Lộn xộn từ ao nhỏ đến hồ lớn
Vào buổi tối, quanh hồ Văn Quán (quận Hà Đông), nơi có nhiều sinh viên trọ học lại trở nên lộn xộn vì hàng quán lấn chiếm, kinh doanh. Một số quán cà-phê cũng không chỉ chiếm dụng vỉa hè ở phía quán, mà còn chiếm vỉa hè phía hồ để làm nơi trông xe, kê bàn uống cà-phê.
Tại phố Đại Từ, khu vực ao Sen làng Đại Từ, phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai), cảnh bán hàng lộn xộn diễn ra từ sáng sớm tới tối khuya. Thậm chí các quán này còn đổ đồ thừa xuống ao Sen, khiến nước hồ ô nhiễm, mùi bốc lên nồng nặc.
Bà Hoàng Thị Lư, người dân trong khu vực cho biết: “Những lần họp tổ dân phố chúng tôi đều có kiến nghị, nhưng do đây là khu vực liền kề chợ, lại có những quán chè, ốc luộc - món mà giới trẻ rất thích. Bởi thế, nhiều lúc quán xá và chợ cùng họp nên rất nhếch nhác”. Khi liên hệ với cán bộ phường Đại Kim về tình hình kinh doanh lộn xộn trong khu vực, chúng tôi được chỉ lên gặp Xí nghiệp thoát nước số 3 (trực thuộc Công Ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội).
Lãnh đạo Xí nghiệp thoát nước số 3, cho biết, tại ao Sen làng Đại Từ, anh nhân viên cũng đã nhắc nhở bà con, nhưng người dân là người làng, họ vẫn cứ kinh doanh, điều này nên có sự phối hợp của lực lượng chức năng phường Đại Kim. Rõ ràng đã có sự đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
Quán bia hơi vây bủa Ao Sen |
Ngược lên phường Phương Liệt (quận Thanh Xuân), hồ Rùa hiện cũng bị ba quán bia lấn chiếm. Thời điểm từ 15 giờ nhân viên của các quán bia Dực Béo, Hà Nội Xanh đã mang bàn ghế ra kê luôn cả xuống lối đi dưới ven hồ. Từ 15h30 hàng ngày lượng khách vào các nhà hàng tấp nập, các nhà hàng tại đây đã không những chiếm dụng phần vỉa hè phía trên hồ, mà phần đường dành cho người đi bộ phía dưới cũng bị chiếm dụng.
Được biết, hồ Rùa hay còn gọi là hồ Phương Liệt 1 nằm trong Khu dân cư số 7, bên đường Nguyễn Lân. Nơi đây từng là “điểm nóng” về vi phạm trật tự xây dựng, đổ trộm phế thải gây ô nhiễm. Không ít hộ dân chung quanh lấn chiếm xây công trình nhà ở, sinh hoạt. Năm 2012, UBND TP Hà Nội đã đầu tư cải tạo, chỉnh trang lại khu vực hồ, làm đường dạo xung quanh bên dưới.
Việc giải tỏa, đền bù, vận động nhân dân đã phải mất rất nhiều thời gian và tiền của của nhà nước. “Dù đường trên ven hồ vẫn chưa được mở thông, như thế cũng đã tạo cảnh quan tuyệt vời cho khu vực. Nhưng lại bị ba quán bia lấn chiếm, cứ như cái gai trong mắt”, ông Nguyễn Hữu Tuấn, người dân trong khu vực, bức xúc.
Trao đổi với chúng tôi, bà Đỗ Hồng Trang, cán bộ đô thị phường Phương Liệt, cho biết riêng năm 2019 các cơ quan chức năng của phường đã tổ chứ năm đợt ra quân, và đều xử phạt các hộ kinh doanh lấn chiếm, mỗi lần 2,5 triệu đồng/hộ. Hằng tháng lực lượng công an phường đều tổ chức kiểm tra, xử lý và thu bàn ghế của những hộ vi phạm.
Tuy nhiên ý thức của người kinh doanh kém, họ chỉ chấp hành được hai ngày rồi đâu lại vào đấy”. Ghi nhận phản ánh của phóng viên, ông Nguyễn Hữu Phúc, Phó chủ tịch UBND phường Phương Liệt cho biết, thời gian tới sẽ tích cực tuyên truyền, xử lý vi phạm.
Hành vi không thể chấp nhận
Theo khảo sát của chúng tôi, các hồ sau khi đã được cải tạo sạch đẹp, có đường dành cho người đi bộ, thể dục như hồ Ba Mẫu, hồ Đống Đa, hồ Xã Đàn (quận Đống Đa), hồ Đầm Tròn (quận Ba Đình), ao Cần, hồ Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng), hồ Linh Đàm (quận Hoàng Mai), thậm chí là ven hồ Tây - viên ngọc của Hà Nội cũng bị lấn chiếm, làm chỗ bán trà đá, bán hàng ăn…
GS Phạm Ngọc Đăng, Phó chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết, ao hồ trên địa bàn Hà Nội là tài sản chung, có giá trị văn hóa, cảnh quan đô thị. Mọi hành vi lấn chiếm để làm nơi kinh doanh, buôn bán, gây ô nhiễm môi trường là điều không thể chấp nhận được và đáng bị lên án.
Đồng quan điểm ấy, PGS,TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Câu lạc bộ hồ Hà Nội, cho biết, tình trạng lấn chiếm không gian ven hồ làm nơi bán hàng rong, kinh doanh buôn bán đang diễn ra tại nhiều hồ trên địa bàn thành phố Hà Nội là hình ảnh xấu, ảnh hưởng mỹ quan đô thị, làm gia tăng ô nhiễm ao, hồ, gây tốn kém về kinh tế để xử lý ô nhiễm. “Các dự án xây dựng đường ven, kè đá ao, hồ để có không gian đẹp rất tốn của hao tiền và khó khăn, vậy nên phải chung tay giữ đẹp không gian chung ấy, không để cả không gian đẹp ấy cho một số người thu lợi hưởng riêng”, PGS,TS Trương Mạnh Tiến nhấn mạnh.
Có một hình ảnh rất nhếch nhác, là vào buổi trưa, quán bia trên phố Hồ Ba Mẫu (thuộc phường Phương Liên) còn kê bàn ra vỉa hè cho khách uống bia, vứt rác bừa bãi. Lãnh đạo UBND phường Phương Liên, cũng như nhiều đơn vị khác cho biết, đã ra quân, nhưng sự chấp hành của người kinh doanh kém?!
So sánh với cách làm của xã Tân Triều (huyện Thanh Trì), là xử lý nghiêm và kiên quyết, triệt để, ngày nào cũng tổ chức lực lượng thì các hộ vi phạm phải nghiêm chỉnh chấp hành. Theo tìm hiểu, hồ Triều Khúc nằm cạnh đình Triều Khúc, đền Sắc và một số di tích của xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) từ trước tháng 12/2019 luôn lộn xộn quán hàng kinh doanh. Nơi đây, người lao động, sinh viên các nơi về trọ đông đúc nên lúc nào cũng ngột ngạt. Ông Đặng Ngọc Quyền, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều, cho biết, trước đây luôn có hiện tượng kinh doanh lấn vào không gian hồ. Kể từ trước Tết Canh Tý, với chủ trương “chính quy hóa” lực lượng công an xã, công an xã Tân Triều đã ra quân quyết liệt, không để tình trạng vi phạm tái diễn.
Thực tế đã có chuyện đùn đẩy trách nhiệm, bao che, thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm và nếu kiên quyết thì sẽ giải quyết hiệu quả hơn. KTS Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội) cho rằng, ba đơn vị là chính quyền cấp phường, ngành xây dựng và ngành tài nguyên môi trường phải chịu trách nhiệm quản lý ao, hồ và buộc phải mạnh tay hơn, không để tái diễn những cảnh nhếch nhác ven hồ.
Thời gian tới, các cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương cần có sự quy hoạch không gian ven hồ thành các khu vực riêng, như khu thể dục, khu hóng mát, khu bán hàng, để hài hòa lợi ích. Đồng thời, nơi nào dùng kinh doanh thì phải tổ chức cho thuê để thu ngân sách nhà nước.