Doanh nghiệp kêu khó
Ngay sau khi Thông tư 37/2015/TT-BCT (quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may) được ban hành, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã nhận được nhiều ý kiến phản ảnh của các doanh nghiệp (DN) hội viên.
“Ban soạn thảo đã điều chỉnh, sửa đổi Thông tư 32 theo hướng bài bản hơn, đầy đủ nội dung hơn. Tuy nhiên, khi các bản dự thảo đưa ra cho các bộ, ban ngành, hiệp hội, DN tham gia, góp ý thì nội dung của Thông tư 37 hoàn toàn khác với các bản dự thảo, làm cho các DN rất lúng túng trong việc tìm hiểu và thực hiện…”- đại diện Hiệp hội Dệt may cho biết.
Theo phản ánh của DN, mặc dù Thông tư 37 đã đưa ra một số mức kiểm tra khác nhau: kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm, kiểm tra hồ sơ, kiểm tra xác suất với xu hướng giảm nhẹ hơn thủ tục kiểm tra cho các trường hợp nhập khẩu với tần suất cao và tuân thủ pháp luật về chất lượng sản phẩm (cụ thể là hàm lượng formaldehyt và amin thơm)…, tuy nhiên còn rất nhiều vấn đề quy định của Thông tư 37 chưa rõ ràng và có xu hướng tăng thêm đối tượng, tăng thủ tục cho DN…
Bà Phạm Kiều Oanh, Phó Tổng giám đốc TCty May Nhà Bè cho biết, DN nhận được văn bản góp ý Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 32 vào ngày 12/8/2015. “Tôn trọng quy trình làm việc của các ban ngành, DN đã có phúc đáp một vài ý kiến ngay tại thời điểm đó (trực tiếp và cả thông qua hiệp hội), nhưng dường như các góp ý đó không được quan tâm và đoái hoài.
Và ngày 30/10, Bộ Công Thương đã ban hành thông tư không cần quan tâm tới các ý kiến của Hiệp hội và DN ngành hàng. Một thông tư sẽ bị vướng mắc ngay từ khi thực hiện? Các DN đâu có rảnh để làm cái việc là góp ý kiến xong Bộ Công Thương coi như không quan tâm ?”- bà Oanh bức xúc.
Đại diện một DN (từ chối nêu tên) cho biết, DN phải tốn phí từ 1,67 triệu đồng/mẫu hàng dệt may kiểm tra chất lượng. Trung bình một lô hàng cần kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm phải từ 3- 4 mẫu, có lô tới 7 mẫu. Sau đó, chờ 3- 5 ngày làm việc mới có kết quả, còn muốn nhanh hơn thì phải tốn thêm chi phí (khoảng 700 nghìn đồng, lấy trong ngày). Chỉ riêng chi nhánh Hà Nội, mỗi năm DN này mất khoảng 1 tỷ đồng tiền kiểm dịch, nếu tính cả ở TP HCM, DN này mỗi năm tốn gần 3 tỷ đồng cho khâu kiểm tra này…
Hải quan cũng… “chẳng hiểu gì”
Nguyên Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan Phạm Thanh Bình rất kỳ công khi lập bảng so sánh giữa Thông tư 37 và Thông tư 32 về 13 vấn đề: Phạm vi kiểm tra, giấy tờ, thủ tục, thời điểm kiểm tra, địa điểm kiểm tra, phương thức kiểm tra, thời gian kiểm tra, chứng chỉ và nhãn sinh thái, mặt hàng xuất khẩu nhiều lần, cách lấy mẫu, chi phí kiểm tra, cách lấy mẫu...
Ngoài 3 vấn đề quy định “vẫn như cũ”, 1 vấn đề không có ý nghĩa nhiều với DN, những vấn đề còn lại theo ông Bình đều quy định kém thuận lợi hoặc là không rõ. Như về phạm vi kiểm tra thì rộng hơn, thêm hình thức “kiểm tra xác suất”, địa điểm kiểm tra kém thuận lợi hơn, thêm chi phí (chi phí “kiểm tra xác suất”, chi phí lưu kho, lưu bãi)… Theo ông Bình, chỉ với việc thêm chi phí “kiểm tra xác suất” mà DN phải trả, mỗi năm mỗi DN phải mất vài trăm triệu đến vài tỷ đồng.
Tuy nhiên, điều mà những người làm công tác “gác cổng” quốc gia lo ngại là nhiều quy định mà bản thân hải quan cũng “không hiểu gì” - theo lời ông Bình. Đơn cử như phạm vi kiểm tra: Không rõ là phạm vi kiểm tra chỉ gồm các sản phẩm dệt may tiêu thụ thị trường nội địa hay toàn bộ sản phẩm dệt may nhập khẩu? Không rõ “kiểm tra thông thường” khác gì với “kiểm tra giảm”? “Kiểm tra giảm” có áp dụng cho hàng nhập khẩu không? Văn bản hồ sơ minh chứng cho lô hàng thuộc đối tượng được áp dụng kiểm ra hồ sơ, kiểm tra giảm gồm những giấy tờ gì? Kiểm tra xác suất như thế nào???...
So sánh Thông tư 37 với Quyết định 2026/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, ông Nguyễn Huy Lưu, Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cũng chỉ ra một loạt điểm không rõ và không phù hợp cần phải giải thích thêm. Ông Lưu cũng lo ngại khi tới đây Thông tư có hiệu lực thì rất có thể mỗi nơi hiểu một cách khác nhau…
Đề nghị đình chỉ hiệu lực
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (CIEM), yêu cầu của Nghị quyết 19 của Chính phủ đối với việc sửa đổi, bổ sung pháp luật chuyên ngành về xuất, nhập khẩu, trong đó có Thông tư 32 là: giảm số lượng và đơn giản hóa nội dung hồ sơ; giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính; bảo đảm minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước.
“Thông tư 37 không đáp ứng tất cả cũng như từng yêu cầu cụ thể của Nghị quyết 19 đối với việc sửa đổi Thông tư 32. Hình như khi soạn thảo, cơ quan soạn thảo và ban hành đã không căn cứ Nghị quyết 19… Và đúng vậy, trong các căn cứ pháp lý liệt kê, không có Nghị quyết 19 mà căn cứ vào những văn bản mà Nghị quyết cũng đã yêu cầu bổ sung, sửa đổi…”- ông Cung nhận định.
Trước những bất cập này, Viện trưởng CIEM đề nghị Bộ Công Thương xem xét, đình chỉ hiệu lực thi hành Thông tư 37; nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi Thông tư 32 theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 19…