Bối cảnh trên tưởng như không liên quan gì đến cuộc sống của các gia đình trong bốn bức tường nhà. Nhưng trên thực tế, với không ít người, chính điều đó đã và đang khiến họ phải sống trong “địa ngục” bạo lực gia đình không đường thoát.
51% phụ nữ bị BLGĐ trong thời Covid từng nghĩ đến tự tử
Mới đây, hotline Phím số Bình yên 1900969680 của Ngôi nhà bình yên (NNBY) thuộc Hội LHPN Việt Nam nhận được cuộc gọi khẩn cấp của 3 mẹ con bị bạo lực gia đình (BLGĐ) kêu cứu đề nghị hỗ trợ. Người ở đầu dây cho biết, có một phụ nữ ở Hà Nội bị chồng nhốt ở trong nhà và bị chửi rủa, đánh đập liên tục trong 2 ngày.
Con gái lớn thấy bố đánh mẹ, can thiệp cũng bị bố đánh, còn con trai 13 tuổi thì rất sợ bố nên không dám lên tiếng. Quyết tâm cứu mẹ, cô con gái đã tìm hiểu trên mạng và liên hệ với Tổng đài của NNBY để xin được hỗ trợ.
Nhận được thông tin, nhân viên tư vấn của NNBY đã đánh giá mức độ rủi ro và hướng dẫn 3 mẹ con tìm cách thoát khỏi sự kiểm soát của người chồng. Tranh thủ lúc người chồng đi mua thuốc lá, người mẹ đã mang được hai con ra khỏi nhà và tìm đến NNBY. Trò chuyện với nhân viên tư vấn chị cho biết, hai chục năm nay chị thường xuyên bị chồng bạo lực và đã có lần phải đi khâu vết thương dài hàng chục mũi.
“Chồng tôi cho rằng đánh tôi là cách dạy vợ và khi tôi không làm theo ý thì anh ta cho là tôi chống đối”, chị nói. Trong thời gian cách ly hạn chế ra ngoài này, chồng chị ở nhà nhiều hơn thì những trận đòn giáng xuống người chị cũng nhiều hơn.
Không chỉ riêng NNBY, mà các đường dây tư vấn khác về bạo lực giới, BLGĐ thời gian qua cũng nóng lên mỗi ngày vì các cuộc gọi đến. Bà Tuyết Anh - chuyên viên của Tổng đài tư vấn về BLGĐ của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới- Gia đình- Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) cho biết, so với trước thời điểm dịch thì số lượng cuộc gọi điện thoại liên hệ tới tổng đài xin tư vấn về vấn đề BLGĐ tăng tới 87%.
“Mỗi ngày chúng tôi nhận tới cả trăm cuộc điện thoại xin tư vấn từ các nạn nhân bị BLGĐ, có cả nam, cả nữ, nhưng nhóm nữ nhiều hơn. Thậm chí có cuộc gọi vào đêm khuya với những lời kêu cứu từ chị em. Rất nhiều nguyên nhân dẫn tới BLGĐ, nhưng cũng một phần do các cặp vợ chồng đột ngột bị nghỉ việc.
Cuộc sống thay đổi do đại dịch Covid-19 khiến nhiều gia đình không có sự chuẩn bị nên không biết phải ứng phó và đối diện như thế nào. Nghỉ việc, mất thu nhập, nếp sống thường ngày thay đổi khi phải ở nhà nhiều hơn, trong khi vợ chồng chưa kịp chuẩn bị phải đối mặt như thế nào nên phát sinh mâu thuẫn, điều này dẫn đến bạo lực về mặt tinh thần tăng.
Có thể kể đến những lý do dẫn tới hai vợ chồng cãi vã như người chồng tức giận vợ khi nấu một món ăn không hợp, bực tức vợ mải làm việc online không để ý để con nhỏ chạy sang nhà hàng xóm trong lúc đang dịch bệnh…” – bà Tuyết Anh cho biết.
Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội ISDS và Trung tâm nghiên cứu khoa học sức khỏe -Trường Đại học Y tế công cộng thực hiện vào tháng 8/2020 tại Hà Nội cho thấy trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19, trong số các phụ nữ tham gia nghiên cứu thì có 34% bị bạo lực về kinh tế; 87.8% bị bạo lực tinh thần do chồng/bạn tình gây ra; 59% bị bạo lực thể xác; 25% bị bạo hành tình dục; 75.2% phụ nữ chịu tổn thương về mặt tâm lý, 43.3% bị chấn thương về mặt thể xác do BLGĐ, khoảng 1/3 phụ nữ (31.7%) cần được chăm sóc y tế do các hành vi liên quan đến BLGĐ gây ra bởi chồng/ bạn tình; 51% phụ nữ bị BLGĐ đã từng nghĩ đến tự tử, 7.2% trong số đó đã từng thử tự sát…
Khó khăn khi tìm kiếm sự giúp đỡ?
Cũng theo nghiên cứu nói trên của Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội ISDS và Trung tâm nghiên cứu khoa học sức khỏe -Trường Đại học Y tế công cộng thì chỉ có 45% số phụ nữ bị BLGĐ tìm kiếm sự giúp đỡ và 19% trong số họ thấy việc tìm kiếm sự giúp đỡ trong thời kỳ dịch bệnh là khó khăn.
Con số này cho thấy thực tế rằng BLGĐ thời Covid thực sự là “nước mắt không thể chảy” do nạn nhân gặp khó khi tìm kiếm sự hỗ trợ, vì nguyên nhân đặc thù về phòng chống dịch bệnh cũng như vì sự e ngại của chính nạn nhân.
Điều tra quốc gia của UNFPA về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy 90% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ có một số ít (4,8%) tìm đến công an. Thực tế này gần giống với kết quả năm 2010 khi 87,1% phụ nữ cho biết họ không nhờ đến sự hỗ trợ của chính quyền và chỉ có 5,2% tìm đến công an hoặc UBND nhờ hỗ trợ.
Nguyên nhân nạn nhân BLGĐ không tin tưởng vào sự can thiệp của chính quyền là do xã hội vẫn tồn tại quan niệm không coi đó là tội ác trong gia đình mà chỉ là chuyện “bát đũa xô nhau”, nên cách giải quyết tốt nhất họ được khuyên thường là “về nhà đóng cửa trong nhà bảo nhau”.
Thông tin từ NNBY cho biết, trong giai đoạn Việt Nam cách ly xã hội do Covid-19, Tổng đài từng nhận cuộc gọi kêu cứu khẩn cấp của một phụ nữ sống tại một tỉnh miền Trung bị BLGĐ nghiêm trọng. Người gây bạo lực đe dọa, kiểm soát điện thoại, không cho nói chuyện với nhân viên tham vấn sau khi nạn nhân được NNBY phối hợp địa phương giải cứu.
Vì giãn cách xã hội nên nạn nhân không thể đến ở nhà tạm lánh được. Nạn nhân căng thẳng, bế tắc, thất vọng và muốn tự sát trong đêm. Trước thực tế này, nhân viên tư vấn đã phải làm việc với người gây bạo lực và ép anh ta phải chịu trách nhiệm nếu có bất kỳ điều gì xảy ra với thân chủ, phối hợp cùng chính quyền địa phương đảm bảo an toàn tạm thời cho nạn nhân trong giai đoạn giãn cách xã hội.
Một trường hợp khác với người phụ nữ người nước ngoài sinh sống làm việc tại một tỉnh phía Nam, bị bạo lực thể chất, tình dục, tinh thần và kinh tế và bạo lực ngày càng trầm trọng hơn khi nạn nhân không còn việc làm và không chu cấp đủ cho người gây bạo lực và cũng là người tình có cùng quốc tịch, thậm chí nạn nhân đã bị đe dọa thủ tiêu.
Nạn nhân vô cùng sợ hãi hoảng loạn vì không tiếp cận được bất kỳ sự hỗ trợ nào, không biết liên hệ với ai do bạn bè ở xa, tại khu vực ở trọ không ai biết tiếng Anh. Sau khi tiếp nhận thông tin, nhân viên tư vấn NNBY đã tham vấn bình ổn tâm lý, đánh giá rủi ro và hướng dẫn kế hoạch an toàn, đợi đến hết thời gian giãn cách xã hội phối hợp với các bên liên quan như sứ quán để cùng hỗ trợ…
Nội dung 1
Cùng nhau vượt qua bạo lực gia đình
Cần nhớ rằng để phòng chống BLGĐ, ai cũng có thể đáp ứng sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, đặc biệt là chính quyền cơ cở, các cơ sở tham vấn và cơ sở hỗ trợ nạn nhân và cộng đồng. Bạo lực sở dĩ vẫn được duy trì là bởi sự thông đồng với thủ phạm của cộng đồng, bởi sự thờ ơ và xao nhãng, không quan tâm, không giải quyết hoặc giải quyết không triệt để của chính quyền. “Khi BLGĐ xảy ra với mức độ trầm trọng và với những người luôn có nguy cơ bị BLGĐ thì phải có sự chuẩn bị và kế hoạch phòng ngừa bạo lực như tìm tới các số điện thoại đường dây nóng của các địa chỉ tư vấn về BLGĐ” - bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm CSAGA nhấn mạnh.
Được biết, hiện nay các dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực giới, BLGĐ đã phủ sóng cả ở cấp quốc gia lẫn cấp tỉnh thành, cũng như các tỉnh là địa bàn hoạt động của các dự án phòng chống bạo lực giới, BLGĐ.
Cụ thể, ở cấp quốc gia đó là Ngôi nhà Bình yên thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (CWD); Tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em 111 – Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH; Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA); Tổ chức HAGAR Việt Nam; Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC).
Ở cấp tỉnh, thành đó là các cơ quan như: Chi Cục Phòng chống tệ nạn xã hội thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh; Hội Phụ nữ tỉnh; Trung tâm Trợ giúp pháp lý thuộc Sở Tư pháp tỉnh; Trung tâm công tác xã hội.
Ở cấp xã, phường, nạn nhân bạo lực giới, BLGĐ có thể tìm đến Y tế xã; Hội phụ nữ; Công an viên; Chính quyền xã; Trưởng thôn/trưởng phố, Địa chỉ tin cậy/ Người có uy tín tại cộng đồng.
Hiện nay, trên cả nước, những địa phương có hoạt động của các dự án phòng chống bạo lực giới, BLGĐ bao gồm: Quảng Ninh, Hà Nội, TP.HCM… và tại những nơi này Hội Phụ nữ, Trung tâm Trợ giúp pháp lý, Trung tâm công tác xã hội chính là những địa chỉ sẵn sàng hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới và BLGĐ.