Đóng cửa phiên giao dịch sáng nay, 29/10, VN-Index tiếp nối đà phục hồi từ phiên hôm qua và bật mạnh lên trên mốc 590 điểm. Chỉ số sàn TP.HCM ghi nhận mức tăng 7,41 điểm, tương đương tăng 1,27% tạm lên mức 590,54 điểm. Thanh khoản trong phiên sáng đạt gần 825 tỷ đồng với hơn 47 triệu chứng khoán khớp thành công.
Một trong những yếu tố hỗ trợ cho xu hướng tăng điểm của thị trường phải kể đến hoạt động giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài.
|
Nhà đầu tư nước ngoài trở lại mua ròng trên TTCK Việt Nam sau chuỗi bán ròng. |
Sau chuỗi bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại động thái mua ròng trong 3 phiên liên tiếp vừa qua trên HOSE.
Xu hướng mua vào cổ phiếu tiếp tục được khối ngoại duy trì trong phiên sáng nay 29/10, trong đó FLC đang là mã dẫn đầu toàn thị trường về khối lượng được khối này gom vào.
Cụ thể, trong phiên sáng nay, nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện mua vào gần 300 nghìn đơn vị. Chốt phiên, cổ phiếu FLC tăng 200 đồng lên mức 11.100 đồng/cp với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,4 triệu đơn vị. Ngoài ra, khối ngoại còn mua mạnh ở IJC với gần 290 nghìn đơn vị, HAG với hơn 200 nghìn đơn vị…
Phiên hôm qua, 28/10, khối ngoại cũng đã thực hiện mua ròng ở cổ phiếu này với khối lượng mua ròng hơn 52 nghìn đơn vị, giá trị mua ròng hơn nửa tỷ đồng.
|
Diễn biến giá cổ phiếu FLC từ đầu năm đến nay. |
Việc khối ngoại “nhắm” vào cổ phiếu FLC không là điều bất ngờ trên thị trường bởi trước đó cổ phiếu này đã trở thành tâm điểm khi có lượng giao dịch lịch sử từ khối này. Cụ thể, phiên giao dịch ngày 19/9/2014, khối ngoại đã mua vào gần 37,8 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 450 tỷ đồng, chiếm tới 77,12% khối lượng mua vào của khối này trên toàn thị trường.
Đáng chú ý, Market Vectors ETF Trust - Market Vectors - Vietnam ETF đã trở thành cổ đông lớn kể từ ngày 24/9/2014, sau khi quỹ này mua vào 27.175.670 cổ phiếu FLC, nâng sở hữu lên thành 9,09% vốn điều lệ của FLC.
Như vậy, FLC là cổ phiếu nắm giữ kỷ lục trên thị trường về khối lượng và giá trị khớp lệnh của nhà đầu tư nước ngoài trong một phiên giao dịch.
Từ đầu năm 2014 đến nay, ngoài việc mở rộng hàng loạt các dự án lớn với quy mô nghìn tỷ, FLC đã làm việc và đạt được thỏa thuận với Quỹ Global Emerging Market (GEM), đồng thời làm việc với một số quỹ khác trong việc hợp tác phát triển các dự án kinh doanh như Asian Small Cap Fund, Quỹ Terra Nova đến từ Phần Lan và nhiều nhà đầu tư Singapore, Nhật Bản...
Theo thông tin từ CTCP Tập đoàn FLC, trong quý III/2014, FLC đạt xấp xỉ 130 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng lợi nhuận của Công ty khoảng trên 300 tỷ đồng, tương đương 85% kế hoạch năm là 350 tỷ đồng; gấp gần 5 lần cùng kỳ năm ngoái.
Ông Doãn Văn Phương, Tổng giám đốc FLC cho biết, quý IV/2014, FLC dự kiến có thể ghi nhận kết quả kinh doanh đột biến, do đây là thời điểm Tập đoàn mở bán nhiều sản phẩm bất động sản của nhiều dự án tại Hà Nội và các tỉnh, với hầu hết các dự án đều được nhà đầu tư quan tâm, kiếm thông tin và đặt mua từ trước.
Trong thời gian qua, FLC đã triển khai thi công hàng loạt dự án quy mô lớn như: FLC Samson Golf Links & Resort, FLC Complex 36 Phạm Hùng, FLC Garden City, dự án nhà liền kề trung tâm Thành phố Thanh Hóa… Công ty cũng đã được UBND tỉnh Khánh Hoà lựa chọn và ký hợp đồng BT trị giá 7.000 tỷ đồng xây dựng Khu trung tâm hành chính mới Tỉnh Khánh Hòa; được đề xuất là chủ đầu tư dự án sân golf và resort quy mô 577 ha tại Phú Quốc...