46 nhãn hiệu không sử dụng?
Về thông tin ở Việt Nam Sumatra được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 67 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu 2 loại thuốc lá này từ năm 1990, trong văn bản phát đi mới đây, ông Trần Sơn Châu, Tổng Giám đốc Vinataba cho biết: Ngày 4, 11 và 24/12/2015, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành 46 thông báo cho phía Vinataba biết việc Sumatra đã gia hạn trả lời nhưng sau đó không bổ sung bất cứ tài liệu nào liên quan tới việc hủy bỏ/đình chỉ hiệu lực 46 nhãn hiệu theo các đăng ký.
“Như vậy, đối với 46 nhãn hiệu này, Sumatra đã không bác bỏ được lập luận của chúng tôi liên quan tới việc Sumatra đã không sử dụng các nhãn hiệu này trong vòng 5 năm trở lại đây, hoặc họ đã nộp và đăng ký các nhãn hiệu nêu trên một cách không trung thực. Ngày 25 và 29/12/2015, chúng tôi đã nộp 46 công văn tới Cục Sở hữu trí tuệ liên quan tới các nhãn hiệu nêu trên để đề nghị Cục đình chỉ, hủy bỏ hiệu lực các nhãn hiệu này”- ông Châu cho hay.
Riêng đối với 21 nhãn hiệu còn lại, Sumatra đã nộp công văn phúc đáp, trong đó có nêu 2 lập luận chính là họ có liên kết với các doanh nghiệp trong nước trong việc hợp đồng tiêu thụ sản phẩm JET và HERO ở Việt Nam, các sản phẩm được bày bán tại các siêu thị miễn thuế, được nhập khẩu hợp pháp vào trong nước tại Cửa khẩu Mộc Bài.
Phía Vinataba cho rằng, các bằng chứng sử dụng để lập luận từ đại diện pháp lý của Sumatra (ngày 30/10/2015) không đủ để chứng minh việc “sử dụng thực sự” các nhãn hiệu JET và HERO tại Việt Nam do các tài liệu này chỉ là bản photocopy, không được công chứng; không có bằng chứng cho việc các bức ảnh được Sumatra nộp đã được chụp tại cửa hàng miễn thuế tại sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài tại thời điểm nêu tại các bức ảnh đó. Thậm chí, thiếu thông tin liên quan tới mối quan hệ hay hợp đồng giữa Sumatra với các công ty được nêu tại Phiếu đặt hàng, Hóa đơn hàng không và Tờ khai Hải quan được Sumatra nộp.
“Có nhiều khả năng Sumatra đang thực hiện việc bán một số lượng nhỏ sản phẩm qua các cửa hàng miễn thuế để từ đó duy trì quyền nhãn hiệu, tiếp tay cho việc sản phẩm JET và HERO được buôn lậu vào Việt Nam?
Chúng tôi nhận thấy cần tiến hành các kiểm tra cụ thể về việc bán sản phẩm thuốc lá tại cửa hàng miễn thuế tại sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài và Cửa khẩu Mộc Bài để xác minh hành vi buôn bán sản phẩm này của Sumatra; đồng thời cần có thêm bằng chứng mạnh mẽ hơn về sự liên quan của Sumatra tới hoạt động buôn lậu thuốc lá JET và HERO tại Việt Nam”- Tổng Giám đốc Châu cho biết.
Nhiều bộ, ngành lên tiếng
Cục Sở hữu trí tuệ hiện chưa đưa ra quyết định cuối cùng là có ủng hộ Vinataba trong việc giải quyết các đề nghị hủy bỏ, đình chỉ hiệu lực nhãn hiệu JET và HERO của Sumatra hay không, nhưng sự việc có thể sẽ đi đến một vụ khởi kiện tại tòa án quốc tế liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ trong kinh doanh thương mại. Vì thế, việc Vinataba đăng ký nhãn hiệu thuốc lá JET và HERO thu hút được sự quan tâm của dư luận cũng nhận được nhiều ý kiến của bộ, ngành.
Liên quan tới sự việc, Bộ Công Thương cho biết, tình hình buôn lậu thuốc lá qua biên giới Tây Nam đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp. Các đối tượng buôn lậu sử dụng nhiều phương thức và thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh nhằm tìm mọi cách đưa thuốc lá lậu vào thị trường Việt Nam để tiêu thụ với hai nhãn hiệu thuốc lá chính là JET và HERO của Công ty Sumatra.
Do Sumatra đã thực hiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thuốc lá JET và HERO nhưng không thực hiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong khi sản phẩm mang nhãn hiệu được bảo hộ lại được buôn lậu vào Việt Nam với số lượng lớn, gây tác hại nghiêm trọng tới sản xuất và sức khỏe của người tiêu dùng trong nước, đồng thời gây khó khăn cho hoạt động phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả của cơ quan chức năng, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ để xem xét việc tuân thủ pháp luật của Sumatra.
Phía Bộ Ngoại giao cho rằng, việc ngăn chặn hàng hóa nhập lậu, hàng chất lượng thấp vào Việt Nam là cần thiết nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế của quốc gia và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam. Do đó, Bộ Ngoại giao ủng hộ việc các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam triển khai các biện pháp phù hợp với luật pháp Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia nhằm ngăn chặn những hàng hóa trên nhập bất hợp pháp vào Việt Nam.
“Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp 1967 và Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs) thì việc Vinataba yêu cầu đình chỉ/hủy bỏ 2 nhãn hiệu thuốc lá JET và HERO của Công ty Sumatra và đăng ký 2 nhãn hiệu trên tại Việt Nam là phù hợp và có căn cứ, nếu Vinataba đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo hộ đối với nhãn hiệu theo quy định của pháp luật Việt Nam”- công văn của Bộ Ngoại giao nêu quan điểm.
“Có nhiều khả năng Sumatra đang thực hiện việc bán một số lượng nhỏ sản phẩm qua các cửa hàng miễn thuế để từ đó duy trì quyền nhãn hiệu, tiếp tay cho việc sản phẩm JET và HERO được buôn lậu vào Việt Nam”- ông Trần Sơn Châu, Tổng giám đốc Vinataba nghi ngờ.