Nhưng quan niệm như thế là đã nhầm, bởi với Phật giáo, nguyên nhân của mọi khủng hoảng đều có gốc rễ từ lòng tham dục của con người và hậu quả của nó đã đưa nhân loại chìm sâu trong thế giới chiến tranh, nghèo đói, trộm cắp, bão lụt, thiên tai… Chính vì thế, cách đây hơn chục năm, “Phật giáo và sự khủng hoảng toàn cầu” đã là chủ đề Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc 2009.
Lòng nhân hóa giải khủng hoảng
Tại Vesak 2009, trong cái nhìn Phật học, các đại biểu tham dự cho rằng những vấn nạn hiện nay đều khởi sinh từ một nguyên nhân chính: Đó lòng tham quá độ, thiếu lòng bác ái và vị tha của con người.
Lý do cho lập luận trên có thể được hiểu như sau: Khủng hoảng niềm tin bởi vì phần lớn con người thời nay có khuynh hướng nặng về vật chất, hưởng thụ, mất lòng tin vào đời sống tâm linh, tôn giáo, không tin đạo lý nhân quả; Khủng hoảng đạo đức bởi lẽ ý tưởng thực dụng đang ăn mòn những giá trị nhân văn, cơn khát thỏa mãn cảm xúc đang đốt cháy những giá trị văn hóa tinh thần; Khủng hoảng môi trường vì thế giới thiên nhiên bị lạm dụng, khai thác một cách không thương tiếc để phục vụ cho cơn đói dục vọng, cảm xúc của con người; Khủng hoảng tài chính bởi lẽ lòng tham đang biến con người trở thành nô lệ cho khát ái của chính mình; cụ thể tham nhũng, hối lộ, móc ngoặt, biến chất, bất chấp hậu quả đều là hệ quả của lòng tham vô đáy này. Phần lớn con người thời nay đang bị đắm chìm trong ý niệm “sở hữu thay vì hiện hữu”.
Như thế, nguyên nhân của mọi khủng hoảng hiện nay rõ ràng đều có gốc rễ từ lòng tham dục của con người và hậu quả của nó đã đưa nhân loại chìm sâu trong thế giới chiến tranh, nghèo đói, trộm cắp, bão lụt, thiên tai…
Theo quan điểm Phật giáo, ái dục hay lòng tham của con người bao gồm trong ba loại: Dục ái (kàmmatanhà) là lòng đam mê, sự thèm khát nhục dục - động cơ chính đưa đến việc con người tàn sát mọi loài sinh vật, khai thác quá độ thế giới tự nhiên để thỏa mãn cơn đói cảm xúc mà hệ quả là thiên tai, hạn hán, bão lũ, sóng thần… mà cả thế giới đang phải đối mặt; hữu ái (bhavatanhà) là thèm khát sự hiện hữu, sống lâu, sự trở thành, sự nổi tiếng, nó là nguồn gốc của mọi hình thức đấu tranh, chiến tranh để giành địa vị, danh vọng, của cải vật chất, tín đồ, giết người, trộm cướp, tàn hại lẫn nhau… đều là sản phẩm của loại dục vọng này và cuối cùng là vô hữu ái (vibhavatanhà) là chán ghét sự hiện hữu, chán ghét cuộc sống, thèm khát sự tự hủy diệt.
Rõ ràng, ba loại khát ái này đã tạo nên một thế giới đầy khổ đau và biến động như hiện nay. Vì vậy, theo Phật giáo, nếu muốn có cuộc sống an bình, hạnh phúc thật sự thì con người cần phải làm chủ dục vọng hạn chế lòng dục, kiềm chế lòng dục và cuối cùng phải đoạn trừ lòng dục.
Cũng trong Vesak 2009, những phẩm chất cần thiết để chuyển hóa vấn nạn cũng được đề cập tới. Theo đó, dù rằng những người theo trường phái hưởng thụ, thực dụng chắn hẳn kết luận rằng giáo lý của Phật giáo (con người cần phải làm chủ, kiềm chế, đoạn trừ lòng dục) là con đường đưa đến sự đoạn diệt sự sống.
Dùng tâm phật đối diện với khủng hoảng. |
Tất nhiên, Phật giáo không thể nào và không bao giờ là tôn giáo đoạn diệt sự sống. Trái lại, trên 26 thế kỷ tồn tại và phát triển của mình, giáo lý Phật giáo đang trở thành lý tưởng sống tốt đẹp cho con người trên khắp hành tinh này vì chắc chắn rằng không có một nền văn hóa, văn minh nào trên thế giới này lại ca ngợi hay đồng thuận với những ý nghĩ, cử chỉ, hành động đưa đến tội lỗi, làm tổn thương đến cuộc sống của tự thân và người khác.
Chắc chắn rằng không có dân tộc, tôn giáo nào lại khuyến khích, cổ vũ người ta nuôi dưỡng lòng kiêu hãnh, tham lam, những tư tưởng tội lỗi, vô minh, vốn là gốc rễ tạo nên mọi hình thái khổ đau trên thế gian.
Thực tập bức thông điệp khoan dung, thiện cảm và nhân bản đến với mọi người
Ở một góc độ khác, tại Việt Nam hiện nay, hiện tượng khủng hoảng nghi lễ đang diễn ra ngày một nhiều. Không khó để chứng kiến, việc đánh nhau đến sứt đầu, mẻ trán để tranh cướp lộc tại các lễ hội hay cảnh móc mắt, móc mũi để tranh giành lộc ở Lễ hội chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) hay giẫm đạp lên nhau để cướp lộc ở hội đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội)…
Trước thực trạng này, trả lời báo chí, GS. Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho rằng không ít lễ hội ở Việt Nam đã bị biến tướng bởi thói ích kỷ, cá nhân của người dân. Theo GS. Ngô Đức Thịnh, trước đây đi lễ hội, người cướp được lộc hay không đều vui vẻ.
Còn bây giờ thì khác, ai cũng phải giành bằng được lộc về phần mình. Thậm chí còn có tình trạng đi cửa sau, lợi dụng việc thân quen để lấy bằng được lộc thánh. Điều này thể hiện sự bất chấp mọi thủ đoạn kể cả ở chốn tâm linh để đạt bằng được mục đích của mình. Thời nào cũng có tình trạng mê tín di đoan. Nhưng hiện điều đáng lo lại là số lượng người trẻ, người có học thức đặt niềm tin vào tâm linh khá nhiều.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, GS. Ngô Đức Thịnh cho rằng, có thể nói rằng hiện một bộ phận người dân đang bị mất niềm tin vào cuộc sống và thiếu bản lĩnh. Khi bị chèn ép, họ tìm cách “nương tựa” vào chốn tâm linh, có những hành động mê tín mù quáng.
Có thể thấy thông qua vụ sư thầy ném lộc cho người dân dẫn đến tranh cướp nhau thì đối với một số người, khi niềm tin trong họ bị khủng hoảng, họ xem lộc chùa là một cái gì đó có thể bảo vệ họ khỏi bệnh tật, tăng thêm tiền bạc… Khi sự ích kỷ, cá nhân trỗi dậy, họ tranh nhau cướp bằng được lộc sư thầy ném ra nên mới xảy ra hình ảnh xấu.
Quay lại với câu chuyện của Phật giáo, trong giáo lý nhà Phật không bao giờ khuyến khích, cổ vũ người ta nuôi dưỡng lòng kiêu hãnh, tham lam, những tư tưởng tội lỗi, vô minh, vốn là gốc rễ tạo nên mọi hình thái khổ đau trên thế gian.
Bởi thế nên thông điệp gửi cho cộng đồng Phật giáo nhân ngày lễ Phật Đản Liên Hợp quốc 2018 đã có đoạn viết: “…Thế giới quan Phật giáo dạy chúng ta nhìn thấy rõ được chính mình như một phần quan trọng của thế giới, không phải làm chủ nhân của nó. Đạo Phật nhấn mạnh tinh thần khoan dung bất bạo động, giữ vững lập trường mạnh mẽ kêu gọi hòa bình.
Từ việc kêu gọi hòa bình, thay đổi khí hậu đến việc nhân quyền, chúng ta biết rõ những lời Phật dạy có liên quan thiết thực đến công việc của Liên Hợp quốc ngày nay. Bây giờ hơn bao giờ hết, tất cả chúng ta và các cộng đồng Phật giáo trên thế giới mỗi ngày phải thực tập bức thông điệp khoan dung, thiện cảm và nhân bản đến với mọi người”.