Hà Nội hiện thực hóa sáng kiến
Thành lập vào năm 2004, mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO với sự tham gia của 180 thành phố thuộc 72 quốc gia trên thế giới được khởi xướng nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố được vinh danh. Với tôn chỉ hướng tới thúc đẩy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững.
Cho đến nay, mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đã lên tới 246 thành phố, riêng tại khu vực Đông Nam Á có hơn 10 thành phố sáng tạo. Trong đó Thủ đô Hà Nội vinh dự được trở thành thành viên vào tháng 10/2019. Đây là sự kiện được kỳ vọng sẽ tạo động lực để các thành phố khác của Việt Nam phấn đấu nhằm hình thành mạng lưới thành phố sáng tạo của Việt Nam nằm trong hệ thống của UNESCO.
Hiện có 7 lĩnh vực sáng tạo được xác định để UNESCO xét ghi danh, tham gia mạng lưới, bao gồm: thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông đa phương tiện và âm nhạc. Thế mạnh ở nhiều mảng sáng tạo đa dạng nhưng Hà Nội vẫn quyết định lựa chọn lĩnh vực thiết kế làm điều kiện ứng cử. Như vậy, với trọng tâm lấy sáng tạo làm gốc, đặc biệt là sáng tạo từ góc độ thiết kế vào trung tâm chiến lược và chính sách phát triển bền vững, qua đó Hà Nội sẽ thể hiện được đa dạng tiềm năng, thế mạnh của mình trong phát huy sức sáng tạo.
Để hiện thực hóa sáng kiến mạng lưới các thành phố sáng tạo, từ nay đến năm 2025, Hà Nội sẽ triển khai nhiều chương trình, nội dung thực hiện các sáng kiến với mục đích đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt các nội dung liên quan nhằm thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của các cấp, ngành, nhân dân Thủ đô và quốc tế đối với các sáng kiến và cam kết của Hà Nội khi gia nhập mạng lưới. Theo đó, Hà Nội sẽ thực hiện 3 sáng kiến ở cấp độ địa phương gồm: Kiến tạo trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội, xây dựng và hỗ trợ các không gian sáng tạo tại Hà Nội, sản xuất chương trình truyền hình tài năng sáng tạo.
Trong đó, với nội dung “Kiến tạo trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội”, thành phố đặt ra mục tiêu, xây dựng đề án trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội từ năm 2022 - 2023, nhằm ươm mầm tài năng trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, hỗ trợ các dự án tiềm năng và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Ở nội dung sản xuất chương trình truyền hình “Tài năng sáng tạo Hà Nội” sẽ phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Hà Nội sản xuất các chương trình xoay quanh chủ đề thiết kế và sáng tạo nhằm thúc đẩy văn hóa sáng tạo cho toàn bộ công dân Thủ đô.
Ngoài ra, Hà Nội cũng thực hiện 3 sáng kiến ở cấp độ quốc tế gồm: Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội, diễn đàn mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO ở khu vực Đông Nam Á, mạng lưới nhà thiết kế sáng tạo trẻ. Về Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội, thành phố xác định đây là sự kiện thường niên, quy tụ chuỗi sự kiện, hoạt động chuyên đề, chương trình tôn vinh, giao lưu văn hóa nêu bật những đổi mới trong thiết kế sáng tạo ở Thủ đô cũng như các tỉnh, thành phố trong nước và toàn cầu… Còn với nhiệm vụ hình thành mạng lưới nhà thiết kế sáng tạo trẻ là sự phối hợp của các Sở, Thành đoàn,… với các đơn vị tổ chức liên quan ở cả trong nước và quốc tế thực hiện dự án “Huy động nguồn lực văn hóa và sự tham gia của giới trẻ đưa Hà Nội trở thành Kinh đô sáng tạo”.
Hà Nội cũng xác định được nhiệm vụ cốt lõi của mình với vai trò là thành viên mạng lưới thành phố sáng tạo gồm: Thành lập ban điều phối thành phố sáng tạo của Hà Nội; tham dự các hội nghị, diễn đàn mạng lưới trong khu vực Đông Nam Á, châu Á và toàn cầu theo các chương trình của UNESCO; xây dựng báo cáo giám sát tư cách thành viên theo yêu cầu của UNESCO theo nhiệm kỳ cũng như đẩy mạnh truyền thông và nâng cao nhận thức về mạng lưới các thành phố sáng tạo, các sáng kiến và mục tiêu hướng tới của Hà Nội xây dựng thành phố sáng tạo dựa trên nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa để phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, phù hợp với các mục tiêu, chương trình của UNESCO.
Chuyển mình để hội nhập
Tròn 3 năm tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO, Hà Nội đang “chuyển mình” để hội nhập với nền sáng tạo thế giới cũng như thể hiện rõ vị thế của mình qua từng bước triển khai các giải pháp, đổi mới. Vào tháng 02/2022, Thành ủy Hà Nội xem xét, thông qua Nghị quyết về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, 42 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Được biết, Hà Nội là địa phương đầu tiên ban hành nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa.
Để phát huy, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, thời gian qua Hà Nội đã đẩy mạnh triển khai xây dựng nhiều công trình, dự án đổi mới sáng tạo, góp phần hình thành kết cấu hạ tầng hiện đại, phát triển các không gian sáng tạo. Theo thống kê, Hà Nội hiện là nơi tập trung nhiều nhất các khu không gian sáng tạo trên cả nước với hơn 200 địa điểm.
Với lợi thế bề dày lịch sử nghìn năm văn hiến, Hà Nội đã vận dụng tốt lợi thế quan trọng này cho sự phát triển, đặc biệt là gia tăng nguồn lực văn hóa từ đó phát huy được giá trị văn hóa đặc sắc và tinh tuý của Thủ đô. Đơn cử như từng khu vực, địa điểm sẽ được điều chỉnh phù hợp để kết nối không gian sáng tạo với các địa danh văn hóa gần đó. Tiêu biểu và nổi tiếng cả trong và ngoài nước có thể nhắc đến như không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân, phố đi bộ Trịnh Công Sơn, không gian bích họa Phùng Hưng, dự án Tinh hoa làng nghề Việt Nam, không gian kiến trúc văn hóa Bảo tàng Hà Nội...
Bên cạnh duy trì bản sắc truyền thống, những năm gần đây Hà Nội đang trở thành “vườn ươm” sáng tạo, thu hút các tài năng trên khắp đất nước, nhất là các bạn trẻ đến và trổ tài. Trong năm 2021, cuộc thi “Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội” đã nhận được rất nhiều sự quan tâm hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của những người yêu Hà Nội với 93 phương án dự thi từ các cá nhân, tổ chức trong nước, quốc tế. Hay Tuần lễ “Khơi nguồn sáng tạo 2021” cũng đã góp phần nâng cao nhận thức, gắn kết cộng đồng, từng bước hiện thực hóa xây dựng các không gian, cộng đồng sáng tạo.
Riêng trong năm 2022, thành phố triển khai nhiều hoạt động sáng tạo ở cả cấp độ địa phương và quốc tế, bao gồm Tuần lễ “Thiết kế sáng tạo 2022”, Hội thảo quốc tế “Xây dựng trung tâm thiết kế sáng tạo - Kinh nghiệm từ các thành phố sáng tạo của UNESCO trong khu vực”; Cuộc thi thiết kế nghệ thuật công cộng Hà Nội; Cuộc thi “Hà Nội sáng tạo”,...
Nổi bật trong đó, cuộc thi “Hà Nội sáng tạo” do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp phát động đã thu hút, khơi dậy tiềm năng sáng tạo của giới trẻ Thủ đô. Cuộc thi nhằm tìm kiếm các ý tưởng mới, độc đáo trong kiến tạo các không gian, thiết kế sản phẩm sáng tạo cho Hà Nội trên cơ sở khai thác lợi thế của công nghiệp hiện đại, nguồn lực con người và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử để tạo nên những không gian sáng tạo lôi cuốn sự tham gia của cộng đồng. Bên cạnh cuộc thi “Hà Nội sáng tạo”, Tuần lễ “Thiết kế sáng tạo 2022” được tổ chức vào tháng 11 tới đây cũng nhận được sự mong chờ của đội ngũ nghệ sĩ trẻ.
Hành trình Hà Nội gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO không chỉ khiến người dân và thành phố tự hào, cộng đồng sáng tạo phấn khởi mà còn mang lại diện mạo sáng tạo mới cho Thủ đô. Hy vọng trong tương lai gần, Hà Nội sẽ tiến tới mục tiêu trở thành “Kinh đô sáng tạo” của khu vực Đông Nam Á, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những “điểm sáng” văn hóa của khu vực và thế giới.