Giò chả thối tẩm hóa chất bán vào trường mẫu giáo
Thông tin hai cơ sở làm giò chả tại TX La Gi (Bình Thuận) mua thịt heo hư thối về xay làm giò chả, trộn với borax thì sẽ mất mùi thối, giúp giò chả dai và bảo quản được lâu rồi đem đi tiêu thụ hầu hết các cửa hàng, điểm du lịch và “tuồn” vào các trường mẫu giáo trên địa bàn khiến dư luận hoang mang, căm phẫn. Theo nghiên cứu, chất borax tác dụng lên trẻ một thời gian sẽ gây ra những tổn thương ở vỏ não, khiến trẻ chậm phát triển, đồng thời gây thêm nhiều di chứng khác cho sức khoẻ và trí não trẻ.
Vụ việc đang xôn xao dư luận ở Lagi, Bình Thuận không phải là cá biệt.Trước đó, đã không ít trường hợp cơ quan quản lý phát hiện thực trạng thực phẩm bẩn tuồn vào bếp ăn các trường. Cạnh đó còn là tình trạng dơ bẩn, thiếu vệ sinh, không đảm bảo an toàn thực phẩm ở nhiều bếp ăn cho trẻ. Cuối năm 2015, một vụ việc xảy ra ở Nghệ An từng làm thót tim nhiều bậc phụ huynh. Qua thanh kiểm tra, cơ quan quản lý đã phát hiện nhiều vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn của Trường Mẫu giáo Blue Sky tại TP Vinh (Nghệ An). Số tiền ăn hàng ngày phụ huynh đóng cho trường là 60 ngàn đồng, nhưng các cháu bé bị cho ăn nhiều thức ăn thiếu an toàn, trong đó có hàng loạt gà đông lạnh để nhiều hôm, thức ăn chế biến từ ngày trước còn dư thừa, ngày sau đem ra cho các cháu ăn tiếp…
Đừng vì lợi nhuận mà đầu độc cả một thế hệ
Thời điểm cuối năm 2015, hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm của các em học sinh ở Hà Nội, Bình Dương và TP HCM đã khiến nhiều phụ huynh bàng hoàng. 65 em học sinh tại Trường Tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền (quận 3, TP HCM) đã có dấu hiệu ngộ độc như nôn mửa, tiêu chảy ngay sau bữa ăn trưa. Cũng sau bữa ăn trưa của trường, hàng chục học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (Bến Cát, Bình Dương) bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện.
Theo quy định của ngành y tế, các bếp ăn trong nhà trường phải bảo đảm đầy đủ các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP); dụng cụ, phương tiện chế biến, phân phối thức ăn phải đúng quy định; phải có phương tiện bảo quản lạnh thực phẩm; phải có sổ sách theo dõi nhập, xuất thực phẩm, các hợp đồng cung cấp thực phẩm… Luật quy định là vậy, nhưng để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bữa ăn của trẻ không phải là điều đơn giản. Đối với các điều kiện bếp ăn, giấy chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm thì còn có thể nằm trong tầm tay các trường. Nhưng đối với việc bữa ăn được cung cấp từ các đơn vị chế biến bên ngoài thì hầu hết mang tính… hên xui.
Bởi, dù cho có hợp đồng đàng hoàng, tất cả đã đúng quy trình, nhưng nhà trường cũng khó có thể biết được nguồn nguyên liệu chế biến của các đơn vị cung cấp đến từ đâu, có tươi, bảo đảm an toàn hay không? Những điều này, phía nhà trường bị động và hầu như hoàn toàn phụ thuộc vào… lương tâm của nhà cung cấp, như sự việc giò chả bẩn, tẩm hoá chất vừa xảy ra ở Lagi, Bình Thuận. Hàng loạt vụ thực phẩm gây ngộ độc cho học sinh, hầu hết cũng từ nguồn thực phẩm do đơn vị cung ứng bên ngoài chế biến cho các em. Đó là còn chưa nói đến, nhiều bếp ăn trường học đã biết tình trạng không hay, nhưng vẫn “nhắm mắt làm ngơ” vì số hoa hồng quá lớn.
Và nữa, thực phẩm bẩn, độc không chỉ đi thẳng vào bếp nhà trường, vào bữa ăn hàng ngày của các em, mà còn xuất hiện ở nhan nhản trước các cổng trường mẫu giáo, tiểu học, trung học khắp cả nước với hình dạng của bánh tráng trộn thiếu vệ sinh, trà sữa trân châu Trung Quốc, xi rô phẩm màu… mà đến nay vẫn bất khả thi trong việc dẹp bỏ.