Chỉ hơn chục con cá chết
5 ngày qua, tại khu vực biển Đà Nẵng, một số người dân thi thoảng phát hiện cá chết trôi dạt vào Bãi Đa (Bán đảo Sơn Trà). Đặc biệt, rạng sáng 27/4, cá chết rải rác ven biển đường Phạm Văn Đồng, vịnh Mân Thái.
Ông Lưu Quang Khánh, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản Đà Nẵng cho biết, sau khi nhận được phản ánh, Sở NN & PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản cử cán bộ đi thực tế dọc bờ biển từ quận Ngũ Hành Sơn đến Sơn Trà, qua khu vực quận Liên Chiểu.
Kết quả có khoảng 17 con cá chết. Những cá này kích thước nhỏ, chết lâu ngày. Nguyên nhân có thể do trong quá trình khai thác của ngư dân, cá bị thương ngoài biển, các tàu cá thu hồi ngư cụ bị thất thoát dẫn đến cá chết lâu ngày dạt vào bờ.
Theo ông Khánh, tình trạng cá chết dạt bờ lúc nào cũng có, tuy nhiên do ảnh hưởng thông tin cá chết ở các tỉnh Bắc miền Trung, người dân đề phòng hơn.
Theo báo cáo từ Sở NN & PTNN thành phố, các bè nuôi cá, thủy hải sản ở biển Đà Nẵng không có hiện tượng bất thường. Thành phố hiện có 1.681 phương tiện khai thác hải sản trên vùng biển Đà Nẵng, trong đó tàu dưới 20 CV và thúng máy có 825 phương tiện và các tàu vẫn hoạt động bình thường.
Cùng ngày, ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp (TP Hội An, Quảng Nam) bác bỏ thông tin cá nhiễm độc chết trôi dạt vào bờ biển đảo Cù Lao Chàm (TP. Hội An)
Trước đó, nhiều tin đồn xuất hiện trên các trang mạng cho rằng, ở đảo Cù Lao Chàm (cách TP Hội An 15km) xuất hiện hiện tượng cá chết trôi vào bờ hàng loạt. Các thông tin này khẳng định cá chết do bị nhiễm độc ở Hà Tĩnh khiến dư luận hoang mang lo lắng.
“Thực tế có cá chết trôi dạt vào bờ vào thứ 7 (23/4) nhưng rất ít. Tuy nhiên, tôi khẳng định cá chết không phải do bị nhiễm độc như tin đồn. Chúng tôi xác định số lượng cá này bị chết do một số đối tượng lén lút đánh bắt bằng cách nổ mìn ở các khu vực xung quanh khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm. Việc đánh bắt bằng nổ mìn là trái phép, chính quyền xã đang điều tra người đánh bắt bằng cách này”, ông An nói.
Hải sản giám giá, lượng tiêu thụ ít
Tại các chợ trung tâm Đà Nẵng ngày 27/4, khu vực hải sản tuy không đến mức hiu hắt nhưng ế ẩm thấy rõ. Bà Lê Thị Hoa (tiểu thương chợ Hàn) nhận định, nỗi lo “ăn phải cá bị trúng độc chết” sau khi đọc tin tức trên mạng, đã khiến nhiều người chuyển qua chọn các loại thực phẩm khác ngoài thủy hải sản. Vì thế, quầy tôm cá bà đang bày bán, ít người mua hẳn đi, thậm chí như hôm nay (27/4), cả buổi sáng, bà chỉ bán được cho 2 người, đa phần kinh doanh quán ăn.
Ngồi bên bà Hoa, bà Nguyễn Thị Mai chua chát nói thêm, 10 người đến mua hàng, có đến 8 người hỏi cá mực, tôm, cua này đánh bắt vùng biển nào, có bị ảnh hưởng “chất độc” hay không?. “Chúng tôi đã giải thích, đây là thủy sản đánh bắt xa bờ, hoàn toàn không bị ảnh hưởng như các loại cá chết gần bờ ở Bắc Miền Trung, nhưng nhiều người hỏi xong rồi yêu cầu hạ giá hoặc từ chối mua. Việc buôn bán những ngày qua khó khăn hơn, lượng tiêu thụ cũng giảm khoảng 30%”.
Tương tự, tại các chợ khác trên địa bàn thành phố, khu vực kinh doanh thủy hải sản cũng thưa hơn thời gian trước đây. Các tiểu thương bắt buộc phải giảm lượng nhập vào nhưng nhiều ngày vẫn không thể bán hết.
Sáng 27/4, tại Cảng cá Thọ Quang, anh Lê Văn Sang, chủ tàu dịch vụ hậu cần lớn của Đà Nẵng thể hiện sự lo lắng khi nói về thu mua và phân phối lại hải sản.
Theo anh Sang, hải sản đánh bắt xa bờ đang bị “vạ lây” một cách rất oan. “Cá tươi, chất lượng tốt nhưng sức mua nội địa đã giảm khoảng 30% do người tiêu dùng không hiểu hết bản chất vấn đề. Bà con ngư dân rất lo lắng vì những ngày qua khai thác về bán không hết hoặc bị rớt giá. Giá bán ra tại các chợ giảm, người thu mua ngay trên biển cũng phải giảm theo. Những người trực tiếp đánh bắt chịu ảnh hưởng nặng nề nhất”, anh Sang phân tích.
Chính vì việc sức mua giảm, giá giảm nên những ngày qua, tại âu thuyền Thọ Quang đã có hiện tượng tàu cá ngại ra khơi, tàu ra khơi rồi lại hoang mang, chán nản muốn quay về.
Một chủ tàu khác vừa cập bến than vãn, do tâm lý của người mua cứ nghe và thấy cá chết liền phản ứng và hạn chế ăn. Thiệt thòi thuộc về người khai thác, hầu hết đánh bắt xa bờ, hải sản dồn ứ, vừa bán chậm, vừa mất giá. Vì thế, chủ tàu nàu cho rằng, cơ quan quan chức năng cần có thông tin cụ thể đến người dân để hiểu rõ.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thủy sản- thương mại Thuận Phước, Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá Đà Nẵng nhìn nhận thêm: “Những thông tin cá nhiễm độc chết đang khiến ngư trường cả nước bị tổn thất. Bản thân doanh nghiệp chế biến thủy hải sản của ông cũng rơi vào cảnh tương tự. “Công ty của tôi hiện có mấy chục ha nuôi tôm ở ngoài biển, mấy ngày nay không dám thay nước, vì không có biết nguồn nước đó có bị nhiễm độc hay không?”, ông Lĩnh cho biết.
Đặc biệt, nhiều cơ sở chế biến dù biết nguồn cá do ngư dân đưa về không phải cá chết, mà được đánh bắt từ ngoài biển vào, nhưng họ vẫn rất ngại. Lý do, họ xuất khẩu qua các nước tiến tiến, với trình độ của các nước đó, nếu kiểm định ra các hàm lượng độc trong cá, sản phẩm sẽ bị trả về và doanh nghiệp sẽ bị mất uy tín, thiệt hại rất lớn. Qua khảo sát ngày 27/4 của Sở NN & PTNN Đà Nẵng, ảnh hưởng từ thông tin cá biển chết trôi dạt vào bờ, hiện, giá bán sản phẩm cân xô cho nhà máy giảm 10.000đ- 15.000đ/kg so với bán tại chợ đầu mối.
Du lịch cũng bị “vạ lây”
Đáng nói, sau thông tin cá chết, tình hình du lịch không chỉ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế bị tác động tiêu cực, mà địa phương xa như Đà Nẵng, Quảng Nam cũng ảnh hưởng nặng nề. Đặc biệt, khi thông tin có cá chết trôi dạt vào bờ trong sáng ngày 27/4.
Ông Đinh Văn Lộc, Giám đốc Công ty Việt Đà Đà Nẵng cho biết, tuy tình hình chưa căng thẳng, chưa phải tất cả quay lưng lại, nhưng cũng đã có khách hủy tour đến Đà Nẵng. Đa phần khách hủy tour đều nói “để đợi qua đợt cá chết”.
Ông Huỳnh Tấn Vinh, Tổng Giám đốc Furama Resort, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng e dè, với tình hình hiện nay, lượng khách đến Đà Nẵng, Quảng Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng. Lý do, du khách chọn Đà Nẵng, Hội An chủ yếu để tắm biển, thưởng thức hải sản.
Trong khi đó, thông tin cá nhiễm độc vẫn tràn lan, đặc biệt, mới đây Thừa Thiên Huế công bố cá chết do nhiễm độc kim loại. Theo dòng hải lưu, người dân suy đoán, lượng cá chết này chắc chắn sẽ trôi đến Đà Nẵng. Về lâu dài, các rạn san hô ven biển cũng sẽ bị ảnh hưởng, không còn san hô cho khách lặn ngắm, không còn chỗ trú ẩn cho các loại thủy sản….
Theo ông Huỳnh Tấn Vinh, hiện tại, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cần phối hợp với Hiệp hội Nghề cá Việt Nam để có tiếng nói, yêu cầu làm rõ nguyên nhân cá chết tại Hà Tĩnh. Và nếu tìm ra đúng nguyên nhân, phải xử lý thích đáng.