Phân biệt đối xử rõ ràng
-PV:Thưa bà, bà có nhận xét gì về việc Tổng cục Thuế đang xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế?
Đây là một động thái rất là tốt, cho thấy Tổng cục Thuế đã cố gắng ngày càng minh bạch hơn. Bởi nếu như chúng ta xây dựng một bộ tiêu chí tốt thì ta sẽ phân loại được những đối tượng doanh nghiệp (DN) nào thực hiện pháp luật về thuế tốt, những đối tượng nào ở mức độ trung bình và đối tượng nào ở mức độ thấp. Căn cứ vào đó, có phân biệt đối xử rõ ràng.
Ví dụ, những DN thuộc nhóm tuân thủ, thực hiện pháp luật thuế tốt thì sẽ được ưu đãi trong kê khai, nộp thuế, hoàn thuế... Trong đó, có thể hoàn thuế trước, kiểm tra sau, trong lĩnh vực hóa đơn có thể không cần đóng dấu tên DN trên hóa đơn.
Hoặc các thủ tục đều sẽ được ưu tiên, giảm chi phí thời gian, tiền bạc cho DN. Nếu như các DN đạt được mức chúng ta gọi là đối tượng nộp thuế vàng thì sẽ tạo điều kiện tối đa trong thực hiện pháp luật thuế, cũng như hải quan qua luồng xanh thì không phải kiểm tra, kiểm soát nhiều.
Còn đối với những đối tượng không tuân thủ pháp luật thuế hoặc tuân thủ ở mức độ thấp thì cần phải có các biện pháp quản lý rủi ro. Những đối tượng này có thể gian lận về thuế, gian lận về hóa đơn chứng từ cho nên sẽ tập trung kiểm tra nhiều hơn.
Hơn nữa, công tác thanh tra, kiểm tra cũng sẽ không tập trung vào các DN tuân thủ tốt, mà sẽ hướng vào các DN có mức độ tuân thủ pháp luật thuế thấp. Như vậy, sẽ hạn chế được việc thanh kiểm tra của rất nhiều các cơ quan, đơn vị chức năng, có lúc trùng lắp khiến nhiều DN kinh doanh lành mạnh thấy bức xúc…
Tiêu chí còn cảm tính...
-PV: Đại diện Tổng cục Thuế có nói rằng, việc phân loại DN chỉ là việc nội bộ của cơ quan thuế (CQT), không ảnh hưởng đến DN, nhưng rõ ràng DN được phân loại ở mức độ khác nhau, chế độ quản lý cũng khác nhau?
Quan điểm của chúng tôi lại hơi khác. Đành rằng các tiêu thức phân loại rủi ro, xếp loại các DN nộp thuế do các CQT làm, nhưng nếu các tiêu thức phân loại rủi ro không chính xác, không chuẩn mực sẽ kéo theo sự không minh bạch, không công bằng cho các DN.
Tôi ví dụ, các tiêu thức đưa ra, làm thế nào để rõ ràng, đơn giản, và dễ hiểu thì DN cũng có thể tự xác định mình đang ở nhóm nào.
Nếu chúng ta đưa ra các tiêu thức khó khăn, phức tạp, chính bản thân DN cũng không biết mình tuân thủ pháp luật thuế như vậy là tốt hay chưa, cao hay thấp. Như vậy, các tiêu thức phân loại ảnh hưởng trực tiếp đến DN bởi nếu như tôi tuân thủ khác thì tôi được đối xử khác mà tôi tuân thủ không tốt thì tôi sẽ được đối xử khác…
Những cá nhân, đơn vị chấp hành tốt pháp luật thuế thì cần được tuyên dương. |
-PV: Theo Dự thảo vừa công bố, nhiều ý kiến cho rằng các tiêu chí phân loại vẫn chưa rõ ràng, cảm tính. Quan điểm của bà như thế nào?
Đúng như vậy! Ví dụ, về tiêu thức thuế GTGT, việc đánh giá cũng rất khó vì có những DN thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT thì họ sẽ không có thuế GTGT để nộp, hoặc các DN áp dụng thuế suất GTGT là 0% thì họ cũng không có thuế GTGT nộp. Rồi chưa kể thuế suất GTGT 5%, 10%, quy mô, tiền thuế khác nhau. Do đó, có thể DN không nộp đồng thuế GTGT nào nhưng họ lại tuân thủ thuế tốt.
Về thuế thu nhập DN, có DN được miễn thuế 4 năm, giảm 5% trong 9 năm tiếp theo, nếu xếp hạng DN theo cùng loại hình là chưa chuẩn, mà phải cùng thời gian. Chúng ta không thể lấy 2 DN có cùng quy mô nhưng 1 DN đang trong thời gian miễn, giảm thuế với 1 DN hoạt động bình thường để so sánh...
Tôi cho rằng, những chỉ tiêu mà cơ quan soạn thảo đưa ra đã rất cố gắng, nhưng làm thế nào các tiêu thức phải chi tiết, dễ nhận biết không chỉ với DN mà cả CQT. Nếu chúng ta làm đơn giản quá thì cũng khó công bằng, nếu làm chi tiết quá thì phức tạp, DN khó áp dụng.
DN là đối tượng chịu sự điều chỉnh của các quy định này thì cần tích cực tham gia đóng góp để làm sao có tính khả thi, bảo đảm được sự công bằng, minh bạch, dễ thực hiện…
-PV: Được biết, hiện CQT cũng đang áp dụng cơ chế quản lý rủi ro (Thông tư 204/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính), nhưng bây giờ lại xây dựng bộ tiêu chí này. Liệu có cần thiết không, thưa bà?
Cơ chế quản lý rủi ro được ban hành theo Luật Quản lý thuế và 3 Nghị quyết của Chính phủ (năm 2014, 2015, 2016) nhằm phân loại đối tượng lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Và giờ là bộ tiêu chí đánh giá tuân thủ pháp luật thuế. Rõ ràng, giữa hai cái này phải có sự đồng bộ.
Chúng ta cũng nên xem xét lại để đưa ra các tiêu chí sao cho đơn giản, minh bạch, dễ hiểu. Bởi lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra cũng phải dựa trên cơ sở những đơn vị tuân thủ pháp luật tốt thì chúng ta ít kiểm tra hơn, và tập trung nhiều hơn ở các đơn vị tuân thủ thuế thấp.
Hoặc công tác kiểm tra, thanh tra, chúng tôi cũng đồng ý là hiện nay tập trung vào các DN có dấu hiệu chuyển giao, những DN gian lận hóa đơn chứng từ hoàn thuế thì phải làm rất quyết liệt.
Tuy nhiên, có những DN mong muốn làm thế nào để kế toán minh bạch, tránh bị kiểm tra, thanh tra. Nhưng khi đi vào kiểm tra thanh tra thì CQT lại có quan niệm đã kiểm tra, thanh tra là phải phát hiện ra sai phạm, và khi không phát hiện ra sai phạm thì nhóm kiểm tra, thanh tra đó lại bị coi là chưa hoàn thành nhiệm vụ.
Chúng tôi cho rằng, trong thanh tra, kiểm tra phải có 2 mặt. Những DN nào gian lận thuế, trốn thuế, thì phải xử lý thật nặng, bảo đảm kỷ cương pháp luật về thuế, những đơn vị nào làm tốt thì tuyên dương. Như vậy, nếu kiểm tra mà không phát hiện sai phạm để truy thu, thì chúng ta cũng mừng là CQT đã làm tốt nhiệm vụ của mình trong tuyên truyền, hỗ trợ. Còn trường hợp kiểm tra, thanh tra viên không có năng lực, DN trốn thuế mà không phát hiện ra là một việc khác…
PV: Xin cám ơn bà!
Tổng cục Thuế mong nhận được góp ý
“Theo xu hướng chung của các nước trên thế giới, CQT Việt Nam đã và đang xây dựng các bộ tiêu chí đánh giá rủi ro, thực hiện quản lý thuế theo rủi ro nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế.
Đến nay, Tổng cục Thuế đã hoàn thiện Bộ tiêu chí và chỉ số đánh giá tuân thủ pháp luật thuế đối với người nộp thuế là DN. Để bộ tiêu chí được ban hành phù hợp, đánh giá đúng mức độ tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế, giúp cho ngành Thuế phân bổ nguồn lực hợp lý để có thể hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước một cách tốt nhất, từ đó, giảm chi phí tuân thủ pháp luật thuế, nâng cao mức độ tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế, góp phần giảm chi phí quản lý thuế, nâng cao hiệu quả và số thu ngân sách nhà nước trong các năm tiếp theo,
Tổng cục Thuế với tinh thần cầu thị, rất mong nhận được ý kiến tham gia, đóng góp của các chuyên gia kinh tế, đại diện các hiệp hội, các DN... để hoàn thiện bộ tiêu chí trước khi trình Bộ Tài chính ban hành chính thức”, ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.
Vẫn quan niệm đã thanh tra phải “lôi” ra sai phạm
“Có những DN mong muốn làm thế nào để kế toán minh bạch, tránh bị kiểm tra, thanh tra. Nhưng khi đi vào kiểm tra thanh tra thì CQT lại có quan niệm đã kiểm tra, thanh tra là phải phát hiện ra sai phạm, và khi không phát hiện ra sai phạm thì nhóm kiểm tra, thanh tra đó lại bị coi là chưa hoàn thành nhiệm vụ.
Chúng tôi cho rằng, trong thanh tra, kiểm tra phải có 2 mặt. Những DN nào gian lận thuế, trốn thuế, thì phải xử lý thật nặng, bảo đảm kỷ cương pháp luật về thuế, những đơn vị nào làm tốt thì tuyên dương.”, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hiệp hội tư vấn thuế Việt Nam.