Bia cổ hàng nghìn năm tuổi?
Ngôi chùa Săm-pua tọa lạc giữa một rừng cây xanh tốt ở xã Hòa Ân (huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh). Cũng như các ngôi chùa Khmer khác, chùa Săm-pua được xây dựng theo kiểu cổ truyền của đồng bào Khmer với những mái ngói cong vút lên trời với những con rắn thần Naga nằm dài trên hai lớp mái nhọn. Trong căn phòng được xây dựng theo kiến trúc Pháp mà tường gạch đã loang lổ bởi thời gian, vị sư cả phải mất một lúc lâu dọn dẹp những vật dụng nằm la liệt mới lộ ra tấm bia đá nằm gọn ghẽ trong xó nhà.
Theo lời vị sư trụ trì thì tấm bia “nhô lên từ lòng đất”, nó đã nằm yên vị ở dưới cầu thang chính điện từ năm nào không rõ. Cách đây chừng 15 năm, trong lúc đại tu ngôi chùa lần thứ 4, sửa sang nền móng một người dân trong lúc dùng xà beng bẩy đất đã chạm phải một vật cứng như thép, mở rộng vùng đào bới, mọi người đều ngạc nhiên khi đó là một phiến đá xanh khổng lồ “vuông thành sắc cạnh”. Nói là vuông mà không hẳn là vuông bởi vì hai đầu của phiến đá lại nổi lên hai dấu u mấu. “Ở tấm bia này có rất nhiều điều kỳ lạ chưa thể giải thích được.
Chùa Săm-pua cổ kính |
Thoạt tiên là kích thước vào hàng kỷ lục của nó. Tấm bia dài gần 2m, bề ngang khoảng nửa mét và dầy khoảng một tấc, nặng chừng 500kg. Mỗi lần di chuyển phải cần đến 8 người khiêng. Một tảng đá lớn như thế vì sao lại nằm yên vị ở dưới nền chính điện. Nguồn gốc chất liệu của đá nằm ở đâu bởi cả vùng này đất cát phù sa châu thổ tuyệt nhiên không có ngọn núi đá xanh nào có đặc tính giống như thế. Đá có màu xám xanh nên được người dân gọi là Tha-mopốc (đất bùn)”, sãi cả chùa Săm-pua cho hay. Ngoài ra còn có hai con sư tử ở trước cửa chánh điện cũng có chất liệu bằng đá xanh.
Người ta bảo rằng có thể đá được người xưa vận chuyển về từ vùng núi đá Hà Tiên nhưng cũng có người cho rằng nó có chất liệu gần giống với những tảng đá đã được các tộc người Khmer xây dựng nên đền đài Angkor và trong đế chế cổ xưa kia, khu vực Chùa Săm-pua bây giờ đã từng là một đô thị sầm uất tập trung nhiều đền đài, miếu mạo. Sau khi phát hiện ra tảng đá khổng lồ, các vị sư trụ trì tiền bối đã dầy công tra cứu kho tàng thư kinh sách nhưng tuyệt nhiên không có bất cứ dòng chữ nào có đề cập đến phiến đá.
Người ta chỉ dự đoán rằng có thể tấm bia đá đã có từ rất xưa, từ khi xây dựng chùa vào năm Phật Lịch 916, nghĩa là đã cách ngày nay ngót nghét cả gần 2000 năm. Cũng có một căn cứ khác để người ta tin vào giá trị cổ xưa của tấm đá đó chính là dòng chữ với những ký tự kỳ lạ trên phiến đá.
Cổ ngữ chưa được giải mã
Dọc theo chiều ngang của tấm bia đá hình chữ nhật có 1 dòng ký tự. “Người ta biết chắc chắn đó là một loại cổ ngữ nhưng là thứ chữ gì thì chưa có ai đọc được. Thoạt nhìn nó có vẻ giống chữ Phạn nhưng không phải. Ở cả ba dạng chữ Sanskrit (một cổ ngữ của tiếng Phạn), chữ Pali và chữ Khmer có thể chuyển hóa cho nhau và các nhà sư tu hành lâu năm đều có thể đọc được.
Nhưng dòng chữ này không thuộc cả ba dạng đó, nên chắc chắn nó phải có lịch sử xa xưa hơn nữa”, tiếp lời vị trụ trì. Ngay từ khi phát hiện tấm bia đá cổ, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa ở Trà Vinh và Sài Gòn (nay là TP. Hồ Chí Minh) đã tìm đến nghiên cứu nhằm giải mã nhưng tất cả đều lắc đầu vì chưa gặp một tấm bia nào kì lạ như thế. “Nhà chùa cũng từng đón tiếp cả các đoàn chuyên gia của Nhật và Mỹ nhưng họ cũng không đọc được mà chỉ dập bản chữ mang về nghiên cứu.
Cho đến nay đã cả chục năm mà vẫn chưa hồi âm gì, không biết họ có dịch được dòng chữ đó không”, một vị trông coi chùa cho biết. Chưa giải mã được dòng chữ nhưng căn cứ vào hai u mấu lồi ra ở hai đầu của tảng đá có nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết có thể tấm bia này là một phần kết cấu của công trình được gắn lên một giá đỡ khác, nó cũng có thể là một cánh cửa của một ngôi chùa cổ xưa. Không cùng quan điểm, những cụ già ở địa phương lại cho hay phiến đá đã từng được thờ phụng như một vật linh thiêng chuyên mang lại điềm lành cho người dân.
Tảng đá ghi dòng chữ Khmer cổ chưa có người giải mã |
Ông Thạch Yêm (SN 1940) ngày nhỏ từng tu tập thuật lại rằng, thời sư trụ trì đời trước còn xây hẳn một căn nhà dành riêng để đặt tảng đá gọi là nhà Tà-bốc, phiến đá được gọi là Đá Lớn hay Ông Tà và hàng tháng vào bốn ngày mùng 8,15,23 và 30 người ta mang bánh chè đến đặt trước tảng đá nguyện ước những điều tốt lành. “Mọi người dân đều cầu mong tảng đá những điều tốt lành như ban cho mạnh khỏe, mùa màng bội thu. Mà tảng đá cũng linh thiêng lắm, ai cầu gì được nấy. Sau này chiến tranh loạn lạc, chùa bị tàn phá nên phiến đá cũng mất tích thời gian dài cho đến khi được tìm thấy khi trùng tu”.
Ông Yêm còn cho biết không rõ lý do gì mà phiến đá khổng lồ còn có một tên gọi khác là Đá Đực (ám chỉ đàn ông, nam giới – PV). Vậy còn tảng Đá Cái ở đâu? Trong quá trình điền dã, sưu tầm tư liệu cho bài viết, phóng viên luật cũng được các cán bộ ở Bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer cho biết. “Hiện nay ở bảo tàng cũng đang lưu giữ một phiến đá xanh hình chữ nhật được mang về từ chùa Săm-pua-răng-xê ở ấp Tà Kháo, xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè. Phiến đá có kích thước nhỏ hơn bia đá ở chùa Săm-pua nhưng trên mặt hoàn toàn trơn nhẵn không có ký tự và cũng không có hai mấu ở hai đầu”.
Trên thực tế chùa Săm-pua-răng-xê nằm không xa chùa Săm-pua là mấy, cũng có thể phiến đá ở Bảo tàng Khmer Trà Vinh chính là phiến Đá Bà để tạo thành một cặp hoàn chỉnh với phiến Đá Ông và biến đâu đằng sau đó còn ẩn dấu những câu chuyện, huyền thoại về một vùng đất cổ của người Khmer. “Cho đến nay, bảo tàng vẫn chưa tiến hành lập hồ sơ di vật nên thông tin về phiến đá vẫn còn rất sơ lược. Trong thời gian tới, các cán bộ làm công tác bảo tồn bảo tàng sẽ điều tra tìm hiểu rõ hơn về nguồn gốc của tấm đá này”, cán bộ Bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer cho biết.