hoàng Thị Chẩm kể lại, ngày 19/5/1967 địch mở trận càn, chúng quét lớn vào các xã lân cận như: Trung Giang, Trung Hải, Trung Sơn… với kế hoạch thiết lập vành đai trắng, chúng ra tay đốt phá nhà cửa rồi dồn dân lên thôn Tân Tường (nay thuộc xã Cam Thành, huyện Cam Lộ - PV).
Gia đình bà Chẩm lúc ấy cũng bị địch dồn vào khu tập trung nhưng với ý chí không chịu khuất phục, bà quyết định trốn về quê. “Để đánh lừa địch tui đóng giả làm cô bé đi hái rau dại, lân la hỏi đường về chợ Phiên Cam Lộ rồi xin thuyền xuôi về Cửa Việt.
Trở về làng, tui thấy còn một số bà con ở lại. Thấy tui còn nhỏ, cấp trên có dự định cho sơ tán ra Bắc để tiện cho việc học tập nhưng tui không đồng ý vì còn căm thù giặc. Và một điều nữa là lúc ấy gia đình, người thân còn ở quê hương thì không thể nghĩ cho bản thân nên tôi quyết tâm ở lại” - bà Chẩm thuật lại.
Khi vừa bước qua tuổi 17 thì bà Chẩm được tham gia vào lực lượng du kích và làm khẩu đội trưởng. Năm 1969, bà được chọn đi học khóa bắn tỉa loại súng 12 ly 7 trong 10 ngày ở Vĩnh Linh.
Sau khóa học, bà được giao nhiệm vụ chính là vây ép địch vào căn cứ Dốc Miếu, đẩy chúng vào sâu trong hàng rào điện tử “Mcnamara” (tên gọi cho hệ thống các phương tiện điện tử phát hiện thâm nhập của quân đội Mỹ - PV) từ năm 1969 đến 1972.
Bà Hoàng Thị Chẩm nữ du kích bắn tỉa trên căn cứ Dốc Miếu năm xưa |
“Hồi ấy tui sống và hoạt động cách căn cứ Dốc Miếu 1km, với nhiệm vụ hàng ngày nấp trong hầm bắn tỉa địch ở đồn, không cho chúng ngóc đầu lên.
Vào đầu năm 1972, quân và dân ta đồng loạt nổi dậy nổ súng vây chặt, ném hàng trăm quả đạn DKD, A12 và bom phóng vào căn cứ địch.
Sau 3 ngày tấn công, đêm 31/3/1972 lực lượng địch buộc phải tháo chạy, bỏ lại đồn bốt, công sự cùng hệ thống hàng rào điện tử hiện đại. Tui vinh dự là nữ du kích đầu tiên tiến vào giải phóng căn cứ Dốc Miếu, cắm lá cờ đỏ sao vàng lên nóc hầm chỉ huy” – bà Chẩm hồi tưởng.
Ghi danh trang sử vàng son
Suốt những năm tháng chiến đấu giải phóng quê nhà, bà Chẩm đã tham gia hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt hàng chục tên địch… với nhiều chiến công oanh liệt bà được nhà nước phong tặng Chiến sỹ thi đua; Chiến sỹ quyết thắng và đặc biệt 9 lần được phong tặng danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ (trong đó có 7 lần là dũng sĩ bắn tỉa).
Nhắc lại những kỉ niệm xưa, bà Chẩm hồ hởi: “Tui không bao giờ quên về những năm tháng chiến đấu cùng đồng chí, đồng đội với hai trận đánh vào năm 1969 và 1970.
Trận thứ nhất khi tui cùng 6 đồng đội đang hoạt động ở hầm bí mật thì bị địch phát hiện, chúng huy động nhiều quân cùng với sự hỗ trợ của xe tăng nhằm bắt sống, tiêu diệt không cho tui và các đồng chí khác có đường thoát chạy.
Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” vô cùng nguy cấp đó, tui đã dùng một quả mìn ném thẳng vào hàng ngũ của địch gây cho chúng rối loạn, rồi một mình cầm súng K43 chạy ra dẫn dụ chúng vào bãi mìn được cài sẵn ngoài hầm khiến chúng bị bất ngờ.
Trận đó chúng tôi đã đốt cháy một chiếc xe tăng, tiêu diệt 18 tên địch, nhiều tên khác bị thương nặng”. Trận này bà Chẩm cùng các đồng đội rút lui an toàn.
Trận thứ hai, vào ngày 15/12/1970 khi địch chia ra làm nhiều mũi: Một từ Cái Sơn hành quân về thôn Xuân Mỹ xã Trung Hải (Gio Linh). Một mũi khác từ Dốc Miếu tiến về Hải Cửu, xã Trung Giang. Một cánh nữa theo sông Hàm Vòng rồi vượt qua thôn Xuân Long để đổ bộ, đánh chiếm vào khu Đông.
Bà Chẩm chỉ huy khẩu đội thôn Xuân Long cùng 2 khẩu đội thôn Xuân Hàm, Hải Cửa dùng khẩu 12 ly 7 để bắn cháy máy bay địch. Nhưng trong tình thế lúc đó, địch chuẩn bị vượt sông phối hợp với các cánh quân khác nhằm đổ bộ vào khu Đông, tương quan lực lượng có sự chênh lệch lớn nên các đồng đội nêu ra ý kiến rút lui để bảo toàn.
Với tư cách là khẩu đội trưởng chỉ huy cao nhất, bà Chẩm quyết định hạ nòng súng xuống ngang tầm bộ binh. Bà bắn vào địch khi chúng chuẩn bị vượt sông buộc chúng phải rút lui, phá vỡ kế hoạch tiến quân của chúng.
“Bà đỡ mát tay” thời bình
Sau khi quê hương được giải phóng, không như những người con gái bình thường khác về xây dựng hạnh phúc cho bản thân. Bà Chẩm vẫn miệt mài đem hết sức trẻ, tuổi xuân của mình cống hiến cho quê hương một cách thầm lặng đáng trân trọng.
Năm 1973, bà được cử đi học lớp nữ hộ sinh đầu tiên tại huyện Vĩnh Linh, rồi trở về công tác tại trạm y tế xã Trung Hải cho đến khi nghỉ hưu. Là một trạm trưởng bà luôn cố gắng, nỗ lực hết sức để cứu chữa, chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Trở lại thời bình, bà Chẩm miệt mài với công việc chữa bệnh cứu người và tư vấn sức khỏe cho người dân nghèo |
Bà Chẩm tâm sự: “Những năm tháng hòa bình mới lập lại nhận thức của bà con về vấn đề sức khỏe còn hạn chế, tui phải luôn bên cạnh để vận động, tuyên truyền cho bà con cách phòng chống các loại dịch bệnh như sốt xuất huyết, sởi đồng thời chăm sóc sức khỏe cho những bà mẹ đang trong thời kỳ mang thai.
Một ngày đỡ cho gần 7 con chào đời, có những ca sinh khó, trong tình thế khẩn cấp không kịp để chuyển lên tuyến trên thì tiến hành đỡ đẻ ngay tại nhà. Do được đào tạo bài bản từ trước nên tui cũng ứng phó với công việc một cách kịp thời”.
Với thâm niên hơn nửa đời người gắn bó với nghề y, bà đã giúp nhiều sản phụ “vượt cạn” thành công. Những khi trời mùa đông rét buốt, hễ có người nào sinh là bà Chẩm không nề hà mưa gió đến tận nơi để giúp đỡ người bệnh một cách tận tình.
Đơn cử như trường hợp chị Bùi Thị Xuân sinh thai ngược, đứa bé chỉ nặng được 1,8 kg nhưng bà đã giúp cho mẹ tròn con vuông. Cho đến bây giờ mẹ, con chị Xuân vẫn mang ơn và qua lại thăm bà.
Để ghi nhận những đóng góp lớn lao trong những năm tháng kháng chiến và thời bình, vào năm 2007 nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã trao giải Kovalevskaya (gọi tắt là Giải “Kova” - giải thưởng tôn vinh những cá nhân, tập thể là tấm gương tiêu biểu trong đời sống xã hội có những việc làm nhân văn, cao thượng) cho bà Hoàng Thị Chẩm.