Quy trình xử lý vật chứng được xem là vấn đề kỹ thuật, tuy nhiên lại rất quan trọng trong việc giải quyết vụ án, đặc biệt là những vụ án với những vật chứng đặc thù, tồn đọng lâu ngày. Dự thảo Thông tư quản lý kho vật chứng, tài sản tạm giữ tại các cơ quan thi hành án dân sự (Thông tư) do Bộ Tư pháp xây dựng, đang lấy ý kiến, hy vọng sẽ góp phần giải quyết vấn đề này.
Mỗi nơi một kiểu
Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định rõ việc xử lý vật chứng, trong đó vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm lưu hành thì bị tịch thu, sung quỹ Nhà nước hoặc tiêu hủy; Vật chứng là hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật; Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy…
Tuy nhiên, việc xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ vẫn còn nhiều bất cập. Hiện chưa có quy định hoặc văn bản hướng dẫn như thế nào là “vật chứng không có giá trị hoặc giá trị sử dụng không đáng kể” để xử lý, dẫn đến việc xử lý còn mang tính tùy tiện, không thống nhất.
Trên thực tế, một số cơ quan tố tụng đã tự xác định vật chứng không còn giá trị theo ý chí cá nhân của mình và trong một số trường hợp hành vi này được xem là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Hiện cũng chưa có quy trình xử lý thống nhất và phù hợp đối với những vật chứng, tài sản đặc thù, vật chứng tồn đọng.
Điển hình, trong một số vụ án liên quan đến tội mại dâm, vật chứng là bao cao su sau khi thu giữ và qua quá trình chuyển giao đến cơ quan thi hành án, việc tiêu hủy sẽ được tiến hành bằng cách đem đốt hoặc nghiền nát. Tuy nhiên vì số lượng không nhiều nên thường cơ quan thi hành án gom lại hoặc xử lý chung với các vật chứng khác.
Đối với việc xử lý vật chứng là heroin, nhiều nơi lựa chọn hình thức đem đốt, nơi khác lại hòa tan trong nước rồi đem ra sông, kênh rạch tiêu hủy... Việc mỗi nơi xử lý vật chứng một kiểu không những tạo sự thiếu thống nhất trong áp dụng pháp luật mà còn có thể gây ra ô nhiễm môi trường, sức khỏe con người...
Đốt cháy, đập vỡ hay hình thức nào khác?
Dự thảo Thông tư quy định rõ các hình thức xử lý vật chứng. Theo đó, việc tiêu hủy vật chứng được thực hiện theo các hình thức đốt cháy, đập vỡ hoặc các hình thức phù hợp khác nhằm làm mất tác dụng, giá trị của vật chứng.
Đối với một số loại vật chứng đặc thù, cơ quan thi hành án dân sự căn cứ số lượng, hình thức của vật chứng để thực hiện tiêu hủy theo hướng sau: Đối với số lượng ít, nếu có thể thực hiện việc tiêu hủy mà ít gây hại đến môi trường thì tổ chức tiêu hủy theo các hình thức đập vỡ, đốt thành tro; với số lượng nhiều, vật chứng là các chất độc hại, phức tạp, việc tiêu hủy theo cách thức đơn giản, thông thường gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe của người tiến hành tiêu hủy thì có thể phối hợp với cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xử lý để tiến hành tiêu hủy.
Trường hợp tổ chức đốt vật chứng thì có thể phối hợp với các cơ quan, đơn vị có lò đốt rác chuyên dụng. Trường hợp có nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thì có thể tổ chức đấu thầu để lựa chọn. Trường hợp phát sinh kinh phí lớn để xử lý vật chứng thì cơ quan thi hành án dân sự lập dự toán, gửi Bộ Tư pháp (Tổng cục Thi hành án dân sự) để xem xét, quyết định.
Dự thảo cũng đề xuất xây dựng lò đốt tập trung tại các địa bàn có số lượng vật chứng cần tiêu hủy lớn, hoặc tại các vùng, miền. Thực tiễn hiện nay cho thấy cơ quan thi hành án dân sự ngày càng phải tiêu hủy số lượng vật chứng lớn, độc hại, nguy hiểm, gây ảnh hưởng môi trường (ma túy, hóa chất, hàng giả, hàng kém chất lượng, ngà voi, sừng tê giác...). Việc tiêu hủy các loại vật chứng này thường được thực hiện bằng phương pháp đốt thành tro; tuy nhiên, với số lượng lớn, cùng với những đặc tính của các loại vật chứng, việc đốt theo phương pháp thông thường có thể không thực hiện được do cần nhiệt độ lò đốt cao; hoặc việc đốt sẽ gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe của những người thực hiện tiêu hủy.
Qua tìm hiểu, hiện nay đã có một số sáng kiến giải pháp về lò đốt rác bảo đảm vệ sinh môi trường; quy mô phù hợp với diện tích của kho vật chứng; chi phí đầu tư không quá cao (500 triệu đồng cho một lò đốt có công suất 5kg/giờ).
Có thể xây dựng lò đốt tập trung (tại các cụm, các khu vực miền Bắc, Trung, Nam...) để các cơ quan thi hành án dân sự địa phương tập trung đốt các vật chứng đặc thù, kết hợp với các đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống ma túy, bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường v.v... Đây là một giải pháp căn cơ, lâu dài và khả thi cần được xem xét để có thể triển khai.