Khi người trẻ được hiệu triệu
Tháng 8/2009, Thành đoàn đã phát động phong trào “Tôi yêu Hà Nội” với ba nội dung: Xây dựng nét đẹp trong văn hóa ứng xử, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Thăng Long - Hà Nội; chung tay xây dựng Thủ đô xanh - sạch - đẹp; tham gia bảo đảm an toàn giao thông, xung kích giữ gìn văn minh đô thị. Từ sức hút, tác dụng to lớn của phong trào này, Thành đoàn Hà Nội đã tiếp tục duy trì, mỗi năm lại chọn những chủ đề thích hợp để phù hợp với nhiệm vụ chính trị. Chẳng hạn: Hà Nội xanh, Hà Nội văn minh, Hà Nội văn hiến.
Cùng với sự ra đời của đội hình “Camera 360 trẻ”, phong trào còn nhiều hoạt động khác như thanh niên tham gia giữ gìn trật tự, giao thông; bóc xóa biển quảng cáo, rao vặt; giữ gìn vệ sinh các tuyến phố. Nổi bật trong số đó là xây dựng tuyến phố “hai không”: không rác, không quảng cáo sai quy định. Theo đó, những hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường của người dân… sẽ bị đội hình “Camera 360 trẻ” chụp, quay lại để nhắc nhở, hoặc gửi cho cơ quan chức năng xử lý.
Ra quân đầu năm 2017, chương trình đội hình “Camera 360 trẻ” đã ghi lại hàng chục nghìn hình ảnh hoạt động của các bạn trẻ giúp đỡ người già khi tham gia giao thông, thanh niên hiến máu tình nguyện, hay những trường hợp một số người đổ rác ra nơi công cộng, vi phạm trật tự an toàn giao thông... Những hình ảnh đó được tuyên truyền trên các kênh thông tin khác nhau, trong đó có mạng xã hội, góp phần tuyên truyền những nét văn hóa ứng xử đẹp trong cộng đồng và phê phán những hành vi chưa đẹp trong ứng xử. Ống kính của các bạn trẻ tập trung vào bốn lĩnh vực chính: Trật tự văn minh đô thị; vệ sinh môi trường; vệ sinh, an toàn thực phẩm; quy tắc ứng xử nơi công cộng.
Thời gian qua, với chủ đề “Chung tay vì một Hà Nội xanh”, gần 450 đoàn viên, thanh niên huyện Thanh Trì đã tổ chức ra quân, triển khai nhiều công trình, phần việc thiết thực, như: Dọn dẹp vệ sinh, tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh -sạch - đẹp; xóa các “điểm đen” chân rác; vẽ tranh tường bích họa; bóc, xóa biển quảng cáo, rao vặt; trồng và chăm sóc cây xanh, đường hoa, vườn hoa thanh niên; làm đẹp các nghĩa trang, khu di tích; hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; cắm biển cảnh báo nguy hiểm đuối nước...
Theo đó, tổ chức đoàn các cấp trong thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và tổ chức nhiều hoạt động cho đoàn viên, hội viên, thanh, thiếu nhi Thủ đô và các tầng lớp nhân dân cùng tham gia xây dựng Hà Nội sáng - xanh -sạch - đẹp. Trong đó tập trung vào việc tham gia trồng mới, chăm sóc, bảo vệ cây xanh; chung tay bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, bão lũ, dịch bệnh thông qua việc triển khai các mô hình, công trình, phần việc thanh niên tiêu biểu. Trong 5 năm qua, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố tiến hành trồng mới gần 328.000 cây xanh; xây dựng gần 600 công trình “Con đường bích họa/tranh tường bích họa” từ nguồn kinh phí xã hội hóa hơn 6 tỷ đồng; hơn 200 công trình “Hàng cây thanh niên” từ nguồn xã hội hóa gần 5,3 tỷ đồng; trang trí làm đẹp hơn 1.000 tủ điện.
Cùng với đó, các phong trào cũng phát huy được thế mạnh của đoàn viên, thanh niên, có tính hiệu triệu thanh niên tham gia tích cực và góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, tạo nhiều dấu ấn tốt đẹp trong xã hội. Đơn cử như đã sửa chữa, xây dựng mới và nâng cấp 691 nhà vệ sinh thân thiện; sửa chữa, xây dựng mới 250 nhà nhân ái, nhà khăn quàng đỏ; sửa chữa, xây dựng mới 466 sân chơi thiếu nhi…
Với nội dung Hà Nội văn minh, các tổ chức đoàn triển khai đồng bộ công tác tuyên truyền, giải pháp ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn, hành vi bạo lực, tôn vinh các giá trị truyền thống của dân tộc; tập trung xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; các hoạt động tuyên truyền về lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội, lan tỏa văn hóa người Hà Nội; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội; tuyên truyền, triển khai quy tắc ứng xử, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong thanh, thiếu nhi Thủ đô.
Tự hào với Thủ đô nghìn năm văn hiến, trong 5 năm qua, các tổ chức đoàn triển khai nhiều mô hình, hoạt động đa dạng, thiết thực nhằm gìn giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử của Thủ đô; nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho thanh, thiếu nhi; tổ chức các hoạt động đẩy mạnh, trau dồi kiến thức lịch sử, lòng yêu nước. Nêu cao lòng tự hào, tự tôn, yêu chuộng hòa bình, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của các thế hệ đã hy sinh vì độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc. Bên cạnh đó, sáng tạo, xây dựng và hoàn thiện những giá trị văn hóa mới, thực hiện số hóa các địa chỉ đỏ..., góp phần tuyên truyền sâu rộng trong đoàn viên, thanh niên về những truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô Hà Nội, đưa hình ảnh của Hà Nội đến với bạn bè quốc tế.
Và mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống”
Sân chơi công cộng là một trong những sản phẩm mà mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống” đã triển khai cùng với nhóm Think Playgrounds - Nghĩ về sân chơi trong thành phố. Và người đứng sau những thành công ấy là anh Lê Quang Bình, Chủ tịch Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG).
Lê Quang Bình lớn lên ở Thái Nguyên. Anh gắn bó với Hà Nội từ khi đặt chân đến đây học tập. Trong hơn 20 năm sinh sống ở Thủ đô, anh chứng kiến nhiều đổi thay. Mặt tích cực khá nhiều, nhưng mặt trái cũng không ít. Ðó là tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí, là sự thu hẹp những không gian xanh như công viên, hồ nước...
Anh Lê Quang Bình trong sự kiện khánh thành sân chơi tại tổ 16, phường Phúc Tân quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. |
Anh nhận thấy Hà Nội đáng mến, đáng yêu, nhưng sẽ thật sự đáng sống nếu giữ được và có thêm những không gian công cộng. “Chúng ta ai cũng tiếc nuối một không gian công cộng nào đó bị lấn chiếm. Tuy nhiên, chúng ta đưa ra giải pháp, hành động cụ thể để giữ lấy những không gian công cộng quý giá ấy. Vấn đề này lớn, từng cá nhân riêng lẻ không tự làm được, mà phải kết nối cộng đồng. Do đó, năm 2018, chúng tôi lập nên mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống”, anh Lê Quang Bình chia sẻ.
Đơn cử, dự án Photovoice với người lao động di cư chia sẻ về cách tiếp cận giúp người nhập cư, bán hàng rong, lao động phổ thông kể về quan hệ của họ với Hà Nội. Dự án Cải tạo bãi rác thành sân chơi tổ 16, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm kể về việc xây dựng tính sở hữu của cộng đồng với không gian công cộng. Còn dự án Cải tạo cảnh quan và trồng cây xanh tại bờ sông Hồng chia sẻ về cách tạo dựng một nền tảng để các bên như: Nhà nước, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội chung tay vì mục đích chung.
Chia sẻ về Mạng lưới, anh Lê Quang Bình cho biết: “Một khác biệt nữa mà chúng tôi cũng muốn theo đuổi đó là đối thoại giữa các bên liên quan, cụ thể là chính quyền, người dân và doanh nghiệp trong việc bảo vệ và mở rộng các không gian công cộng cho Hà Nội.
Qua vụ cháy Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, chúng tôi mong muốn UBND thành phố Hà Nội rà soát lại các nhà máy cần phải di dời ra khỏi khu dân cư và thay thế vào đó là các không gian công cộng cho người dân. Chúng tôi tin rằng, khi có đối thoại cởi mở, minh bạch và người dân đồng lòng lên tiếng thì chính quyền sẽ lắng nghe để có những quyết sách hợp lý cho cả doanh nghiệp lẫn nhu cầu người dân để từ đó tạo ra sự phát triển bền vững cho thành phố.
Điều đáng mừng là đã có hàng trăm nghìn người xem những clip về không gian công cộng Hà Nội, hàng nghìn người tham gia triển lãm và đã có những người đầu tiên liên hệ với chúng tôi vì họ muốn đóng góp cho “Vì một Hà Nội đáng sống”.
Giống như Henri Lefebvre khẳng định: “Thành phố là một tuyệt tác tập thể” - nghĩa là thành phố không của riêng ai nên mọi người đều có quyền cũng như trách nhiệm dựng xây thành phố phát triển vì một cuộc sống vị nhân sinh. Tôi nghĩ, trong xã hội có rất nhiều người yêu Hà Nội, đau đáu vì Hà Nội. Nhưng nếu chỉ một cá nhân hay một nhóm hành động thì họ sẽ cảm thấy cô đơn, lẻ loi nên khi cùng tụ họp, khi mọi người tìm được thấy nhau chắc chắn mỗi việc làm sẽ đạt được hiệu quả cao hơn và khả thi hơn.
Chúng tôi vẫn hay hỏi khi đi xa khỏi Hà Nội mọi người nhớ nhất điều gì? Đa số các câu trả lời đều gắn liền với không gian công cộng, cụ thể là cuộc sống ở trong các không gian công cộng. Vậy nên, một thành phố phát triển không thể chỉ là những chung cư cao tầng mà còn phải là những không gian công cộng. Đây là lý do mà chúng tôi mong muốn kết nối mọi người yêu Hà Nội cùng chung tay xây một Hà Nội đáng sống, một Hà Nội có nhiều không gian công cộng cho tất cả mọi người”, anh Lê Quang Bình bày tỏ…