Và theo chia sẻ từ các nhà sản xuất và cung ứng thực phẩm sạch thì lý do là bởi chi phí cho sản xuất thực phẩm sạch tiêu tốn khá nhiều tiền, lên tới hàng trăm triệu đồng, hàng tỷ đồng, chưa kể còn tốn rất nhiều công chăm sóc, nhiều công đoạn mới đưa được thực phẩm sạch đến với người tiêu dùng.
Rau muống ngoài chợ 3 ngàn đồng, rau sạch 10 ngàn đồng
“Cơn bão thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn đang là mối nguy hại khôn lường đến sức khỏe người dân. Người dân rùng mình khi nghĩ đến việc hàng ngày, hàng giờ sức khỏe của họ đang bị bào mòn chỉ vì thực phẩm bẩn. Cách duy nhất mà người dân nghĩ đến lúc này là tìm mua những loại thực phẩm sạch, an toàn, tin cậy. Thế nhưng, giá của thực phẩm sạch lại không hề rẻ.
“Mua thực phẩm sạch giá lúc nào cũng cao hơn thực phẩm bình thường ngoài chợ từ 2 – 3 lần. Mặt hàng nào cũng vậy, từ bó rau cho đến các loại thịt, củ quả. Như ngoài chợ, một bó rau muống chỉ có giá 3 ngàn đồng thì ở đây rau muống lúc nào cũng phải bán từ 6 đến 12 ngàn đồng” - bà Nguyễn Hồng Ngân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết.
Cùng với rau thì các loại thịt cũng có giá chênh lệch cao so với thịt được bày bán ở các chợ, nhất là các loại thịt được quảng cáo là thịt lợn rừng, lợn mường, thịt lợn hữu cơ, thịt bò Mỹ, thịt bò Kim Bôi… thì giá càng cao. Như thịt lợn thăn sạch của cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển có giá 14.000 đồng/lạng, thịt lợn mường của cửa hàng thực phẩm sạch CleverFood có giá 18.000 đồng/lạng, trong khi giá thịt lợn ở ngoài chợ chỉ có giá khoảng 8.000 đồng/lạng. “Tuy nhiên, giá cao nhưng chất lượng thịt khi nấu lên ăn rất ngon và đảm bảo” - chị Mai Thu (đường La Thành, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ.
Giá đắt vì sản xuất thực phẩm sạch tốn nhiều tiền bạc, công sức
Hiện nay, việc sản xuất và cung ứng thực phẩm sạch, an toàn vẫn chưa đủ nhu cầu của người dân. Những điểm cung cấp thực phẩm sạch mới chỉ xuất hiện ở những thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Lý do, theo sự chia sẻ của những nhà sản xuất và cung ứng thực phẩm sạch thì đây là con đường gian nan. Bởi việc sản xuất và cung ứng thực phẩm sạch là vấn đề cần sự đầu tư lớn cả về kinh tế, kỹ thuật và cần một lộ trình đầu tư lâu dài.
Anh Phạm Đăng Quyết, chủ một nông trại sản xuất rau sạch ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc cho biết: “Để đầu tư cho nông trại sản xuất rau an toàn có diện tích 4,5ha theo tiêu chuẩn VietGap và chuỗi cửa hàng cung cấp rau sạch từ nông trại tôi đã tiêu tốn đến vài trăm triệu đồng, thậm chí lên đến hàng tỷ đồng. Trước khi đi vào sản xuất, tôi phải nhờ các chuyên gia đến kiểm nghiệm đất, nguồn nước, môi trường xem có bị ô nhiễm, có thích hợp để sản xuất rau an toàn hay không? Khi kết quả kiểm nghiệm an toàn rồi tôi mới đưa vào trồng thử.
Trồng thử ra sản phẩm rồi lại đem mẫu đi kiểm nghiệm, khi thấy sản phẩm đạt chỉ số an toàn mới đưa vào sản xuất đại trà. Tính đến nay, các sản phẩm rau quả sạch của nông trại đã bày bán ngoài thị trường được 6 tháng nhưng số tiền thu về vẫn chưa thấm tháp gì so với số vốn bỏ ra”.
Tại các vùng sản xuất rau an toàn (RAT) khác cũng vậy. Để RAT đến tay người tiêu dùng, các sản phẩm RAT cũng phải trải qua rất nhiều công đoạn chăm sóc và khâu kiểm tra vất vả. Người sản xuất phải lập nhật kí đồng ruộng để theo dõi ngày xuống giống, ngày phun thuốc, ngày thu hoạch… Nhiều nơi, các chuyên gia kĩ thuật phải ăn ngủ luôn tại ruộng để giám sát việc sản xuất rau được đảm bảo. Sau đó, những sản phẩm này lại được đem đi kiểm nghiệm rất nghiêm ngặt.
“Ban đầu là sự kiểm tra chéo giữa các tổ trưởng, sau đó là sự kiểm tra của Phòng quản lý chất lượng của huyện Mộc Châu. Nếu như rau vượt ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) thì sản phẩm đó sẽ bị hủy. Sau đó là khâu kiểm tra chất lượng từ phía nơi nhập bán là các siêu thị Metro, Citimart, Thăng Long.
Còn có trường hợp khi phun thuốc BVTV ở luống rau này, nhưng gặp gió, một số ít thuốc BVTV lại bay sang luống bên cạnh đang trong thời kỳ thu hoạch. Để tránh trường hợp đó, những người sản xuất RAT lại nhờ người bên Phòng quản lý chất lượng của huyện đến lấy mẫu rau đi kiểm tra xem dư lượng thuốc BVTV như thế nào rồi mới tiến hành thu hoạch. Sự tỉ mỉ về công chăm sóc và chi phí kiểm nghiệm khiến giá thành các sản phẩm RAT buộc phải cao hơn so với những sản phẩm rau thông thường ngoài chợ”, một nhà sản xuất RAT của huyện Mộc Châu cho biết.
Chia sẻ về quá trình cung ứng thực phẩm sạch đến với người dân, anh Trần Quân, chủ của chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển trên địa bàn TP Hà Nội cũng chia sẻ: “Kinh doanh thực phẩm sạch là con đường rất gian nan, phải những người rất tâm huyết mới làm được. Đã 3 lần tôi suýt phá sản vì thực phẩm sạch. Lần đầu tiên là khi mới mở cửa hàng, lúc đó khách hàng hầu như không có, doanh số sụt giảm từ 8 triệu đồng/ngày ở tuần khai trương đầu tiên, sau đó giảm dần còn 500 ngàn đồng – 1 triệu đồng/ngày, trong khi đó mỗi ngày tôi vẫn phải nhập từ 4 triệu – 5 triệu đồng tiền hàng. Như vậy là một ngày tôi lỗ mấy triệu đồng.
Những ngày sau đó vẫn không có khách, tiền hàng bị tắc, lúc đó hình thành tâm lý sợ sệt không dám nhập hàng, nhưng thật sự không nhập hàng cũng không được vì khách hàng đến thấy không có gì thì họ sẽ ra đi mãi mãi. May sao tôi nghĩ ra cách mổ một con cá ngừ tươi ngay tại cửa hàng, lúc đó siêu thị bán 280 ngàn đồng/kg thì mình chỉ bán 180 ngàn đồng/kg, nhờ tạo tiếng vang như vậy mà số lượng khách đến cửa hàng đông hơn”.