Dự án Cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi: Loạt sai phạm từng bị che giấu

Sử dụng chất liệu cấp thấp để vá tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Sử dụng chất liệu cấp thấp để vá tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
(PLO) - Sau loạt sai phạm dẫn đến hư hỏng liên quan đến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, ngày 18/10, Đoàn Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tiến hành thanh tra đột xuất toàn tuyến theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT. 

Tuy nhiên, khác với những gì nội dung công tác thanh tra nêu, ông Đỗ Kim Chung, Chánh Văn phòng Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, đây chỉ là cuộc thanh tra đơn thuần, bình thường trong quá trình đưa Dự án vào sử dụng. Điều này khiến dư luận hoài nghi, liệu những sai phạm có tiếp tục bị che giấu như những gì VEC đã thể hiện thời gian qua và mong muốn Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước cần vào cuộc làm rõ…

Đa phần đơn tố cáo sai phạm trong Dự án là đúng 

Quá trình tìm hiểu Dự án này, PV PLVN có được thông tin, vào cuối năm 2017, VEC nhận loạt đơn thư tố cáo ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Ban quản lý Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, có các hành vi “vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định về quản lý Dự án, vi phạm quy chế tổ chức hoạt động, vi phạm nghiêm trọng tư cách đạo đức của đảng viên…”.

Nội dung đơn tố cáo nêu ông Thành “đã trực tiếp chỉ đạo, phớt lờ trách nhiệm trong công tác quản lý Dự án để nhà thầu vi phạm các quy định về quản lý chất lượng công trình ở các gói thầu A1, A2 (đoạn vay vốn Ngân hàng Thế giới - WB) và gói thầu 4, 5 (vay vốn của JICA, Nhật Bản).

Người tố cáo đề nghị VEC kiểm tra chất lượng lớp base/subbase tại gói thầu A1, A2, A3 (ở Km 77, đoạn Lương Tài bị phân tầng, không đảm bảo thành phần hạt đã bị Đoàn kiểm tra WB phát hiện cuối năm 2017) và gói thầu số 5 (toàn gói sử dụng mỏ đá Hương Mao không đảm bảo chỉ số Los Angeles, không đảm bảo thành phần hạt).

Ngoài ra, đơn tố cáo cũng cho rằng nhà thầu đã không xử lý loại bỏ vật liệu đắp K95 không đảm bảo chất lượng tại gói thầu số 5 (từ Km 41 - Km 42 và các nhánh, trạm dịch vụ thuộc nút giao Hà Lam (Thăng Bình, Quảng Nam)…

Ngày 17/7/2018, VEC đã có kết luận xác minh các nội dung tố cáo một số biểu hiện vi phạm của Giám đốc Ban quản lý Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Theo kết luận của VEC, chất lượng lớp base/subbase tại gói thầu A1, A2, A3 trong quá trình thi công và nghiệm thu đã được nhà thầu khắc phục bằng cách bóc vỏ và được tư vấn giám sát chấp thuận. Do đó, trách nhiệm thuộc về tư vấn giám sát và nhà thầu, công tác đảm bảo chất lượng đã được cụ thể hóa trong các điều kiện hợp đồng giữa VEC và các đơn vị.

Kết luận chỉ ra Ban quản lý Dự án sử dụng vật liệu của mỏ đá Hương Mao tại gói thầu số 5 không đảm bảo chỉ số Los Angeles, không đảm bảo thành phần hạt, không theo mẫu chung của Dự án. Còn việc đắp vật liệu K95 đã được loại bỏ phần không đạt chất lượng và trách nhiệm thuộc về tư vấn giám sát và nhà thầu.

VEC cũng cho biết sau khi đưa vào khai thác (từ ngày 2/8/2017), đoạn tường chắn MSE (gói thầu số 5), xuất hiện nhiều vết nứt bê tông. Ông Nguyễn Tiến Thành đã chỉ đạo nhà thầu đưa máy đục phá tạo rãnh bên phải tuyến và tiến hành khoan cắt, vá víu bê tông nhựa. “Với vai trò Giám đốc Ban quản lý Dự án, ông Thành giấu kín thông tin này”, kết luận nêu.

Điều đáng nói, ông Trần Văn Tám, Tổng Giám đốc VEC xác nhận, đa phần nội dung đơn tố cáo đúng. Tuy nhiên, kết luận sau đó lại không được công khai và trong phần kiểm điểm trách nhiệm, đơn vị này chỉ yêu cầu những tập thể, cá nhân chỉ…. rút kinh nghiệm.

Chưa xong vẫn tiếp tục khai thác

Những ngày qua, thực tế tại Dự án cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi cho thấy, hiện còn 76km hàng rào bảo vệ cao tốc chưa đóng được trên tổng số khoảng 300km. Trong đó, đoạn tuyến Đà Nẵng - Tam Kỳ (vốn JICA) còn khoảng 28km, đoạn tuyến Tam Kỳ - Quảng Ngãi (vốn WB) còn khoảng 48km.

Thông tin này cũng được ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Ban quản lý Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi xác nhận. Ông Thành cho biết, theo cam kết của địa phương, trong tháng 10/2018 sẽ bàn giao hết mặt bằng nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết xong. Chính vướng mắc này khiến việc đóng hàng rào rất chậm, mỗi ngày chỉ làm được vài chục mét. 

Ngoài ra, cũng lời ông Nguyễn Tiến Thành, đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư vẫn chưa trả được nhiều tuyến đường dân sinh cho địa phương sau khi đưa cao tốc vào khai thác. Theo đó, đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ có 14 tuyến đường phải trả nhưng vẫn vướng mắc đến 12 tuyến. Đoạn Tam Kỳ - Quảng Ngãi tổng cộng 48 tuyến nhưng vướng mắc đến 35 tuyến.

Trong khi đó, tại Thông báo số 27 của Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước về việc đồng ý cho đưa vào khai thác cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi ngày 2/9/2018, Hội đồng yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn thiện nhiều đầu việc. Cụ thể, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước yêu cầu sớm thi công hoàn thiện các hạng mục lề đường, mái taluy, trồng cỏ, hệ thống đường gom, đường ngang, các đoạn hàng rào bảo vệ chưa được giải phóng mặt bằng, cống chui dân sinh, các máng thu gom nước trên mái taluy.

Rà soát, xác định lại các vị trí cục bộ không đảm bảo độ bằng phẳng theo quy định tại gói thầu A1, A3 và có kế hoạch khắc phục trong thời gian bảo hành; rà soát lại cao độ lắp đặt hàng rào bảo vệ trên toàn tuyến và điều chỉnh để đảm bảo động vật không đi vào đường cao tốc ảnh hưởng đến an toàn giao thông…

Thế nhưng, trả lời phóng viên về tình trạng hàng rào bảo vệ vẫn chưa được đóng hết, có đưa cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vào khai thác trở lại hay không, ông Trần Văn Tám, Tổng Giám đốc VEC khẳng định: “Vẫn khai thác và trong quá trình đó sẽ hoàn thiện dần chứ không khác được”.

Đặc biệt, ngoài tình trạng hư hỏng mặt đường, khi đang tiến hành sửa chữa, các công nhân còn phát hiện nhiều vệt dầu loang từ mép vỉa lan sang làn đỗ xe khẩn cấp. Theo nhận định của nhiều người, các vệt dầu này có nguy cơ sẽ làm biến đổi thành phần bê tông nhựa, vì vậy trước sau gì đoạn đường cao tốc cũng sẽ bị hỏng.

Ông Thành thông tin, sau khi ghi nhận sự việc, Ban Quản lý Dự án đã trích xuất camera theo dõi trên đoạn đường nhưng không phát hiện điều bất thường. Sự việc cũng không trình báo chính thức lên công an. Hiện phía nhà thầu đã tự khắc phục bóc lên làm lại cả tuyến có dầu loang.

Với phản ánh nêu trên, nhiều người cho rằng, không chỉ vết dầu, những ổ voi, ổ gà bong tróc mặt đường, mà ở đây đang cho thấy “lỗ hổng” trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành liên quan với người dân. Và mặc dù Bộ GTVT đã quyết định tiến hành thanh tra đột xuất toàn tuyến nhưng nếu chỉ là “cuộc thanh tra đơn thuần, bình thường trong quá trình đưa Dự án vào sử dụng” như ông Đỗ Kim Chung, Chánh Văn phòng VEC  cho biết thì những sai phạm có tiếp tục bị che giấu như những gì VEC đã thể hiện thời gian qua?  

Vì thế, dư luận mong muốn, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước cần vào cuộc để làm rõ những sai phạm được PLVN phản ánh; xác định rõ trách nhiệm của những tập thể, cá nhân sai phạm; những đoạn tuyến và hạng mục nào bị bớt xén dẫn đến kém chất lượng. 

Cầu VD09B trên tuyến cao tốc có hiện tượng thấm dột từ khi hoàn thành

Sau sai phạm dẫn đến hư hỏng mặt đường vừa được VEC sửa chữa, mới đây, dư luận tiếp tục lên tiếng tố cáo cầu VD09B (ở thôn Phú Lễ 1) và cầu chui qua thôn Phú Lễ 2 (cùng ở xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) có hiện tượng thấm dột.

Người dân địa phương cho biết, kể từ khi hoàn thành, hai cầu này thường xảy ra hiện tượng thấm, dột nước mỗi khi trời mưa. Chưa hết, cầu VD09B còn lộ những tấm gỗ, bẹ chuối dưới khối bê tông của dầm cầu. Hai bên thành nước vẫn rỉ xuống, chảy dọc theo những vết ẩm mốc đã có từ trước.

Theo tìm hiểu của PLVN, cả hai cầu thuộc gói thầu A3, do Công ty TNHH Công trình giao thông tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) làm nhà thầu chính. Sau đó, Công ty Giang Tô ký hợp đồng với nhà thầu phụ là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng hạ tầng INCICO thi công cầu VD09B. Vào năm 2016, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đã có đợt kiểm tra dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Sau khi kiểm tra, Hội đồng Nhà nước đã chỉ ra nhiều vị trí hư hỏng trên đường cao tốc, trong đó có gói thầu A3 này.

Đưa ra nhận định với PLVN, kỹ sư Trần Dân, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Đà Nẵng cho rằng hiện tượng thấm nước trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do độ dốc dọc của mặt cầu không đảm bảo, không đồng bộ với độ dốc dọc của mặt đường. Cao độ mặt đường tại khe co giãn 2 đầu cầu thấp hơn so với cao độ trên mặt cầu và mặt đường, dẫn đến việc mặt cầu bị tụ thủy khi trời mưa. Nước mưa sẽ chảy xuống 2 khe co giãn và xuống đất. Tình trạng này kéo dài, nước mưa sẽ thấm vào các đầu dầm làm gỉ thép và cáp đầu dầm.

Trao đổi PLVN, ông Trần Văn Tám cho rằng chỉ mới ghi nhận thông tin nhưng chưa có báo cáo cụ thể việc hai cầu thuộc gói thầu A3 bị thấm nước. Theo ông Tám, cầu VD09B ở cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được Hội đồng Nhà nước đã chỉ trước đây và đã sửa xong nên ông cũng “khá bất ngờ” khi biết có hiện tượng thấm nước. Đầu tuần (ngày 22/10), đơn vị sẽ trả lời cụ thể.

Đọc thêm

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.