Kết nối quá khứ - tương lai
Theo ông Võ Ngọc An - Phó viện trưởng Viện Lịch sử dòng họ, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, hình thái dòng họ của dân tộc Việt vừa là một tập tục, vừa là một sắc thái văn hoá tốt đẹp đã xuất hiện từ lâu, phổ biến, quảng đại, bao dung và thiêng liêng. Từng gia đình, từng dòng họ đều có những quy tắc riêng, thống nhất với một loại hành xử giống nhau.
Dòng họ nào cũng có từ đường, trên cùng thờ quốc tổ, nhiều dòng họ thờ chung một vị anh hùng dân tộc như Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Bác Hồ… Trong dòng họ, trước hết lo xây dựng dòng họ văn hoá, lo thờ cúng tổ tiên, lo việc họ, tu than tề gia, gia phong, lễ giáo, gia quy…
Như thế có thể thấy, nếu gia đình là nền tảng của xã hội thì dòng họ - một sự bao quát rộng hơn gia đình, chính là một thành phần quan trọng không thể thiếu để cấu tạo nên một xã hội bất kì. Sự hưng thịnh hay suy vong của dòng họ liên quan mật thiết đến sự phát triển của xã hội.
Thời xưa có câu “một người làm quan cả họ được nhờ”, không phải nói đến khía cạnh tiêu cực mà chính là ý nói đến việc phát huy truyền thống hiếu học, đỗ đạt trong mỗi dòng họ. Mỗi dòng họ đều có cách thức riêng để vun đắp tài năng, và những người thành danh, đỗ đạt khiến cả dòng họ “nở mày nở mặt”, trở thành tấm gương cho con cháu trong dòng họ.
Văn hoá dòng họ của người Việt là một điều hết sức đẹp đẽ, cao cả được duy trì qua bao thế hệ. Nhà nước ta nhận ra vai trò lớn lao của dòng họ với sự phát triển bền vững của xã hội, đã có những chính sách nhằm phát huy giá trị truyền thống của các dòng họ.
Tủ sách dòng họ |
Những điều “đặc biệt” của các dòng họ
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh - Đại học Quốc gia Hà Nội, xu thế toàn cầu hoá và nền kinh tế thị trường hiện nay đã tạo dựng cho thế hệ trẻ nhiều giá trị quan trọng để bước vào nền kinh tế thị trường. Đó là sự nhạy bén, tiếp thu cái mới, có đầu óc sáng tạo dám nghĩ, dám làm.
Tuy nhiên, đáng lo ngại là một bộ phận giới trẻ có xu hướng thờ ơ với truyền thống của cha ông. Trong bối cảnh như vậy, sự phục hưng dòng họ với việc phát huy các giá trị văn hoá của dòng họ để giáo dục truyền thống hướng về cội nguồn là điều rất cần thiết.
Có thể thấy, ngày nay nhiều dòng họ Việt Nam đã phục hồi được “sức mạnh dòng họ” bằng việc phát huy các truyền thống tốt đẹp, tổ chức dòng họ một cách chặt chẽ và vững mạnh bất kể khoảng cách địa lý. Bằng các ban liên lạc dòng họ, đã có nhiều hoạt động ý nghĩa đã được tổ chức như: hoạt động gây quỹ khuyến học, hoạt động quyên góp giúp đỡ người nghèo trong dòng họ, hay các ngày hội dòng họ để quy tụ người trong họ từ các nơi về.
Ở mỗi dòng họ đều có những người thành đạt, nổi trội, có thể là doanh nhân, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, lãnh đạo… Đây chính là niềm tự hào của dòng họ, là tấm gương của con cháu. Và nhiều người đã trở thành các “Mạnh thường quân” cho các hoạt động tạo nên những giá trị tốt đẹp của dòng họ mình.
Ngay tại TP.HCM, có những ngày hội của một số dòng họ tổ chức rất bài bản và thực tế, là nơi để người trong họ gặp gỡ nhau, bất kể vị trí xã hội, là nơi những người xa xứ hướng về cội nguồn, và là nơi để những người giàu có, hảo tâm trong dòng họ chia sẻ vật chất với những người cần giúp đỡ.
Từ nhiều nơi trên thế giới, có những doanh nhân gốc Việt thành đạt bỏ tiền tỉ để gây quỹ cho những em học sinh trong họ có điều kiện ăn học… Bên cạnh đó, nhiều dòng họ có những quy luật “bất thành văn” như đã cùng họ thì gặp nhau coi như anh em, giúp đỡ nhau hết mình…