Giải pháp mới
Trong các ngày diễn ra hội chợ (18 - 21/11), tại gian hàng Chuyển đổi số, Tổng cục Du lịch giới thiệu ứng dụng "Du lịch Việt Nam an toàn" tới đông đảo người tham quan. Ứng dụng do Tổng cục Du lịch ra mắt vào tháng 10, cho phép người dùng được kiểm tra mức độ an toàn tại điểm sắp đến, xem bản đồ số để biết mức độ cảnh báo an toàn, lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ (nhà hàng, khách sạn, điểm vui chơi...) và cập nhật thông tin hữu ích khác.
Sau khi trải nghiệm, người dùng còn có thể tương tác, đánh giá chất lượng cũng như tính an toàn của điểm đến đó. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có những biện pháp, giải pháp để tăng cường, đảm bảo tuân thủ quy định về an toàn theo tiêu chí đã được ban hành.
Ở bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số là một hướng đi cơ bản để nhanh chóng chuyển du lịch thành một ngành kinh tế số và góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển trở lại trong những năm tới. Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng khẳng định, chuyển đổi số sẽ thay đổi bản chất của ngành du lịch. Đây là xu hướng tất yếu giúp phục hồi những thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra cho nền du lịch.
Trên thực tế, chuyển đổi số trong du lịch đã được triển khai từ lâu. Chẳng hạn, trước đó, Tổng cục Du lịch đã hợp tác cùng Vntrip.vn-hệ thống website và ứng dụng đặt phòng khách sạn lớn nhất Việt Nam phát triển “Ứng dụng công nghệ ảnh 360 độ” trong du lịch.
Đây là dự án số hóa dữ liệu du lịch bằng hình ảnh thông qua xây dựng một cổng thông tin trực tuyến chính thống vừa quảng bá, truyền thông và xúc tiến du lịch Việt Nam bằng hình ảnh vừa tích hợp các dịch vụ thông minh trên nhiều thiết bị khác nhau như màn hình cảm ứng, điện thoại, máy tính, máy tính bảng.
Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số được xem là giải pháp phát huy được thế mạnh của du lịch Việt Nam cũng như mở ra cơ hội sâu rộng cho các doanh nghiệp du lịch tìm hướng đi mới sau đại dịch.
Theo đó, 5 giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành du lịch tại Việt Nam được đưa ra là: đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số cho marketing du lịch; quản lý điểm đến du lịch một cách thông minh; xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu big data phải lớn để sử dụng chung; kêu gọi các doanh nghiệp cùng phát động, hưởng ứng; lan tỏa công nghệ số đến với mọi cấp mọi ngành, để ai cũng có thể sử dụng, nhằm hỗ trợ phát triển du lịch Việt Nam.
Một ví dụ khác là các doanh nghiệp ngày càng ưu ái sử dụng ki-ốt cảm ứng tự phục vụ nhiều hơn nhằm giảm thiểu chi phí vận hành hệ thống và gia tăng doanh thu. Có thể thấy những ki-ốt cảm ứng tự phục vụ tại các bệnh viện giúp khách thay thế khai báo y tế, thanh toán không tiền mặt, tự đăng ký khám bệnh, chọn bác sĩ…
Hay tại các cơ quan hành chính công, các ki-ốt giúp người dân và du khách tra cứu thông tin, đăng ký tư vấn, lấy số thứ tự, đánh giá sự hài lòng. Tại các cửa hàng bán lẻ cũng có ki-ốt để khách hàng nhận thông tin khuyến mãi, đặt hàng và thanh toán ngay. Hoặc tại một số nhà hàng, khách có thể tự order, chọn món qua ki-ốt cảm ứng.
Theo đó, một số khách sạn lớn cũng bắt đầu chuyển sang ki-ốt cảm ứng giúp khách tự đặt phòng, nhận chìa khóa và quẹt thẻ thanh toán.
Các ứng dụng phổ biến khác bao gồm công nghệ di động, thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo, thương mại điện tử (booking online, khuyến mãi…). Nhiều địa phương đã từng bước đưa các công nghệ này vào hoạt động du lịch, cho phép du khách mua vé tham quan, thanh toán dịch vụ từ xa, sử dụng hệ thống thuyết minh tự động, khám phá di sản bằng công nghệ 3D.
Còn nhiều thách thức
Dễ dàng nhận thấy lợi ích từ việc chuyển đổi số là tạo ra một tiềm lực lớn cho tất cả các ngành, lĩnh vực, du lịch cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Trên nền tảng công nghệ, các loại hình du lịch tâm linh, du lịch khám phá, du lịch nông thôn, du lịch nghỉ dưỡng… sẽ đều được tăng thêm tiện ích và dễ tiếp cận đến phần đông người dùng, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch. Tuy nhiên, không phải tất cả các công ty và tổ chức đều dễ dàng chấp nhận chuyển đổi số.
Theo ông Ngô Minh Đức - Tổng Giám đốc Gotadi: "Chuyển đổi số là quá trình đắt đỏ, không dễ dàng, cần nhận thức và cả sự bảo hộ của chính phủ. Nền tảng của Việt Nam rất khó so sánh với các nước có nền công nghiệp mạnh nên còn cần tạo cộng đồng liên kết mạnh hỗ trợ lẫn nhau".
Theo đó, để tăng tốc độ và chất lượng chuyển đổi số, các doanh nghiệp du lịch cần có hệ thống số hóa thông tin về du khách, về sản phẩm và dịch vụ; tính toán chi phí, điều hành dựa trên cơ sở phân tích các dữ liệu một cách khoa học để đáp ứng nhu cầu của du khách cả về chất lượng dịch vụ cũng như giá thành sản phẩm.
Tuy nhiên, nhìn nhận chung, các nền tảng số hóa trong du lịch ở Việt Nam hiện nay đang bị thao túng bởi các công ty nước ngoài. Nhiều công ty du lịch trực tuyến của Việt Nam vừa hình thành đã không thể đi tiếp để cạnh tranh. Các sàn giao dịch điện tử về du lịch ở trong nước mới chỉ thực hiện được khoảng 20% số nhu cầu giao dịch.
Nguyên nhân do so với các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã đi sau khoảng 20 năm về kinh nghiệm, tiềm lực tài chính còn hạn chế và yếu hơn về nền tảng công nghệ. Bên cạnh đó, mức độ hiểu biết của từng doanh nghiệp về số hóa cũng không cao và chưa đồng đều. Việc số hóa sẽ dẫn tới tái cấu trúc doanh nghiệp và quy trình kinh doanh, đây là sự thay đổi mà không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng để bước vào “cuộc chơi lớn”.
Mặt khác, yêu cầu đặt ra là khi đã có công nghệ trong tay, các doanh nghiệp du lịch phải tạo được nền tảng kiến thức về chuyển đổi số cho đội ngũ nhân lực, làm thế nào để quản lý và sử dụng một cách hiệu quả nhất, tạo cú huých giúp các doanh nghiệp du lịch Việt Nam có thể tận dụng thế mạnh này để làm chủ trên sân nhà. Văn hóa mới trong tổ chức phải được thiết lập, đảm bảo rằng các nhân viên tin vào tiềm năng chuyển đổi số.
Lực lượng lao động cần được đào tạo và luôn có các cơ hội học tập liên tục để trau dồi kiến thức và kỹ năng cần thiết để tối đa hóa tác động của chuyển đổi số. Những kết quả tiêu cực này chỉ trở nên tồi tệ hơn nếu trong các doanh nghiệp không thể trao đổi và giao tiếp cởi mở. Các nhà lãnh đạo tổ chức cần truyền đạt liên tục, rõ ràng những kỳ vọng về trách nhiệm và nhiệm vụ của nhân viên.
Chuyển đổi số là một “cuộc chơi lớn”, đòi hỏi nhiều hơn cả về tư duy, tầm nhìn và chiến lược của các doanh nghiệp du lịch. Cách để thực hiện chuyển đổi số đó chính là bắt đầu từ các bước nhỏ, với một kế hoạch chiến lược đã được hoạch định rõ ràng. Tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp với khách hàng và doanh nghiệp du lịch với những ngành khác sẽ góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM: “Ngày xưa làm du lịch muốn giới thiệu sao cũng được nhưng bây giờ khó lắm. Chẳng hạn như tôi muốn đi du lịch, tôi sẽ không lên báo hay tới các công ty du lịch để tư vấn mà chắc chắn tôi sẽ vô Google để tìm hiểu tour đó như thế nào, khách sạn chất lượng ra sao, có điểm tham quan nào đẹp….”
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Du lịch Vietravel: “Về ứng dụng công nghệ số vào du lịch thông minh, chúng tôi đã thực hiện từ năm 2007 và gần đây đã tiếp tục thúc đẩy vấn đề này. Đây là một thách thức đối với các công ty lữ hành, công ty du lịch. Tác nghiệp trên điện thoại cũng là toàn bộ hoạt động bán của Vietravel hiện nay”.