Cụ thể, tiêu chí để được xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là tất cả các sản phẩm rau, thịt tiêu thụ tại Hà Nội phải đầy đủ thông tin về xuất xứ nguồn gốc và đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định.
Khó đưa ra tiêu chí cụ thể cho từng loại rau, thịt
Đánh giá những khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ rau, thịt trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội cho biết, sản xuất của Hà Nội chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu thực phẩm, còn lại nhập từ các tỉnh, thành phố. Đáng ngại, có 80% thực phẩm trên địa bàn thành phố được tiêu thụ trôi nổi ở chợ truyền thống, chỉ 20% tiêu thụ qua cửa hàng tiện ích, siêu thị.
Để người tiêu dùng được sử dụng thực phẩm an toàn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND TP Hà Nội đã phối hợp xây dựng triển khai chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn. Theo đó, Ban điều phối tập trung vào việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ rau, thịt an toàn với các tiêu chí cụ thể. Tuy nhiên, ông Trần Mạnh Giang - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội cho biết: Việc quản lý và đưa ra tiêu chí cụ thể là hết sức khó khăn vì có cả trăm loại rau xanh thay đổi theo mùa vụ, còn thịt cũng có nhiều loại... Vì vậy, cần xây dựng “mẫu số chung” để không gây khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất và tiêu thụ rau, thịt trên địa bàn thành phố.
Chia sẻ vấn đề trên, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân cho rằng, phải phân biệt giữa quản lý nhà nước và xây dựng các tiêu chí bảo đảm theo quy định của pháp luật. Theo đó, các quy định không chồng chéo, gây khó khăn cho người sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, phải hướng dẫn, phân cấp cụ thể theo hướng xây dựng chế tài xử lý và có người chịu trách nhiệm.
Bộ tiêu chí này áp dụng cho các tổ chức, cá nhân, các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh các sản phẩm rau, thịt tiêu thụ tại thị trường Hà Nội và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Việc xác nhận được thực hiện theo yêu cầu tự nguyện của chủ cơ sở kinh doanh. Hiện nay, các tiêu chí GAP đã được tối giản và giảm từ 68 chỉ tiêu xuống còn 14 chỉ tiêu. Điều này chính là một thuận lợi cho các cơ sở và doanh nghiệp tham gia. Việc xây dựng tiêu chí thực phẩm an toàn sẽ đưa ra quy trình sản xuất an toàn. Theo đó, các doanh nghiệp, hộ sản xuất ký cam kết sản xuất an toàn và các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, giới thiệu doanh nghiệp thu mua, chế biến đến tiêu thụ cung cấp cho thị trường các sản phẩm đạt chất lượng.
Năm 2017 người tiêu dùng Hà Nội sẽ yên tâm về chất lượng rau, thịt?
Ông Nguyễn Tiến Hưng - Giám đốc BigGreen cho rằng, việc có quy định tiêu chí sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Song khác với trước, kinh phí giám sát chủ yếu do ngân sách nhà nước, theo dự thảo các tiêu chí mới này, chủ yếu do doanh nghiệp tự chi trả. Do đó, trong thời gian thí điểm ông Hưng cũng đề xuất mong cơ quan chức năng hỗ trợ kinh phí hoặc tăng thêm thời gian hiệu lực của các xác nhận vì việc phân tích lấy mẫu rất tốn kém.
“Ví dụ một mẫu đa dư lượng tốn mấy triệu, do đó Nhà nước nên có hỗ trợ thời gian cho doanh nghiệp. Việc xây dựng chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn trên địa bàn thành phố là cần thiết song nên kéo dài hỗ trợ mẫu phân tích kéo dài 2 năm. Sau khi người dân quen với việc áp dụng sản xuất chuỗi an toàn thì doanh nghiệp có thể bỏ tiền cho toàn bộ chi phí” - ông Hưng nêu rõ ý kiến.
Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô về thực phẩm an toàn là rất cao. Theo nhiều ý kiến, việc quan trọng là cần rà soát và làm minh bạch những nội dung quy định ấy để người dân có thể tham gia giám sát cùng cơ quan quản lý nhà nước, từ đó có niềm tin vào chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, các tiêu chí, yêu cầu cần rõ ràng, cụ thể nhưng phải phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh và thị trường thì mới đảm bảo được chất lượng. Khó khăn của việc sản xuất theo chuỗi ở nước ta hiện nay do quy mô sản xuất chủ yếu là nhỏ lẻ và manh mún. Từ đó, đặt ra vấn đề cần hướng dẫn thực hiện tốt, đặc biệt là xây dựng quy trình hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước để giám sát tổ chức, doanh nghiệp thực hiện đúng nội dung đã cam kết đảm bảo an toàn.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ cho biết, do sự thiếu gắn kết trong công tác quy hoạch vùng, phân vùng chưa đồng bộ, công tác kết nối, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, phân phối còn gặp khó khăn nên phần lớn sản phẩm có thế mạnh, tiềm năng của các địa phương là do doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình sản xuất nên chưa bảo đảm các tiêu chí về mẫu mã, bao bì, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Do vậy, các ban ngành, đoàn thể cần nỗ lực xây dựng bộ tiêu chí và quy định để làm mẫu cho nhiều địa phương khác, đồng thời các thành viên trong mắt xích chuỗi rau, thịt nắm rõ để triển khai thực hiện.
Dự kiến, từ năm 2017, các quy định này được chuẩn hóa, người tiêu dùng Hà Nội sẽ yên tâm hơn về chất lượng rau, thịt trên thị trường Hà Nội./.