Cạnh tranh bằng chính sách visa
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo vào ngày 18/7 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh việc “tiếp tục thúc đẩy đà phục hồi du lịch, nghiên cứu chính sách visa phù hợp để tạo thuận lợi hơn nữa cho du khách”. Bộ Công an được yêu cầu phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao miễn visa cho một số nước, tạo thuận lợi cho phát triển du lịch, góp phần tăng cường sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân.
Thị trường khách quốc tế ngày càng trở nên cạnh tranh hơn khi ngành du lịch của hầu hết các quốc gia đều đã phục hồi hoàn toàn. Thực tế cho thấy, việc cải tiến chính sách visa có thể thu hút nhiều du khách quốc tế, hoặc kích cầu những thị trường du khách mục tiêu, đồng thời nâng cao hình ảnh quốc gia. Chẳng hạn, để thu hút khách Việt Nam, Hàn Quốc đã nhiều lần điều chỉnh chính sách thị thực dành cho du khách Việt nhằm thúc đẩy du lịch và hợp tác giữa hai quốc gia. Ngoài ra, việc ký kết các thỏa thuận visa song phương với các quốc gia có lượng khách du lịch cao cũng tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch Hàn Quốc hưởng lợi từ chiến lược hợp tác sâu rộng, dài hạn với các thị trường gửi khách tiềm năng nhất thế giới. Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan là quốc gia đã áp dụng chính sách visa rất linh hoạt để hút khách nước ngoài. Gần đây, Chính phủ Thái Lan đã tuyên bố mở rộng chương trình miễn thị thực đối với 93 quốc gia để thúc đẩy du lịch, đồng thời cho phép sinh viên có bằng cử nhân trở lên được ở lại nước này trong vòng một năm sau khi tốt nghiệp.
Khi một quốc gia có chính sách visa tốt, báo chí và các phương tiện truyền thông quốc tế thường đưa tin tích cực về quốc gia đó. Những bài viết, tin tức này góp phần quan trọng trong việc xây dựng và nâng cao hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế. Ngay khi Việt Nam ban hành những chính sách mới về thị thực, nhiều tờ báo quốc tế như CNN, Forbes,… đã đăng tải, đưa tin khen ngợi sự thân thiện, cởi mở của đất nước Việt Nam.
Cụ thể, Nghị quyết số 127/NQ-CP ngày 14/8/2023 mở đường cho việc áp dụng visa điện tử (e-visa) cho công dân tất cả các quốc gia trên thế giới. Sự tiện lợi và tiết kiệm thời gian của hệ thống e-visa đã giúp du khách dễ dàng xin visa trực tuyến mà không cần phải đến đại sứ quán hay lãnh sự quán. Đây được xem là một bước đột phá trong việc thúc đẩy quan hệ quốc tế, cho thấy Việt Nam sẵn sàng mở rộng cánh cửa chào đón bất kỳ ai từ bất kỳ đâu trên thế giới bất kể với các mục đích như du lịch, thăm thân, làm việc hoặc thực hiện các hoạt động thương mại. Minh chứng là con số hơn 8,8 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng gần 60% so cùng kỳ năm 2023, theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/6.
Cần chiến lược dài hạn
Việc cập nhật chính sách visa là một bước đi đáng cân nhắc để thúc đẩy du lịch và tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2024. Chính sách visa thuận lợi giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho du khách quốc tế, đồng thời tăng cường trải nghiệm du lịch khi họ có thể ở lại lâu hơn và khám phá nhiều địa điểm hơn. Việc đơn giản hóa thủ tục xin visa và gia hạn visa cũng sẽ giúp du khách có trải nghiệm tốt hơn, với ấn tượng tích cực về Việt Nam. Khi đó, họ có thể trở thành những đại sứ du lịch, giới thiệu và khuyến khích người thân, bạn bè đến Việt Nam. Điều này không chỉ giúp thu hút thêm nhiều du khách mới mà còn nâng cao vị thế và uy tín của quốc gia trên trường quốc tế.
Các điều chỉnh này không chỉ tăng thu nhập cho nền kinh tế mà còn tạo cơ hội việc làm và cải thiện đời sống người dân. Để đạt được những mục tiêu này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và doanh nghiệp du lịch trong việc thực hiện các chính sách visa linh hoạt và hiệu quả. Tuy nhiên, những nỗ lực này không chỉ là biện pháp ngắn hạn mà còn là chiến lược dài hạn, cần sự nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng, để xây dựng một nền kinh tế du lịch bền vững và phát triển. Trong đó, chính sách visa chỉ là một mắt xích, các yếu tố quan trọng khác bao gồm: chiến lược hợp tác quốc tế, chiến dịch quảng bá quốc tế, cơ chế giám sát và quản lý số lượng khách, nâng cao cơ sở hạ tầng, chất lượng nhân lực và sản phẩm du lịch…