Quá nhiều khó khăn bủa vây
Ông Bruce Cameron, du khách người Australia tâm sự: “Trước khi đến Việt Nam, điều làm tôi lo lắng nhất là không biết ở đây có đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng xe lăn hay không. Tôi đã gửi mail để yêu cầu giải đáp nhưng không được hồi âm”. Đó là lời tâm sự của một vị nước ngoài cũng như rất nhiều người khuyết tật (NKT) Việt Nam muốn khám phá mảnh đất chữ S này. “Chúng tôi bị khuyết tật ở chân rất muốn đi du lịch khám phá cảnh quan ở một số tỉnh, thành.
Thông thường, trước mỗi chuyến đi, du khách khuyết tật như chúng tôi quan tâm đến những vấn đề như: có toilet, thang máy, đường dốc hay chỗ ngồi riêng dành cho họ không; có hướng dẫn viên dành cho NKT vận động, khiếm thính, khiếm thị không; có chế độ giảm giá cho NKT không… Và khi đặt tour cho đoàn khoảng 40 người đồng cảnh ngộ với các câu hỏi trên, chúng tôi nhận được những lắc đầu từ chối của các hãng du lịch”- anh Lê Quang (42 tuổi, Hòa Bình, Hà Nội) buồn bã chia sẻ.
Một trong số nguyên nhân mà các hãng du lịch “ngó lơ” những vị khách này đó là cơ sở hạ tầng du lịch chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của NKT. Năm 2001, Tổng cục Du lịch đã có quy định khách sạn từ 4-5 sao phải có phòng, thang máy và thiết bị phù hợp với NKT. Tuy nhiên, vì điều kiện kinh tế eo hẹp nên NKT Việt chỉ ở khách sạn, nhà nghỉ 1-3 sao. Ở đó, phần lớn vẫn là bậc tam cấp mà chưa có đường dốc thoải, không có lối đi riêng cho NKT. Hệ thống đường sá vẫn còn nhiều chỗ chênh lệch lớn về độ cao, các xe buýt, taxi chưa có thang nâng giúp người sử dụng xe lăn lên, xuống dễ dàng. Vì vậy, NKT đến khách sạn, lên xuống xe buýt đều phải nhờ hướng dẫn viên (HDV) bế, dìu, nhiều địa điểm tham quan vẫn thiếu khu vực nhà vệ sinh được thiết kế dành riêng cho họ… Chính NKT cảm thấy ngại làm phiền, e dè không dám đi.
Chủ yếu làm tour vì từ thiện, vì cộng đồng
Nếu như những tour người bình thường, đoàn 30-40 khách chỉ cần 1-2 HDV là đủ nhưng đối với tour dành cho NKT thì cần phải đội ngũ hướng dẫn viên khoảng 10-15 người. Bởi, đối với đoàn khách phải di chuyển trên xe lăn, phải cần nhiều HDV hỗ trợ. Ngoài việc thuyết minh, giới thiệu lịch trình, giới thiệu danh lam thắng cảnh, HDV phải gồng mình nhấc xe giúp khách vượt qua vật cản, HDV này chịu trách nhiệm chăm sóc những người khiếm khuyết về thân thể, HDV kia lại phải biết giao tiếp với những người khiếm khuyết về thính giác... Phục vụ người bình thường đã khó, phục vụ người khuyết tật còn đòi hỏi yêu cầu cao hơn nhiều.
Ông Nguyễn Thanh, đại diện một hãng lữ hành thừa nhận: “Có lần, chúng tôi nhận đoàn khách gồm 6 người nhưng có đến 4 HDV và thêm tài xế phục vụ. Oải lắm! Hiện tại chúng tôi ít triển khai các tour chuyên biệt vì sự khó khăn về nhân lực phục vụ và cơ sở vật chất tại các điểm du lịch. Tuy nhiên, nếu có khách hàng là NKT đăng ký, chúng tôi vẫn nhận tour nhưng phải đi kèm điều kiện phục vụ tour cho NKT. Đó là, phải có người nhà đi trợ giúp, một NKT phải thêm suất một người thân đi kèm, trợ giúp. Nếu đoàn NKT đi tour mà không có người thân đi kèm trợ giúp chúng tôi đành phải từ chối vì không thể có đủ HDV đi theo phục vụ”.
HDV phục vụ NKT rất ít trong khi nhu cầu nhiều khiến chi phí để trả hướng dẫn viên rất cao. Đó là chưa kể, đa phần người khuyết tật Việt Nam lại nghèo nên họ luôn mong muốn được đi tour thấp nhất. Tốn chi phí và tốn công, làm nhiều, lãi ít, hoặc âm vốn nên dễ hiểu khi nhiều hãng lữ hành “ngó lơ”. Hiện nay, có một số hãng lữ hành như Saigontourist, Vietravel, Lửa Việt, Hòa Bình, Vietnam tourism in Hanoi và Vinatour... đã bắt đưa loại hình này vào hoạt động nhưng kết quả chưa mấy khả quan. Nếu thi thoảng có tổ chức tour dành cho NKT, chủ yếu các hãng lữ hành đều làm với mục đích vì cộng đồng, phúc lợi xã hội chứ hiếm có đơn vị lữ hành nào mạnh dạn thiết kế tour dành cho NKT với mục đích kinh doanh.
Có lẽ vì vậy, NKT Việt vẫn coi việc du lịch là quá xa xỉ đối với cuộc sống của họ. Và hàng triệu NKT Việt luôn phải “đứng bên lề” việc thụ hưởng cuộc sống khám phá cảnh quan, nền văn hóa trong và ngoài nước.