Trưởng thôn giao đất trái thẩm quyền
Theo tài liệu mà Báo PLVN thu thập được, năm 2006-2007 thôn Nhồi Dưới (xã Cổ Loa) tiến hành làm đường dân sinh và sửa sang lại nhiều hạng mục công trình khác của thôn như nhà để xe tang, công trình tiêu thoát nước, nâng cấp đường bê tông… Tổng cộng hết gần 700 triệu (theo Đơn xin thanh toán đề ngày 30/01/2008). Tuy nhiên, sự việc trở nên trầm trọng khi “thôn không có tiền trả cho chủ thầu xây dựng” và lãnh đạo thôn đã đứng ra để tiến hành “đổi đất lấy công trình”.
Cụ thể, Trưởng thôn Hoàng Văn Tám, sau khi lấy ý kiến quân dân chính, đã “gán” cho Hoàng Văn Tĩnh (chủ thầu các hạng mục sửa chữa, xây dựng của thôn) 2 mảnh đất, gồm mảnh đất 110m2 tại gốc đa (với giá thanh lý 3 triệu đồng/m2) và mảnh đất 98m2 (gần khu chợ, nhà kho) với giá thanh lý 4,5 triệu đồng/m2. Chủ thầu xây dựng sau đó đã tiến hành xây dựng nhà ở nhưng bị nhân dân phản đối, viết đơn kiện lên UBND xã.
Sau khi tiến hành thanh tra, ngày 10/8/2008, chính quyền xã đã đưa ra Kết luận số 04/KL-UBND như sau: “Thực tế ông Hoàng Văn Tám căn cứ vào nhu cầu của thôn giao trái thẩm quyền cho hộ ông Hoàng Văn Tĩnh thôn Nhồi Dưới 2 thửa đất là 110m2 tại gốc đa và thửa cạnh chợ kho 98m2… Ngày 2/5/2008 UBND xã Cổ Loa ra Quyết định số 79 hủy bỏ việc giao đất trái thẩm quyền. Ngày 2/6/2008 UBND xã Cổ Loa ra Quyết định số 98 thu hồi hai thửa đất”.
Cũng trong Kết luận 04 này, UBND xã ghi rõ: “Việc thôn Nhồi Dưới tổ chức giao đất để lấy hạ tầng dân sinh nông thôn là vi phạm Luật Đất đai. Yêu cầu lãnh đạo thôn Nhồi Dưới thực hiện nghiêm túc việc thu hồi hai thửa đất 110m2 và 98m2, sớm khắc phục hậu quả”. Trước đây, UBND xã đã tổ chức cưỡng chế và bàn giao lại đất tập thể cho thôn Nhồi Dưới quản lý.
Tuy nhiên, sau 9 năm ra kết luận về vụ việc này, hiện trạng 2 thửa đất… vẫn y nguyên. Một thửa đất được bán lại cho ông Hoàng Công Định sử dụng, thửa đất còn lại vẫn do ông Hoàng Văn Tĩnh sử dụng và đã xây nhà kiên cố, khang trang. Tại sao lại có chuyện lạ lùng như thế này?
Giấy mua bán thể hiện mảnh đất bị gán năm 2008 đã được bán từ năm 2006 |
Không có tiền trả nên… gán đất?
Về vụ việc trên, PV Báo PLVN đã đặt lịch làm việc với UBND xã Cổ Loa để xác minh. Đại diện UBND xã, Phó Chủ tịch Nguyễn Khả Nghị khẳng định, suốt từ năm 2008, chính quyền xã vẫn đôn đốc nhân dân góp tiền trả cho chủ thầu nhưng vì số tiền quá lớn nên nhân dân không đóng góp được. Do vậy, vẫn buộc phải để họ sử dụng 2 mảnh đất trên, đến khi nào nhân dân có tiền mới lấy lại được đất.
Đây cũng là ý kiến được ghi lại trong các văn bản báo cáo lên UBND huyện Đông Anh. Cụ thể, Báo cáo số 18/BC-UBND ngày 18/5/2015 của UBND xã Cổ Loa ghi “Thửa đất giao 2 hộ sử dụng ổn định. Chưa thu hồi được vì thôn chưa thanh toán tiền cho các hộ dân đã đầu tư làm đường của thôn. Nhân dân thôn Nhồi Dưới đề nghị cấp trên tạo điều kiện cho xử lý tồn tại để cho nhân dân tiếp tục được sử dụng đường giao thông”.
Ngoài ra, UBND xã cũng đề nghị UBND huyện “tạo điều kiện xử lý tồn tại theo quy định của Luật Đất đai hiện hành… tạo điều kiện để các hộ dân đã xây dựng nhà ở trên 2 thửa đất đã giao tiếp tục được sử dụng ổn định”. Như vậy có thể hiểu rằng, năm 2008, thôn Nhồi Dưới còn nợ chủ thầu nên buộc phải vừa gán, vừa bán thanh lý đất cho chủ thầu để có thể tiếp tục sử dụng đường giao thông. Và đến nay, do chưa có tiền trả nên 2 mảnh đất ấy vẫn phải để cho họ sử dụng.
Đất bị “gán” đã được mang ra bán trước đó 1 năm!
Tuy nhiên, có một chứng cứ cực kỳ “đắt” mà chúng tôi có được, đó là giấy mua bán kiêm vay tiền thể hiện từ tháng 02/2006, giữa ông Hoàng Văn Tĩnh (chủ thầu) với ông Hoàng Công Lương (người mua, đồng thời cho vay tiền).
Giấy mua bán này thể hiện ông Tĩnh sẽ được vay tiền của ông Lương với điều kiện sẽ bán cho ông Lương một mảnh đất được mô tả như sau “thửa đất thổ cư liền kề nhà trẻ xóm Nhồi Dưới, có chiều rộng theo mặt đường từ kho Nhồi Dưới lên Nhồi Trên là 4,5m; chiều dài từ mặt đường vào giáp đất nhà cụ Khởi là 18m, tổng diện tích thửa đất là 81m2.
Điều lạ là việc thửa đất được mô tả như trên với thửa đất 98m2 mà Trưởng thôn Nhồi Dưới đã giao cho chủ thầu (vì thiếu tiền trả nợ công trình) chỉ là một! Qua thời gian sử dụng, lấn chiếm, mảnh đất 81m2 này đã có diện tích 98m2. Sau này, chính là mảnh đất mà chính quyền xã buộc phải thu hồi, giao lại cho thôn quản lý.
Dư luận bức xúc đặt câu hỏi: Tại sao năm 2008 mới chính thức nợ tiền làm đường (dẫn tới chuyện được tạm giao sử dụng đất) mà ông Tĩnh đã viết giấy mua bán từ năm 2006? Tại sao một mảnh đất khác, được cho tạm sử dụng với lý do chờ thôn có tiền trả sẽ trả lại đất lại được xây dựng kiên cố, khang trang? Tại sao việc “giao đất trái thẩm quyền” vi phạm pháp luật rõ ràng mà người lạm quyền giao đất lại chỉ bị khiển trách? Trong khi những người có cùng chức trách, cùng hành vi như ông Hoàng Văn Tám (nhưng thực hiện ở xã khác, cũng trong huyện Đông Anh) lại bị xử lý hình sự?
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.