Tòa án cấp nào giải quyết?
Ông Nguyễn Đình Chương (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) chuyển cho chúng tôi tình huống sau: “Anh Nguyễn Xuân H. (Thanh Hóa) có quan hệ làm ăn với anh trai tôi, được anh tôi giới thiệu nên tôi tin và cho anh H. vay 500 triệu đồng. Theo Giấy vay tiền đồng thời là biên nhận tiền được chúng tôi cùng ký thì ngày cho vay và ngày tôi giao tiền là 24/11/2011, thời hạn vay 1 năm, có tính lãi. Tôi cũng cẩn thận viết trong Giấy biên nhận là nếu tranh chấp phát sinh thì sẽ chọn Tòa án tỉnh Hà Tĩnh giải quyết để tránh đi lại vất vả, chi phí tốn kém. Tuy nhiên, đến hết tháng 11/2012, anh H. vẫn không trả tiền. Tôi và anh trai điện thoại cho anh H nhiều lần nhưng anh ta không nghe máy. Tôi tham khảo một số nơi thì người ta nói thời hiệu để khởi kiện đối với những sự việc như thế này chỉ trong vòng 2 năm. Xin hỏi có đúng không và liệu tôi có thể đòi lại được tiền gốc và lãi không?”.
Nghiên cứu sự việc của ông, chúng tôi thấy ông và người vay tiền có thoả thuận chọn tòa án để giải quyết sự việc. Cụ thể, vấn đề này thuật ngữ pháp lý gọi là “Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ”. Cụ thể, Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS quy định như sau: “Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này;…”.
Do đó, ông và bạn ông khi viết Giấy vay tiền kiêm biên nhận tiền có quyền lựa chọn toà án có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, việc lựa chọn toà án theo lãnh thổ phải đúng thẩm quyền. Hiện ông đang thường trú tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Vụ việc sẽ thuộc thẩm quyền của TAND huyện Kỳ Anh nếu trong văn bản giữa ông và bạn ông lựa chọn TAND huyện Kỳ Anh giải quyết. Ông lựa chọn toà án cấp tỉnh (TAND tỉnh Hà Tĩnh) là không đúng thẩm quyền hay nói cách khác, nội dung lựa chọn toà án trong Giấy vay tiền đồng thời là biên nhận tiền của ông không được chấp nhận.
Liên quan vấn đề này, Điều 8 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP ngày 3/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất “Những quy định chung” của BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS có quy định: “1. Về nguyên tắc chung, thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 35 BLTTDS. 2. Trường hợp đương sự tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản thì có quyền yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết. Việc thỏa thuận đó không được trái với quy định tại Điều 33 và Điều 34 BLTTDS”.
Ví dụ: Trong vụ án, nguyên đơn A cư trú tại huyện M của tỉnh N và bị đơn B cư trú tại huyện X của tỉnh Y. Theo nguyên tắc, Tòa án huyện X, tỉnh Y nơi bị đơn B cư trú có thẩm quyền. Nếu các bên thỏa thuận Tòa án nơi nguyên đơn A cư trú thì phải bảo đảm thẩm quyền của cấp Tòa án. Nếu vụ án thuộc thẩm quyền Tòa án cấp huyện thì thỏa thuận chỉ được chấp nhận khi các đương sự thỏa thuận Tòa án huyện M của tỉnh N giải quyết. Nếu các đương sự thỏa thuận Tòa án tỉnh N giải quyết thì thỏa thuận đó không được chấp nhận”.
Chỉ có thể kiện đòi lại phần gốc
Hiện pháp luật quy định một số loại tranh chấp, trong đó có tranh chấp về đòi lại tài sản như sự việc của ông thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện. Nếu anh H. đã hơn 2 năm không trả tiền cho ông thì ông vẫn còn thời hiệu đề nghị TAND có thẩm quyền để giải quyết yêu cầu anh H. trả lại số tiền gốc 500 triệu đồng cho ông. Riêng yêu cầu đề nghị anh H. trả tiền lãi của số tiền 500 triệu đồng thì Toà án không giải quyết vì đã hết thời hiệu khởi kiện.
Theo đó, Điều 23 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP quy định: “Đối với tranh chấp dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự (hợp đồng vay tài sản, hợp đồng gửi giữ tài sản, thuê tài sản, thuê khoán tài sản, hợp đồng gia công, hợp đồng vận chuyển, hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê lại quyền sử dụng đất) thì giải quyết như sau: (…). Đối với tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, về đòi lại tài sản, đòi lại quyền sử dụng đất do người khác quản lý, chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện”.
Theo quy định của pháp luật, ông có quyền khởi kiện ra toà án cấp quận, huyện của tỉnh Thanh Hoá nơi anh H. đang thường trú để đòi lại tiền.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com