Tiềm năng Thăng Long ngàn năm văn hiến
Trong những năm qua, đi cùng sự phát triển của đất nước, Thủ đô Hà Nội đã bộc lộ tiềm năng và các ưu thế lớn trong thu hút du lịch. Là Thủ đô của cả nước, Hà Nội có thế mạnh về sự phát triển về kinh tế, xã hội hàng đầu, được đánh giá là một trong những điểm mua sắm hấp dẫn với hàng loạt trung tâm thương mại sầm uất và các khu phố cổ mua bán nhộn nhịp, đủ sức phục vụ nhu cầu của du khách. Hà Nội còn là trung tâm tiếp nhận và phân phối khách du lịch đến các vùng du lịch phía Bắc và các vùng, miền khác trên lãnh thổ Việt Nam cũng như tới các nước trong khu vực, với hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông phát triển vượt bậc.
Quan trọng hơn, Hà Nội sở hữu nhiều tiềm năng và lợi thế khi hội đủ yếu tố tự nhiên và nhân văn, tạo cho thành phố này một sức hút rất riêng mà không nơi nào có được.
Về mặt tự nhiên, Hà Nội với hệ thống hồ dày đặc, tạo cho thành phố một vẻ đẹp thơ mộng hiếm có. Khí hậu bốn mùa rõ rệt cũng là một lợi thế khi mỗi một mùa trôi qua lại mang theo một điểm nhấn đặc trưng khiến nhiều du khách say mê. Ngay trong nội ô, giữa Hà Nội đông đúc, ồn ã vẫn có những khoảng lặng rất đẹp đến từ các cánh đồng hoa, những đồng bằng bạt ngàn lúa chín ở Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa... kéo dài ra đến ngoại thành Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Mê Linh... tạo nên cho mảnh đất Thủ đô sự đa dạng và đặc sắc về cảnh quan.
Không chỉ thế, ưu thế nổi bật của Hà Nội chính là sở hữu hệ thống di tích lịch sử, văn hoá lâu đời. Theo công bố của Sở Văn hóa và Thể thao, sau khi thực hiện kiểm kê di tích, đánh giá và phân loại từ năm 2013 - 2016, Hà Nội có 5.922 di tích lịch sử, văn hóa. Về hệ thống nghề và làng nghề, Hà Nội hiện có 47 nghề/52 nghề truyền thống của cả nước; 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 305 làng nghề và làng nghề truyền thống thuộc 23 quận, huyện và thị xã… đã được công nhận.
Nhưng nếu nói đến một trong những điều làm nên bản sắc du lịch của Thủ đô, có lẽ cần nói đến đời sống văn hóa cư dân bản địa. Bản thân cốt cách người Hà Nội, lối sống chậm rãi, chứa đựng chiều sâu nét đẹp văn hóa truyền thống Việt chính là điểm quyến rũ mọi du khách phương xa. Hà Nội có hệ thống các món ăn truyền thống phong phú có từ lâu đời, đã làm nên bản sắc ẩm thực Hà thành. Những món ăn như phở, gỏi cuốn, chả cá Lã Vọng, kem Tràng Tiền... không chỉ vang danh trong nước mà còn làm say lòng bao du khách quốc tế, có mặt trên nhiều bảng xếp hạng ẩm thực của thế giới.
Những năm gần đây, Hà Nội nhiều lần xuất hiện trên các tạp chí du lịch uy tín hàng đầu thế giới như Travel and Leisure (Mỹ), Smart Travel Asia (HKG). Năm 2019, Hà Nội liên tục được các tổ chức du lịch, các trang thông tin du lịch uy tín trên thế giới bình chọn là điểm đến ấn tượng. Hà Nội cũng được chọn là một trong 19 ứng cử viên hạng mục “Điểm đến thành phố hàng đầu thế giới 2019” để bình chọn tại giải thưởng World Travel Awards - giải thưởng có uy tín nhất của tổ chức du lịch thế giới.
Trong 7 tháng đầu năm 2022, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 10,62 triệu lượt khách, tăng 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 425,9 nghìn lượt khách, khách du lịch nội địa ước đạt 10,2 triệu lượt khách, tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 31,9 nghìn tỷ đồng.
Thời gian tới, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 sẽ đón và phục vụ trên 30 triệu lượt khách, trong đó có trên 7 triệu lượt khách quốc tế. Thời điểm khó khăn do dịch bệnh đã đi qua, với những tiềm lực sẵn có, việc Hà Nội đạt được chỉ tiêu nói trên về du lịch có lẽ là “trong tầm tay”.
Mong mỏi du lịch Thủ đô “cất cánh”
Có thể nhận thấy, trong nhiều năm trở lại đây, Hà Nội đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách quốc tế và nhất là trong nước. Đặc biệt là đối với du khách miền Nam, cụ thể là TP HCM.
Theo một khảo sát nho nhỏ về du lịch thực hiện đầu năm 2022 do một công ty du lịch tổ chức, trên 100 người ở độ tuổi từ 20 - 40 được khảo sát tại TP HCM, đã có hơn 40 người “từng đến Hà Nội để du lịch” và tổng cộng hơn 70 người từng đến Hà Nội với nhiều lý do khác nhau. 90% trong số đó bày tỏ niềm yêu thích đối với cảnh sắc, nét đẹp văn hóa, ẩm thực Hà Nội. Hơn 80% số người được hỏi cho biết sẽ quay trở lại.
Cạnh đó, khảo sát cũng đưa ra một số ý kiến đóng góp của người được hỏi về du lịch Thủ đô, như nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ, giảm bớt tình trạng “nói thách” về giá ở một số nơi, hay giảm bớt tình trạng “taxi dù”. Trong khi đó, đa số người được khảo sát đều bày tỏ sự thích thú với nhịp sống phố cổ, sự ấn tượng với ẩm thực Hà Nội, các thắng cảnh đẹp như hồ Gươm, hồ Tây và các điểm đến mang dấu ấn lịch sử như: Lăng Hồ Chủ tịch, Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long...
Những xe chở hoa dọc phố, một trong những “đặc sản” nếp sống Hà Nội. |
Chị Lê Hải Nhung, hướng dẫn viên du lịch tự do tại TP HCM cũng cho biết, trong những năm gần đây, nhu cầu đi du lịch Hà Nội tăng mạnh. Nếu như khoảng 5 - 7 năm về trước, Hà Nội chưa hẳn là điểm đến quá hấp dẫn với du khách miền Nam nói riêng và TP HCM nói chung. Nói đến phía Bắc, người ta nghĩ ngay đến các điểm đình đám như Hạ Long, Sa Pa, Tràng An...
Tuy nhiên, những năm gần đây, người dân TP HCM bắt đầu bày tỏ sự quan tâm, yêu thích đối với Thủ đô. Chị Nhung cho biết, có nhiều lý do cho sự thay đổi này. Thứ nhất, nhiều bài thơ, bài hát, tác phẩm hội họa về vẻ đẹp Hà Nội đã góp phần tác động đến nhận thức, gợi nên sự tò mò của người dân phương Nam. Cạnh đó, trong những năm qua, Hà Nội cũng đã có những thay đổi tích cực về mặt tư duy du lịch, cách làm du lịch, phương thức phục vụ du lịch...
Những di tích lịch sử được quảng bá rộng rãi thông qua nhiều cách thức, các món ăn ngon Hà Nội cũng được biết đến ở tầm quốc tế, cộng với việc lực lượng travel blogger liên tục có những video clip đẹp, lý thú về du lịch Hà Nội cũng góp phần “kéo” giới trẻ đến với Hà Nội. Hà Nội thậm chí còn là một “trend” du lịch của người trẻ muốn tìm đến những không gian đẹp, sâu sắc, thâm trầm.
Quả thực, hiếm có thành phố nào có sức “gây nghiện” với người trẻ như Hà Nội. Có không ít bạn trẻ làm trong lĩnh vực nghệ thuật đã chọn Hà Nội làm đề tài, cảm hứng cho sáng tác của mình. Đó là những họa sĩ mà hàng năm đều bay ra Hà Nội đã bắt được những khoảnh khắc khác nhau của mỗi mùa. Có những MV tuyệt đẹp của nghệ sĩ miền Nam thực hiện tại Hà Nội, góp phần không nhỏ cho việc quảng bá du lịch Thủ đô.
An Mia, một Travel Blogger sinh năm 1999, chuyên về du lịch trong nước chia sẻ: “Mình cũng là một “fan” của Hà Nội đây. Sinh ra trong TP HCM, chỉ biết đến Hà Nội qua các bài hát của Hà Anh Tuấn, Đinh Mạnh Ninh, Trịnh Minh Hiền. Những “Hà Nội trà đá vỉa hè”, “Gọi tôi Hà Nội”, “Nồng nàn Hà Nội”... đã vẽ lên trong tâm trí mình một Hà Nội trẻ trung nhưng rất sâu sắc và rất thơ. Cho đến khi mình vác vali đặt chân đến Hà Nội vào tháng 10/2019 thì “phải lòng” thật sự.
Từ đó đến nay, ngoài trừ năm ngoái dịch bùng phát, còn lại mỗi năm mình đến Hà Nội 1 - 3 lần, đi vào các mùa khác nhau, khám phá mọi ngóc ngách của Hà Nội. Hà Nội với mình sâu lắm, khám phá mãi mà chưa hết. Năm nay mình đã đặt vé và trong tuần sau sẽ lại tiếp tục bay ra. Qua từng năm, từng năm mình lại thấy Hà Nội thay đổi nhiều hơn. Sự cổ kính vẫn giữ nguyên vẹn bên cạnh nếp hiện đại. Đường phố sạch hơn, người dân làm dịch vụ chuyên nghiệp hơn và nhiều món ngon xuất hiện hơn...”.
Những người yêu Hà Nội luôn kì vọng mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến giữ được vẹn nguyên nét đẹp cổ truyền, lối sống chậm rãi mà thanh lịch. Nhưng khách phương xa yêu Hà Nội cũng mong mỏi ở sức bật của một Hà Nội tươi trẻ, đầy sức sống và nhiều tiềm năng. Kì vọng rằng, với những gì đang có và đang nỗ lực vươn tới, du lịch Hà Nội trong những ngày tháng dài rộng sau này sẽ “cất cánh” vút cao.