Những bí mật ít biết về nơi nhuốm máu chuyện tình bà cố vấn

Dinh II (Dinh Toàn quyền).
Dinh II (Dinh Toàn quyền).
(PLO) - Đến Đà Lạt, du khách có thể bắt gặp Dinh II (Dinh Toàn quyền), tọa lạc ở đường Trần Hưng Đạo, trên một quả đồi thoai thoải rợp bóng thông xanh biếc. Tuy nhiên, ít ai biết rằng ngôi dinh là chứng nhân lịch sử của biết bao biến cố chính trị và chuyện tình nhuốm máu của “bà cố vấn” Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Trần Lệ Xuân…
Nguồn gốc Dinh II
Dinh II được khởi công xây dựng vào năm 1933 theo chỉ đạo của Toàn quyền Đông Dương nhằm làm nơi nghỉ dưỡng và làm việc của Toàn quyền trong mỗi dịp xuân, hè. Đến năm 1937 công trình tráng lệ này mới hoàn thành, nên được người dân địa phương gọi là Dinh Toàn quyền. 
Đây là công trình độc đáo do các kiến trúc sư người Pháp A. Léonard, P. Veyssere và A.T. Kruze thiết kế. Tòa dinh thự được kiến trúc theo lối cổ điển kếp hợp với hiện đại, nằm trên quả đồi cao 1.539m so với mặt biển, có đường hầm bí mật để các chính khách có thể thoát thân ra ngoài khi chẳng may xảy ra sự cố. 
Lịch sử ghi lại: Năm 1940, nước Pháp bị phát xít Ðức tấn công, chiếm đóng và Chính phủ Pétain thân Ðức ra đời. Toàn quyền Ðông Dương lúc bấy giờ là Catroux  phải bỏ trốn lên Ðà Lạt và nương thân tại ngôi dinh này trong một thời gian dài trước khi lánh nạn sang Thái Lan, Miến Ðiện, vì Catroux thuộc phe De Goulle chống Ðức nên bị cách chức. Sau đó, Catroux trở về Pháp để gia nhập vào phe chống phát xít. 
Cũng vào năm ấy, J. Decoux được Pétain cử sang thay cho Catroux (1940 -1945) lại gặp lúc Nhật đảo chính Pháp nên cũng không thoát khỏi số phận cay đắng của một viên Toàn quyền bù nhìn. Ðể lẩn tránh nỗi tủi hờn trong những ngày chua xót ấy, Decoux đã đưa vợ và hai đứa con gái nhỏ lên Ðà Lạt cư trú tại tòa lâu đài này, lấy cảnh thiên nhiên thơ mộng để làm bạn tri âm, nhưng rồi cũng bị Nhật bắt sau ngày Pháp bị sụp đổ. 
Bước vào tòa lâu đài, điều khiến người ta chú ý đầu tiên là tấm bình phong có từ thời Tự Ðức, bên trên có khắc 22 bài thơ bằng chữ Hán. Một số người am hiểu cho rằng: Sau khi xây dựng xong dinh, Bảo Ðại đã cho chuyển tấm bình phong từ Thành Nội vào đây làm quà tặng nhằm làm đẹp lòng Toàn quyền Decoux nhân ngày khánh thành. 
Một số người khác thì lại bảo: Trong thời gian nắm quyền và lưu trú tại đây, Ngô Ðình Nhu đã cho lấy tấm bình phong từ triều đình Huế đem vào làm vật trang trí để thể hiện vương quyền của ngài cố vấn Tổng thống. 
Tuy nhiên điều khiến chúng tôi quan tâm hơn cả vẫn là nội dung và nghệ thuật tuyệt vời của những bài thơ Ðường luật được viết trên tấm bình phong ấy. Trong đó có 18 bài thơ của Tự Ðức và 4 bài thơ của các tác giả nổi tiếng khác như: Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương. Bên cạnh đó là bức họa “Tráng sĩ mài gươm” gợi nhớ một sự kiện bi hùng của tráng sĩ Ðặng Dung thời nhà Trần, làm cho tướng giặc phài kính cẩn nghiêng mình. 
Bức phù điêu “Nàng chinh phu” khắc họa hình ảnh người thiếu phụ, nổi bật phía trước là con chiến mã xa mờ thể hiện cái thần của nữ sĩ Ðoàn Thị Ðiểm trong tác phẩm “Chinh phụ ngâm” - tiếng kêu ai oán của người phụ nữ, của tình yêu đôi lứa trong thời buổi chiến tranh, ly loạn. 
Tấm phù điêu “Cha con Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi” kẻ bất khuất chịu gông cùm nhìn thẳng vào kẻ thù; người ung dung ngồi viết Bình Ngô Ðại Cáo, một lòng, một dạ sắt son, xả thân vì nước. 
Tấm bình phong có từ thời Tự Đức.
Tấm bình phong có từ thời Tự Đức. 
Chính tại nơi đây đã chứng kiến một sự kiện quan trọng có liên quan đến vận mệnh đất nước Việt Nam: Hội nghị trù bị Ðà Lạt chuẩn bị cho Hội nghị Fontainebleau (Paris) diễn ra từ ngày 19 đến 20/04/1946. Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lúc bấy giờ do Nguyễn Tường Tam và Đại tướng Võ Nguyên Giáp dẫn đầu.
Phái đoàn Pháp do Cao ủy Ðông Dương D’Argenlieu lãnh đạo đã có cuộc gặp mặt đầu tiên tại ngôi dinh này và sau đó hai bên tiến hành đàm phán tại Trường Lycée Yersin (nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt). Cuối cùng, Hội nghị trù bị Đà Lạt tan vỡ bởi tham vọng cướp nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, đẩy cả hai dân tộc Việt – Pháp vào cảnh bi thương.
Năm 1958, lâu đài tráng lệ này lại rơi vào tay vợ chồng cố vấn Ngô Ðình Nhu - Trần Lệ Xuân. Chính tại nơi đây cũng đã diễn ra không ít cuộc bàn  mưu định kế và những cuộc tình trăng hoa đẫm máu của Trần Lệ Xuân.
Nhiều người hãy còn nhớ trước khi xảy ra biến cố đảo chính 1/11/1963 anh em Diệm - Nhu đã tiến hành một kế hoạch thanh toán những tướng lĩnh không chịu phục tùng và phụng sự cho chính sách gia đình trị của Ngô Tổng thống. 
Sau đó, các tướng Nguyễn Chánh Thi, Dương Văn Ðông, Nguyễn Triệu Hồng, Nguyễn Văn Lộc... bất mãn đã kéo quân về vây hãm Dinh Ðộc Lập lần thứ nhất. Trong những giờ phút “ngàn cân treo sợi tóc” đó, Tổng thống Ngô Ðình Diệm đã gọi điện hỏi ý kiến quân sư Ngô Ðình Nhu. Từ Dinh II, Nhu đã phác thảo ra kế hoạch “hoãn binh” theo kiểu  Hồ Tôn Hiến: “Tạm thời đầu hàng”  để rồi 35 tiếng đồng hồ sau trở tay tắm máu, khiến cho 3 viên tướng và 10 viên sĩ quan của chế độ Sài Gòn kẻ thì “chết đứng giữa trời trơ trơ”, người thì “bỏ của chạy lấy người”, bay sang Campuchia tạm thời lánh nạn! 
Cuộc ngoại tình của “bà cố vấn”
Căn phòng của phu nhân Toàn quyền Ðông Dương, sau năm 1958 đã trở thành phòng riêng của “bà cố vấn” Trần Lệ Xuân. Năm 1962, biết Cố vấn Ngô Đình Nhu phải lo tập trung đối phó với các tướng tá nhằm bảo vệ quyền bính cho dòng họ thì Lệ Xuân đã bí mật bay lên Ðà Lạt sau khi gọi điện cho người tình là Trung tướng Trần Văn Ðôn. Sau khi nhận điện, từ Sài Gòn, Tướng Ðôn cấp tốc phóng xe lên theo. 
Một cuộc trăng hoa ngây ngất đã xảy ra tại nơi này. Trong lúc cả hai đang quấn chặt lấy nhau và chìm đắm trong lạc thú ái ân thì bỗng cánh cửa phòng bị đạp tung. Một người đàn bà đẫy đà là vợ của Tướng Đôn bước vào. 
Tiếng súng nổ. Lệ Xuân gục xuống, máu loang thấm đỏ cả drap giường. May mà viên đạn chỉ mới ghim vào bả vai trái. Tướng Ðôn vội vùng dậy can ngăn, người đàn bà nọ mới chịu quay ra xe hơi cùng với một trung đội lính rằn ri chạy một mạch về Sài Gòn. 
Phòng ngủ của phu nhân Toàn quyền Đông Dương
Phòng ngủ của phu nhân Toàn quyền Đông Dương 
Sau vụ “xì căng đan” đó, để tránh lời đàm tiếu “độc mồm độc miệng” của thiên hạ, Ngô Ðình Nhu đã phải cắn răng thu xếp cho Lệ Xuân đáp máy bay sang Manila (Philippines) để mổ vết thương, gắp đạn ra và coi như không có chuyện gì. 
Có lẽ chính vì sự vị tha ấy của Ngô Đình Nhu và những kỷ niệm mặn nồng với Lệ Xuân nên khi xảy ra “đảo chánh” thực sự vào năm 1963, những đứa con nhỏ của Lệ Xuân là: Ngô Ðình Trác, Ngô Ðình Quỳnh, Ngô Thị Lệ Quyên, sau mấy ngày chạy trốn ở Ðà Lạt bị bắt và bị áp giải về Sài Gòn, chính Tướng Ðôn đã đứng ra bảo lãnh cả 3 đứa trẻ và tìm cách đưa sang La Mã cho ông Ngô Ðình Thục. Ba ngày sau, Lệ Xuân cùng với con gái lớn là Lệ Thủy bay từ Mỹ sang Ý, cả gia đình họ gặp nhau trong nước mắt nơi đất khách quê người. 
Năm 1964, Tướng Nguyễn Khánh lên nắm quyền Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa đã độc chiếm Dinh II làm tổng hành dinh. Từ ngày về đây, Nguyễn Khánh đã ra sức tu bổ, cho xây thêm các đường hầm bí mật đến tận sườn đồi theo hướng Ðông Nam và Tây Bắc để “dĩ đào vi thượng sách” khi chẳng may xảy ra đảo chính. 
Bước xuống cầu thang, qua khỏi khu nhà bếp nằm dưới lòng đất, băng qua hầm chứa rượu là có thể bước chân vào miệng đường hầm bí mật cao chừng 1,5m, rộng hơn 1m, tất cả đều được xây bằng bê tông cốt thép và có nhiều ngóc ngách. 
Cụ Nguyễn Đức Hòa – người hầu cận thân tín của mấy đời “nguyên thủ quốc gia” kể với tôi: Năm 1968, cũng chính tại ngôi dinh này đã xảy ra sự kiện quân giải phóng bất thần tấn công vào “tổng hành dinh”, đánh sập dãy nhà liên binh phòng vệ phía trước và làm chủ dinh 2 ngày 1 đêm rồi mới rút lui. Sau năm 1975, nhiều đường hầm bí mật ở Dinh Toàn quyền Decoux  bị sập, nhân viên ở đây phải dùng đất đá lấp lại. 
Ngày nay, nếu đi dạo và quan sát triền đồi ở phía Ðông Nam, Tây Bắc, du khách có thể nhìn thấy nhiều dấu vết của đường hầm bí mật. Sau năm 1975, Dinh II được giao về cho Ban Tài chính Tỉnh ủy Lâm Đồng quản lý và cho thuê, sau đó trở thành Nhà khách của UBND tỉnh Lâm Đồng.
Hôm nay, đến thăm Dinh II, du khách không chỉ cảm thấy rung động trước một công trình kiến trúc tráng lệ, cổ kính và xinh đẹp của “thành phố hoa” mà còn có dịp hồi tưởng lại những sự kiện lịch sử khó quên và chuyện tình nhuốm máu của “bà cố vấn” Trần Lệ Xuân tại ngôi dinh này đã lùi vào dĩ vãng. Rất tiếc, đến nay đường hầm bí mật và quá khứ của ngôi dinh chưa được khôi phục lại để đưa vào khai thác du lịch, nhằm tạo thêm sản phẩm độc đáo cho TP. Đà Lạt ngàn hoa./

Đọc thêm

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”
(PLVN) - “Lật mặt 7: Một điều ước” của Lý Hải dù chưa ra rạp song đã nhận sự quan tâm khi quy tụ dàn diễn viên bậc nhất trong cả series, lên đến 50 người. Trong phần phim mới, có nhiều “bóng hồng” xinh đẹp, tài năng cùng góp mặt.

Nam tài tử đời đầu của màn ảnh Việt

Ông ghi dấu bằng vẻ ngoài đẹp trai, tài năng diễn xuất. (Nguồn: Cô Hai Kim Cương)
(PLVN) - Trước những năm 1975, La Thoại Tân cùng với Trần Quang, Lê Quỳnh, Hùng Cường, được mệnh danh là những nam diễn viên điện ảnh tài năng, phong độ nhất của mảnh đất Sài Gòn phồn hoa. Mười sáu năm sau khi La Thoại Tân mất (13/3/2008), người hâm mộ vẫn chưa bao giờ quên chàng nghệ sĩ lịch lãm, với những vai diễn để đời.

Gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu

Sinh viên hào hứng với chương trình Sân khấu học đường. (Nguồn: NVH Sinh viên TP Hồ Chí Minh)
(PLVN) - Nhiều năm qua, không ít nhóm nghệ sĩ tâm huyết đã cố gắng đưa các vở diễn có giá trị nhân văn đến học đường biểu diễn cho các em học sinh. Những nỗ lực này nhằm giúp lan tỏa tinh thần yêu sân khấu đến với thế hệ trẻ, gìn giữ một bộ môn nghệ thuật di sản, đồng thời gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu.

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà"

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà" (ảnh trong phim).
(PLVN) - Trong “Người một nhà”, nghệ sĩ Vân Dung vào vai người mẹ vừa lạ vừa dị. Người mẹ này đã bỏ hai anh em Tuệ để chạy theo cuộc sống riêng và đó cũng là một phần lý do tạo nên tính cách, hoàn cảnh và những xung đột trong cuộc sống của họ.