Cao tốc 34.000 tỉ hư hỏng: Không thể “cắt dán” lớp mặt là xong

Cao tốc 34.000 tỷ vừa đưa vào hoạt động đã hư hỏng.
Cao tốc 34.000 tỷ vừa đưa vào hoạt động đã hư hỏng.
(PLO) - Với tổng vốn đầu tư lên đến 34.500 tỷ đồng (tương đương 1,65 tỷ USD), mới thông xe ngày 2/9/2018 nhưng cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã xuất hiện ổ gà, ổ trâu, gây mất an toàn cho các phương tiện giao thông. Sau đó, Bộ trưởng Bộ GTVT đã chỉ đạo dừng thu phí trên cao tốc này từ 0 giờ ngày 12/10 để các chủ đầu tư tiến hành sửa chữa. Tuy nhiên, đến nay trách nhiệm của nhiều đơn vị liên quan chưa được làm rõ.

Chất lượng thi công, bê tông nhựa không đảm bảo 

Với mức đầu tư “khủng”, giá thành xây lắp tuyến đường cũng vào dạng “khủng” nhưng đã hư hỏng sau thời gian ngắn vận hành thì tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi không thể không có “vấn đề” được, mà phải nói là có rất nhiều “vấn đề” phải được xử lý.

Tại cuộc họp trực tuyến sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông sáng 11/10, báo cáo về việc cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa thông xe đã hỏng, ông Lê Văn Sinh, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam cho biết, nguyên nhân do thời gian qua trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã xảy ra nhiều cơn mưa. Sau khi thông tuyến, nhiều xe tải trọng nặng chạy trên cao tốc gây ra tình trạng hư hỏng mặt đường như báo chí phản ánh.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình bác bỏ và chỉ rõ, khi thiết kế dự án, xây dựng cao tốc, phải tính toán, tổng hợp đầy đủ các yếu tố tác động đến như thời tiết, lưu lượng xe, tải trọng lên mặt đường, kể cả động đất.

“Làm sao mới thông xe đường đã xảy ra như vậy. Nếu nói là do mưa đầu mùa không  thể chấp nhận”, Phó Thủ tướng nói đồng thời yêu cầu Bộ GTVT phải xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của nhà thầu trong việc thi công này; có biện pháp quyết liệt xử lý trách nhiệm.

Chiều 13/10, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã kiểm tra thực tế cao tốc để có những đánh giá xác thực. Sau buổi thị sát, Thứ trưởng Thọ khẳng định, nguyên nhân hư hỏng trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là do chất lượng thi công, bê tông nhựa không đảm bảo gặp trời mưa nên tạo ra ổ gà, ổ trâu. “Qua phân tích ban đầu, nguyên nhân này có liên quan chất lượng công trình, yếu tố thi công chưa đảm bảo tại vị trí hư hỏng nhưng là vấn đề chất lượng cục bộ, không phải trên diện rộng toàn tuyến”, Thứ trưởng Thọ nói.

Không chỉ đoạn tuyến JICA (từ Km0+000 – Km65+000) vừa bị hư hỏng có vấn đề về chất lượng mà tại gói thầu A3 do nhà thầu Giang Tô, Trung Quốc trúng thầu cũng bị người dân tố dùng bùn nạo vét đắp nền đường. Trong cuộc họp nóng ngày 13/10, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết khi dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi đưa ra đấu thầu quốc tế, nhà thầu Giang Tô bỏ thầu rất thấp và đã trúng thầu.

“Trong quá trình thi công, họ có sử dụng một số nhà thầu phụ ở Việt Nam tham gia cung cấp vật liệu, các dịch vụ khác. Quá trình đó thuộc phạm vi các nhà thầu, mang tính chất hợp đồng kinh tế. Còn sản phẩm khi đưa ra thì phải theo quy trình quản lý về chất lượng”, Thứ trưởng Thọ nói.

Thứ trưởng Bộ GTVT cũng khẳng định không bao giờ có chuyện đem bùn nạo vét lên đắp nền đường cao tốc. Tuy nhiên, ở góc độ kỹ thuật, ông Thọ cho hay trong các giải pháp kỹ thuật, dùng bùn đắp tạo nên sự phản áp thì vẫn có: “Tức là bùn ở dưới nước vớt lên, khi khô ráo mà thành phần hạt tốt, chỉ tiêu cơ lý đạt… sử dụng được thì người ta vẫn sử dụng. Sau đó sẽ đầm lèn và đạt được độ chặt K95 thì vẫn sử dụng được. Vật liệu sau đầm lèn không đạt K95 phải bóc đổ đi. Quy trình là như vậy, còn lại là do giám sát ở hiện trường”, Thứ trưởng Thọ lý giải.

Một vấn đề khác tại dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đó là trữ lượng đá khan hiếm, vì thế có phản ánh nhà thầu đã lấy đá kém chất lượng để thi công. Về vấn đề này, Thứ trưởng Thọ cho hay vật liệu khi đưa vào thi công phải theo quy chuẩn, có tiêu chuẩn đàng hoàng. Khi đưa ra công trình thì có hai hình thức. Có thể nghiệm thu ở công trình để đưa vào hoặc một số sản phẩm có thể nghiệm thu ngay ở nơi sản xuất.

Bán thầu 100%

Liên quan cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hư hỏng sau vài cơn mưa, nhiều người ngạc nhiên không hiểu vì sao con đường do nhà thầu Hàn Quốc trúng thầu, tổng mức đầu tư lên đến gần 34.500 tỷ mà chất lượng lại kém đến vậy. Công trình này được làm với giá rất cao, lại do nước ngoài thi công thì làm sao có thể gian dối?

Sự thật, sau khi trúng thầu, nhà thầu Hàn Quốc không trực tiếp thi công mà hầu như bán thầu toàn bộ khi chưa được phê chuẩn của Chủ đầu tư, và Bộ GTVT đã phát hiện việc này từ lâu nhưng không xử lý triệt để.

Ngày 11/5/2016, Bộ trưởng Bộ GTVT có Quyết định số 1434/QĐBGVT về việc thanh tra công tác quản lý đầu tư xây dựng Dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam làm Chủ đầu tư, Đoàn thanh tra đã làm việc với Công ty Posco Engineering & Construction Co. ,Ltd thực hiện gói thầu số A5 thuộc nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB).

Đến ngày 12/4/2017 tại Văn phòng Bộ GTVT, Đoàn thanh tra do Phó Chánh Thanh tra Lê Văn Doãn làm Trưởng đoàn đã lập biên bản thanh tra như sau: Công ty Posco Engineering & Construction Co.,Ltd có quyết định cấp Giấy phép thầu cho nhà thầu nước ngoài do Bộ Xây dựng cấp theo Quyết định số 91/QĐ-BXD ngày 19/8/2014, trong đó cho phép Công ty Posco E&C được nhận thầu chính thực hiện Dự án đường Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi gói thầu xây lắp A5.

Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng với Chủ đầu tư, công ty này không hề làm gì mà ký hợp đồng thuê thầu phụ thi công 100% toàn bộ các hạng mục công việc. Cụ thể, Posco E&C thuê Công ty Á Đông, CTCP Đầu tư xây dựng hạ tầng INCICO; CTCP Xây dựng cầu 75-Cienco8, Công ty Xây dựng nền móng Sông Đà Thăng Long Miền Nam, CTCP Cơ giới và xây lắp số 9 (Licogi 9), CTCP Đầu tư xây dựng B.M.T; CTCP sở hữu Thiên Tân (Evemew)…

Biên bản thanh tra dài 13 trang với rất nhiều sai phạm đã được thực hiện, có đầy đủ chữ ký của ông Phó Chánh Thanh tra Lê Văn Doãn, Giám đốc điều hành gói thầu Nguyễn Khắc Sơn và Giám đốc Dự án Kim Dae Hyeon (dù Công ty Posco E&C bán sạch gói thầu).

Đến nay, sau nhiều báo cáo của Ban QLDA, của Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC), Cục Quản lý đường bộ, nhà thầu, đơn vị thi công, tư vấn giám sát... vẫn chưa ai nhận trách nhiệm.

Một công trình giao thông lớn, có giá lên đến hơn 34.000 tỷ đồng, tương đương 1,65 tỷ USD chúng ta phải đi vay để về phát triển hạ tầng giao thông chứ không phải giấy lộn mà có thể phung phí, gây thất thoát rồi ung dung vô can là điều không thể chấp nhận được.

Giá như để tâm đến lời tố cáo của ông nông dân

Ông Phạm Tấn Lực- một người nông dân 59 tuổi, trú xã Bình Trung (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) cho biết, suốt 4 năm qua ông đã ôm chồng đơn từ, ảnh chụp bằng chứng những sai phạm trong quá trình làm đường cao tốc đi khắp nơi tố giác mà không nhận được một lời hồi đáp.

Ông Lực đã tố giác việc gian dối diễn ra hàng ngày trên công trường, đất phân hóa không đưa vào bãi thải mà đưa thẳng lên làm đường cao tốc, hay việc các cống bị hư hỏng, không đảm bảo chất lượng vẫn được đưa vào công trường…

Người nông dân này còn phát hiện đất không đạt chuẩn vẫn được đưa lên làm đường, việc thi công gói thầu A3 của nhà thầu Giang Tô phải cần đến 1,6 triệu m3 đất để hoàn thành mặt đường, nhưng nhà thầu chỉ sử dụng khoảng 1 triệu m3 đất. Tại Km106+630, nhà thầu đã sử dụng vật liệu không đảm bảo chất lượng, lấy đất sình lầy (đất này được lấy trong quá trình đào mố cầu) để đắp lên cao tốc.

Ông Lực đã nhiều lần phản ánh với các kỹ sư, chủ thầu, viết đơn gửi lên các cơ quan chức năng để tố giác, nhưng 4 năm qua không một lần nhận được hồi đáp. Trái lại, có kẻ lạ mặt còn tìm đến nhà ông đe dọa, thậm chí đề nghị cung cấp mỗi tháng 5-6 triệu đồng để ông Lực thôi tố giác.

Thật là một câu chuyện lạ thường! Ông Lực chỉ là một người nông dân bình thường, trước đây có tham gia làm xây dựng nên ông đã ngay lập tức phát hiện ra những sai phạm trong quá trình làm đường cao tốc và lên tiếng tố giác. Và ông cũng chỉ mong các cơ quan hữu quan xác minh kết luận đúng, sai để xử lý con đường cho tốt. Trái lại, hàng loạt những đội ngũ chuyên gia kỹ thuật được đào tạo như kỹ sư, tư vấn giám sát thi công, nghiệm thu công trình lại hoàn toàn “không thấy, không biết” gì trước những sai phạm này.

Hậu quả đã thấy rõ, con đường làm xong vừa đưa vào sử dụng đã hỏng, vá nền nhếch nhác. Giá như trước đây, những lời tố giác của ông nông dân Phạm Tấn Lực được các cơ quan chức năng để tâm thì có lẽ ngày hôm nay, con đường 34 ngàn tỷ đồng đã không rơi vào tình cảnh này.

Theo thông tin trên Báo Vietnamnet, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi Đỗ Minh Hải cho biết, trước đó Sở có nhận được đơn tố của ông Phạm Tấn Lực xung quanh việc nhà thầu lấy đất không đúng quy định lên làm nền cao tốc. “Tuy nhiên, đây là lĩnh vực không thuộc phạm vi Sở quản lý mà thuộc Sở GTVT. Sau đó, Sở GTVT đã có đi kiểm tra”, ông Hải thông tin việc sửa chữa cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã được tiến hành từ 17h ngày 14/10 đến 11h ngày 17/10/2018. 

Đến trưa 17/10, những vị trí hư hỏng, bong tróc lớp nhựa đường cuối cùng đã được sửa chữa hoàn tất. Các công nhân đã bắt đầu thu dọn máy móc và trang thiết bị sửa chữa, trả lại mặt đường như ban đầu, chờ nghiệm thu công trình.

Như vậy, sau gần 3 ngày sửa chữa, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với tổng vốn đầu tư hơn 34.000 tỉ đồng đã hoàn tất sửa chữa mặt đường sau khi bị hư hỏng.

Đối với cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết dự án này không phải BOT mà vay của Nhật Bản: “Hiện tuyến cao tốc này thanh tra đang vào kiểm tra xem hư hỏng chỗ nào, do thiết kết hay tư vấn, thi công… Về chất lượng, trước mắt Bộ GTVT chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Chúng tôi không đùn đẩy cho ai”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho hay.

Đọc thêm

"Thay áo" cho cầu Phố Mới - Điểm nhấn hạ tầng tại Lào Cai

"Thay áo" cho cầu Phố Mới - Điểm nhấn hạ tầng tại Lào Cai
(PLVN) - Thành phố Lào Cai vừa nâng cấp, cải tạo dự án cầu Phố Mới với tổng vốn đầu tư gần 15 tỷ đồng. Dự án nhằm mang lại diện mạo mới cho cây cầu quan trọng này, đồng thời nâng cao an toàn giao thông và phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân.

Tỉnh Bình Định chỉ đạo xử lý một số điểm bất cập hạ tầng giao thông trên địa bàn

Tỉnh Bình Định chỉ đạo xử lý một số điểm bất cập hạ tầng giao thông trên địa bàn
(PLVN) - UBND tỉnh Bình Định vừa có công văn về việc xử lý một số điểm bất cập hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, trong đó chỉ đạo các đơn vị quản lý tập trung kiểm tra và thực hiện các biện pháp đảm bảo ATGT cho phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường ĐT.638 và quốc lộ 19 đoạn qua địa bàn tỉnh. 

TP Hồ Chí Minh: Khuyến cáo tuân thủ văn hóa metro

Metro số 1 bắt đầu vận hành thương mại từ 22/12/2024.
(PLVN) - Cty TNHH MTV Đường sắt Đô thị số 1 (HURC 1) vừa tổng kết 2 tuần đầu vận hành thương mại metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc tuân thủ văn hóa Metro.

Giá vé máy bay Tết tăng, chặng TP.HCM đi các tỉnh miền trung “cháy vé”

Giá vé máy bay Tết tăng, chặng TP.HCM đi các tỉnh miền trung “cháy vé”
(PLVN) - Thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam cho biết đến thời điểm hiện tại, giá vé máy bay dịp Tết Ất Tỵ tăng trung bình 20% so với trước kỳ nghỉ, tỷ lệ đặt chỗ trên các đường bay từ TP.HCM đến các địa phương đang tăng nhanh chóng trong giai đoạn bắt đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 22-28/1.

'Ẩn họa' trên tuyến đường thuộc dự án liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam

'Ẩn họa' trên tuyến đường thuộc dự án liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam
(PLVN) - Dự án liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam được đầu tư nhằm hoàn thiện mạng lưới kết nối giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tuy nhiên, dự án này đang chậm tiến độ, mặt đường xuất hiện chi chít “ổ voi, ổ gà” sau mưa lớn gây nguy hiểm cho người đi đường.

Tăng mức phạt có đủ để xây dựng văn hoá giao thông?

Ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân có sự chuyển biến rõ rệt sau khi Nghị định 168 có hiệu lực. (Ảnh: QĐND)
(PLVN) - Những ngày qua, việc tăng nặng mức xử phạt và áp dụng cơ chế trừ điểm giấy phép lái xe bước đầu tạo hiệu quả tích cực, nâng cao ý thức chấp hành của người dân. Tuy nhiên, để thực sự xây dựng văn hóa giao thông cần nhiều hơn thế.