“Gà trống” một mình chăm đàn con bại não, ung thư

Ngôi nhà cũ nát chủ yếu dùng để “nhốt” cô con gái bệnh tật.
Ngôi nhà cũ nát chủ yếu dùng để “nhốt” cô con gái bệnh tật.
(PLO) - Sáu năm từ ngày dứt áo đi lấy chồng khác, người phụ nữ không nhìn đến những đứa con bất hạnh. Người đàn ông “gà trống nuôi con” đứa bại não, đứa ung thư, trong nỗi đau đớn, thiếu thốn và bế tắc.
Con bệnh tật, vợ bỏ nhà theo trai
Ngôi nhà cấp bốn của anh Lê Văn Hiệp (SN 1978, ngụ thôn Hội, xã Văn Hoàng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội)  đã cũ nát, xập xệ. Đồ đạc không có gì đáng giá. Năm 2000, anh lấy vợ ở cùng thôn rồi cùng vào tỉnh Bình Phước lập nghiệp bằng nghề thợ mộc.
Cuộc sống trôi đi trong hạnh phúc êm đềm. Năm 2002, con gái đầu lòng chào đời, rất bụ bẫm xinh xắn. Nhưng từ một tháng tuổi, cô bé bắt đầu có dấu hiệu của bệnh bại não. Anh chị chạy chữa cho con khắp nơi không thuyên giảm. 
Cô con gái thứ hai ra đời năm 2004 cũng bị bại não giống chị. Nỗi bất hạnh kéo theo sóng gió gia đình. Vợ anh sau hai lần sinh hai đứa con bệnh tật đâm chán chường đổi tính, không thiết tha gì chồng con. Trong khi chồng vất vả ngược xuôi kiếm tiền nuôi gia đình, người vợ bỏ bê bọn trẻ, thường xuyên vắng nhà.
Anh Hiệp một mình gồng gánh nuôi các con bệnh tật.
  Anh Hiệp một mình gồng gánh nuôi các con bệnh tật.
“Do công việc phải di chuyển nhiều nơi nên tôi hay phải vắng nhà. Vợ tôi không hiểu nỗi vất vả của chồng mà lại theo trai, bỏ hai đứa con bệnh tật cho hàng xóm chăm sóc hộ”, anh Hiệp tâm sự.
Thời gian đầu chưa biết vợ phụ tình, anh còn tưởng vợ bị lừa bán sang Trung Quốc. Ngày ấy rộ tin có nhóm người thấy đàn bà, con gái xinh đẹp thường dụ dỗ lừa bán, vợ anh tuy không xinh đẹp “sắc nước hương trời” nhưng được cái ưa nhìn. 
“Những ngày đó, tôi vừa trông con, vừa đi tìm vợ. Ai thấy cũng xót xa”, anh nhớ lại. Đến khi biết sự thật, anh vẫn đi tìm vợ và khuyên chị quay về cùng chăm lo gia đình. Vợ chồng hàn gắn, tiếp tục ở lại Bình Phước làm mộc kiếm tiền chữa bệnh cho con. Hai cô con gái được gửi về cho ông bà nội chăm sóc giúp.
Năm 2009, con trai anh ra đời. “Đứa con thứ ba sinh ra khỏe mạnh, tôi vui mừng khôn xiết. Nhưng “niềm vui chẳng tày gang”, vợ tôi vẫn chứng nào tật ấy. Cô ấy tiếp tục phải lòng trai, bỏ nhà đi hàng tháng trời, không đoái hoài tới hai bố con. 
Khi thằng bé được tám tháng tuổi, mẹ cháu bỏ đi hẳn. Tôi cất công đi tìm những mong vợ có chút tình thương với các con mà quay về nhưng vợ tôi thẳng thừng từ chối và nói như xát muối “không nuôi được thì bỏ đi cũng được””, đôi mắt hoe đỏ, anh Hiệp lặng nhìn ra sân.
Sau khi ly hôn, anh Hiệp nuôi con gái lớn và con trai út. Vợ anh nhanh chóng đến với người mới, mang theo con gái thứ hai và không ngó ngàng gì đến hai đứa con còn lại.
Không ít lần anh Hiệp cố gắng giấu nước mắt trong câu chuyện gia đình. Anh cúi đầu mệt mỏi, gương mặt gầy gò càng khắc khổ, già hơn tuổi. Ôm đứa con trai nhỏ vào lòng, anh thở dài: Vợ bỏ đi khi con trai mới tám tháng, anh đành đưa các con về nhờ ông bà nội chăm sóc, một mình trụ lại nơi đất khách quê người kiếm tiền. 
Vợ cũ anh sau khi lấy người khác đã đem con vào một ngôi chùa ở quận Gò Vấp (TP.HCM). Xót xa thương con nhưng người cha đành “lực bất tòng tâm” bởi cũng đang phải gồng gánh nuôi hai con. 
“So với chị và em cháu, cháu thứ hai ở chùa còn được chăm sóc tận tình, chu đáo hơn. Các sư thầy ở đó rất tốt bụng. Có thời gian tôi đều đến thăm con, thấy con được yêu thương, tôi bớt lo được phần nào”, anh Hiệp trải lòng.
Con trai út anh Hiệp bị ung thư, ở viện nhiều hơn ở nhà.
 Con trai út anh Hiệp bị ung thư, ở viện nhiều hơn ở nhà.
Con bại não, con ung thư  
Một thời gian sau, đang mải miết đi làm lại đột ngột hay tin con trai bị bệnh, anh vội vã về quê đưa con đi khám với hi vọng sẽ không mắc bệnh giống các chị. Cậu bé không bị bại não, nhưng bị ung thư bạch cầu cấp, chi phí chữa bệnh còn tốn kém nhiều hơn. 
Anh buồn bã kể: “Cháu được 4 tuổi rưỡi thì mắc phải căn bệnh quái ác đó. Thời gian ở viện nhiều hơn ở nhà. Bố mẹ tôi già rồi không thể đưa cháu tới bệnh viện thăm khám, điều trị thường xuyên được và còn bận chăm sóc cho cháu lớn. Cực chẳng đã, tôi đành nghỉ việc về nhà phụ ông bà chăm các con. Kinh tế đã khốn khó nay càng eo hẹp, không biết lấy gì để chữa bệnh cho con. Mỗi tháng tiền điều trị cho các cháu cũng mất mấy triệu”.
Anh Hiệp không nhớ con trai đã phải điều trị bao nhiêu đợt thuốc. Một tuần hoặc vài ngày, hai bố con lại bắt xe bus lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Có những lần con bị sốt cao, anh vừa tìm cách hạ sốt cho con vừa dỗ dành, nước mắt không ngừng chảy. 
“Không đi làm được đồng nghĩa với việc không có tiền chữa bệnh cho con. Có lúc cháu bị bệnh nặng quá, gia đình tôi chỉ biết nhìn cháu mà khóc nức nở. Họ hàng, anh em có giúp đỡ cũng chỉ được phần nào. Điều tôi buồn nhất là từ ngày vợ chồng thôi nhau, mẹ cháu và phía bên nhà ngoại không qua lại thăm hỏi gì bọn trẻ”, anh Hiệp chia sẻ.
Nhìn khắp lượt ngôi nhà cũ nát, không có vật gì đáng giá nhưng từng là tổ ấm một thời của gia đình, anh Hiệp cho biết, ngôi nhà này hiện chủ yếu dùng để “nhốt” cô con gái lớn bại não nay đã 13 tuổi.  
Cô con gái lớn bị bại não, hàng ngày phải “nhốt, treo” ở võng để không phá phách.
 Cô con gái lớn bị bại não, hàng ngày phải “nhốt, treo” ở võng để không phá phách.
Từ khi sinh ra, cô bé đã ngờ nghệch không biết gì. Mọi sinh hoạt hàng ngày đến nay vẫn phải do ông bà nội chăm sóc. Hai ông bà gần 80 tuổi vẫn phải thay nhau chăm cháu. 
Theo anh Hiệp: “Cháu không ý thức được gì, thả ra là quậy phá khắp nơi. Vớ được gì là đập phá hết hoặc lao vào tường để đập đầu. Chuyện bị thương xảy ra như cơm bữa. Mấy năm trước bố mẹ tôi khỏe, còn để ý cháu được. Bây giờ đành cho cháu nằm võng “treo” lên, lúc ăn uống thì “thả” ra. May mắn là cháu bị vậy nhưng không ốm đau gì khác”.Ba bố con anh thuộc diện hộ nghèo tại địa phương. Mỗi tháng, cô con gái lớn được 520 ngàn tiền trợ cấp bệnh tật. 
“Số tiền hỗ trợ trên không đủ tiền thuốc thang mỗi tháng cho các cháu. Tôi cả ngày trông hai đứa con nên không đi làm được, 3 bố con lại trở thành gánh nặng cho ông bà. Bố tôi được hơn 1 triệu tiền lương thương binh nhưng toàn phải dành thuốc thang cho các cháu. Ông bà tuổi cao sức yếu rồi vẫn phải cấy một mẫu ruộng. Tôi mỗi tháng đi làm mộc thuê được 5 – 6 ngày, tiền công mỗi ngày 150 – 200 ngàn, còn lại phải đi con đi viện”, người đàn ông cúi đầu giấu nước mắt.
Anh Hiệp cho biết, nhiều lúc anh thấy buồn tủi cho hoàn cảnh mình, mặc cảm là con trưởng trong nhà nhưng không giúp gì được cho bố mẹ và các em, còn phải dựa vào mọi người. Nhưng tình cảnh bố con anh quá bi đát, bất hạnh cứ cuốn theo mỗi ngày khiến anh dường như bất lực, muốn đi làm, muốn chữa bệnh cho các con, muốn báo hiếu cha mẹ, nhưng thực tế chỉ quẩn quanh trong những chuyến đưa con đi, về viện. 
Trao đổi với phóng viên, một cán bộ xã Văn Hoàng cho biết, hoàn cảnh khó khăn của anh Hiệp ở địa phương ai cũng biết; rất thương, rất muốn giúp đỡ nhưng điều kiện địa phương còn khó khăn nên chỉ có thể hỗ trợ phần nào cho bố con anh, mong các nhà hảo tâm giúp đỡ thêm.
Mọi sự giúp đỡ từ bạn đọc hảo tâm xin gửi về anh Lê Văn Hiệp (thôn Hội, xã Văn Hoàng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội), số điện thoại: 0123.257.7927.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.