Không tin con số báo cáo
Báo cáo tóm tắt tình hình và những giải pháp chính nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) của Văn phòng Chính phủ nên rõ, hạn chế lớn nhất hiện tại là chế tài xử lý vi phạm vệ sinh ATTP chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa vi phạm, chưa chú ý xem xét xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức.
Hiện tại, vẫn còn rất nhiều vấn đề nổi cộm cần được quan tâm xử lý để giải quyết dứt điểm như vấn đề sử dụng Salbutamol, Vàng ô, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, quản lý tại các chợ, nhập khẩu rượu giả, kinh doanh thực phẩm chức năng. Ngoài ra, một số địa phương chưa quan tâm và thiếu tập trung trong quản lý ATTP, chậm phát hiện và không kịp thời xử lý các vụ việc vi phạm ngay trên địa bàn mình quản lý, hầu hết các vụ vi phạm là do báo chí và các cơ quan chức năng của TƯ phát hiện.
Tuy nhiên, không tin báo cáo của các bộ, ngành cho rằng “có 5% hay 7% thực phẩm trên thị trường là thực phẩm bẩn”, Bí Thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng thẳng thắn cho rằng tình trạng vi phạm về vệ sinh ATTP không giảm do không xác định được trách nhiệm. “Không kỷ luật nên cả làng đều vui, “ăn bẩn nhưng vẫn vui” – Bí thư Thăng phản ánh. Thêm vào đó, tại một số nơi vẫn còn tình trạng bao che, thông đồng với người sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn vì lợi nhuận quá lớn.
Vi phạm nhiều lần sẽ cấm kinh doanh vĩnh viễn
Để xử lý triệt để thực phẩm bẩn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất phải làm rõ trách nhiệm của chính quyền cơ sở; các cơ sở kinh doanh. Ngoài ra, cần ban hành những chế tài mạnh để bảo đảm tính răn đe, nếu cơ sở vi phạm nhiều lần sẽ bị cấm kinh doanh thực phẩm vĩnh viễn. Còn Bí thư Thành ủy TP HCM đề nghị phải quy trách nhiệm đến Bí thư, Chủ tịch nếu để xảy ra tình trạng mất vệ sinh ATTP trên địa bàn quản lý.
Cùng quan điểm, đại diện tỉnh Thanh Hóa cho rằng “nếu một vài tỉnh thực hiện, thực phẩm bẩn của tỉnh này có thể chạy sang tỉnh khác và ngược lại nên cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”. Đồng thời, “cần có sự rà soát những vụ việc chưa thỏa đáng. Từ đó, các ban, ngành có kiến nghị cụ thể như vấn đề xử phạt hay hình sự”.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, “cần biện pháp mạnh, kiên quyết, toàn diện để công tác vệ sinh ATTP đạt kết quả tốt hơn, đáp ứng sự mong đợi của nhân dân”. Do đó, Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, trước hết cả hệ thống chính trị các cấp cần vào cuộc, làm tốt công tác này. Đồng thời cần xác định rõ trách nhiệm quản lý, nhất là trách nhiệm cá nhân đối với các vi phạm về ATTP. Đặc biệt là trách nhiệm giám sát của các cấp, ngành, cơ quan dân cử để tạo ra sự chuyển biến đồng bộ trong bảo đảm vệ sinh ATTP.
Thủ tướng cũng yêu cầu nêu rõ những bất cập, đề ra những giải pháp cụ thể, trước mắt lựa chọn các loại thực phẩm cụ thể, nhất là thực phẩm tươi sống - gắn bó thường nhật với đời sống người dân để tập trung giám sát nhằm tạo chuyển biến rõ nét về quản lý ATTP. Ngoài ra, các cơ quan chức năng phải giám sát kỹ nguồn gốc, chất lượng thực phẩm; phải xử lý hành chính ở mức cao nhất, kể cả xử lý hình sự những vi phạm về vệ sinh ATTP.
Sau cuộc họp này, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành một chỉ thị về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng bảo đảm ATTP.