Không nhiều xáo trộn trong “bản đồ” xếp hạng
Trong Bảng xếp hạng (BXH) VNR500 năm 2016, các tên tuổi được nêu trong Top 10 khu vực DNNN gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Cty SamSung Electronics; Tập đoàn Viễn thông quân đội; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Cty Lọc hóa dầu Bình Sơn; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam; Cty Điện lực Miền Bắc; TCty Hàng không Việt Nam.
So với BXH VNR500 năm 2015, một “tân binh” lọt trong Top 10 là TCty Hàng không Việt Nam, thế chỗ cho TCty Khí Việt Nam- CTCP. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Cty SamSung Electronics vẫn giữ vững vị trí đầu bảng, Tập đoàn Viễn thông quân đội từ vị trí thứ 5 trong VNR500 năm 2015 đã vươn lên vị trí thứ 3.
Top 10 DN khu vực tư nhân được xướng tên bao gồm: CTCP Ô tô Trường Hải; CTCP Sữa Việt Nam; Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji; Tập đoàn Vingroup- CTCP; CTCP Tập đoàn Masan; CTCP Tập đoàn Hòa Phát, CTCP Đầu tư Thế giới di động; Ngân hàng TMCP Sài Gòn, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng.
So với BXH VNR500 năm 2015, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín đã phải nhường chỗ cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng trong Top 10 BXH VNR500 năm 2016. Thứ tự Top 10 khu vực tư nhân cũng đã có sự thay đổi. Đáng kể nhất là CTCP Ô tô Trường Hải đã vươn lên vị trí số 1 từ vị trí thứ 6 của VNR500 năm 2015.
Đánh giá về tình hình sản xuất kinh doanh (SXKD) của DN 10 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm 2015, phần lớn DN trong VNR500 năm 2016 có nhận định tình hình SXKD đều tăng lên về mọi mặt, tuy nhiên 16% DN phản hồi doanh thu giảm và 15% DN đánh giá lợi nhuận sau thuế giảm trong giai đoạn vừa qua.
Năm 2016 cũng được đánh giá là một năm các DN phải đối diện với nhiều rào cản đến từ thách thức tăng trưởng nền kinh tế và biến động kinh tế, chính trị trên thế giới. Số lượng lao động trong DN hiện tại cũng được số đông DN nhận định là cơ bản ổn định với 47% DN phản hồi. Trong quý I năm 2017, 60% DN cho rằng sẽ giữ nguyên số lượng lao động trong tình hình SXKD của DN.
Khả quan với triển vọng 2017
Dự báo cho tình hình SXKD của DN trong 3 tháng đầu năm 2017, các DN đã đánh giá khả quan đối với các mặt doanh thu, lợi nhuận và tổng thể tình hình SXKD nói chung và cho rằng các kết quả sẽ tăng lên hoặc ổn định so với cùng kỳ năm 2016. Khi được hỏi về kế hoạch kinh doanh của DN trong 2 năm tới, 76% DN phản hồi sẽ tăng quy mô kinh doanh, 19% có kế hoạch tăng và chỉ có 5% phản hồi giữ nguyên tình hình quy mô hiện tại.
Ngoài ra, xu hướng của nền kinh tế trong thời gian tới là hội nhập sâu rộng và mở rộng hợp tác, vì vậy đã có nhiều nhà đầu tư từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc chọn cách gia nhập thị trường Việt Nam thông qua các thương vụ mua bán, sáp nhập. Các thương vụ M&A (sáp nhập) và JV(liên doanh) đang dần trở thành các phương thức mà DN tìm kiếm để thu hút dòng vốn đầu tư trong nước và nước ngoài. Gần 25% DN phản hồi đã thực hiện và đang trên tiến trình đàm phán sáp nhập, liên doanh trong 3 năm qua và 10% DN trả lời đã tìm kiếm, và thăm dò về các thương vụ này.
Hoạt động M&A đang trở thành kênh huy động vốn tốt, một hình thức đầu tư hiệu quả và là yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình tái cấu trúc DN cũng như nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều DN có ý định thực hiện kênh huy động vốn này còn băn khoăn trong quá trình thực hiện và rào cản lớn nhất ở vấn đề này theo các DN đánh giá là gặp khó khăn trong việc thu thập được các nguồn thông tin đáng tin cậy về các đối tượng mục tiêu mua bán. Tiếp đó là các khó khăn như thiếu đi các đối tượng mục tiêu hấp dẫn với tỷ lệ phản hồi là 24% DN và việc đáp ứng các chính sách, quy định liên quan đến mảng lĩnh vực này với tỉ lệ 19%.
Không “ngán” cạnh tranh?
Với việc Việt Nam đã ký kết một số Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với nhiều nước, khu vực và sẽ tiếp tục ký kết thêm nhiều các FTA trong thời gian tới, để đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ hội nhập, một câu hỏi được đặt ra là liệu các DN lớn Việt đã đủ nội lực để cạnh tranh với các DN nước ngoài hay chưa?
Trong khảo sát các DN VNR500, khi đánh giá thế mạnh và bất lợi của DN trên thị trường quốc tế, phản hồi chủ yếu của các DN trên các mặt mới chỉ ở mức bình thường đến mạnh, gần 60% DN đánh giá DN mình ở mức mạnh và rất mạnh trong kỹ năng quản trị và nguồn cung ổn định.
Tuy vậy, chỉ có 25% đánh giá chất lượng hàng hóa/dịch vụ của DN ở mức mạnh và 9% cho rằng rất mạnh; bên cạnh có đến 12% DN nhận định hoạt động marketing DN còn ở mức yếu. Từ đây, cho thấy vấn đề ưu tiên đối với các DN lớn là phải đẩy mạnh thương hiệu Việt và nâng cao năng suất chất lượng nếu muốn tham gia sân chơi toàn cầu.
Về lĩnh vực đầu tư, hầu hết các DN lớn đều quyết định tăng đầu tư cho các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong giai đoạn 2017-2018, 32% DN ước đoán sẽ tăng cường đầu tư trên 50% cho các hoạt động kinh doanh hiện tại.
Ngoài ra, trả lời khảo sát, gần 45% DN thể hiện ý định đầu tư ra nước ngoài trong vòng 5 năm tới, đặc biệt là các DN trong khối ngành công nghiệp/chế tạo và dịch vụ/thương mại, điều này cho thấy xu hướng tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm của các DN lớn ngày càng tăng. Với các DN VNR500, điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất thuộc về các nước US/NAFTA (3 nước Bắc Mỹ: Canada, Mỹ, Mexico) và đặc biệt là các nước châu Á đang phát triển (Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia…).